Ngày hội Văn hóa dân tộc Dao toàn quốc lần thứ nhất và Lễ hội thành Tuyên năm 201

Dân tộc Dao là một trong số 54 dân tộc trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam. Người Dao sinh sống ở nước ta đã từ rất lâu, đồng bào sống xen ghép với nhiều dân tộc: Tày, Nùng, Mông, Thái, Mường, Việt (Kinh)... Phạm vi cư trú của người Dao rất rộng, trải khắp miền rừng núi, dọc theo biên giới Việt - Trung, Việt - Lào cho tới một số tỉnh trung du và ven biển Bắc Bộ.

 

Mô phỏng Lễ cấp sắc của dân tộc Dao quần trắng, xã Chân Sơn, Yên Sơn. Ảnh: Quang Hòa


    Xưa kia người Dao được gọi bằng nhiều tên khác nhau như: Mán, Động, Trại, Xá... Theo sách “Các dân tộc ít người ở Việt Nam” của Viện Dân tộc học, thì tên Mán là bắt nguồn từ chữ Man. Các tộc người sinh tụ ngoài địa bàn của Hán tộc từ lưu vực sông Trường Giang trở xuống phương Nam đều bị phong kiến Hán gọi là Man. Tên này chỉ là một tên phiếm định nhưng dần về sau đã hàm ý khinh miệt. Người Dao chỉ là một tộc người trong nhiều tộc có tên là Man, do đó tên Man hay Mán không thể là tên gọi riêng người Dao. Tên Động, Trại, Xá cũng đều là những tên gọi không đúng với tên tự gọi của người Dao và ít nhiều đều có ý khinh thị.

    Người Dao tự gọi (tự nhận) là Kiềm miền hay Kìm mùn đều có nghĩa là người sinh sống ở rừng. Theo tiếng Dao Kiềm (Kềm), Kìm là rừng; miền, mùn là người. Ngoài tên Kiềm miền, Kìm mùn người Dao còn có tên Dìu miền phát âm theo Hán - Việt là Dao nhân tức là người Dao. Tên Dìu miền được nhắc đến trong các câu chuyện truyền miệng hoặc trong các tài liệu cổ của người Dao: trong Truyện quả bầu, trong Quá sơn bảng văn (Bình Hoàng khoán điệp), hay trong bản trường thi thất ngôn nói về cuộc di cư của người Dao Tiền, Dao Quần Chẹt từ Quảng Đông vào Việt Nam... Như vậy, Dao là tên tự nhận của người Dao, nó gắn liền với lịch sử hình thành dân tộc Dao, được người Dao thừa nhận và chính thức được Nhà nước công nhận.

    Theo gia phả một số gia đình người Dao ở Tuyên Quang và “Bình Hoàng khoán điệp” thì nguồn gốc của người Dao là từ Trung Quốc di cư vào Việt Nam sớm nhất là Dao Quần Trắng, khoảng thế kỷ XIII, muộn nhất là Dao Ô Gang (Lồ Gang) khoảng cuối thế kỷ XIX. Trong các sách cúng của người Dao, đồng bào thường nhắc đến việc đưa linh hồn người chết về Dương Châu đại điện. Tại Bảo tàng Tuyên Quang hiện nay đang lưu giữ bức Bình Hoàng khoán điệp hay còn gọi là Quá sơn bảng văn.

    Nội dung Quá sơn bảng văn có thể tóm lược như sau: Bàn Hồ là con long khuyển mình dài ba thước, lông đen, vằn vàng, mướt như nhung từ trên trời giáng xuống trần, được Bình Vương yêu quý, nuôi trong cung vua. Một hôm Bình Vương nhận được chiếu thư của Cao Vương, liền hội triều để bàn kế đánh lại Cao Vương. Trong khi mọi người còn đang yên lặng vì chưa tìm ra kế gì thì con long khuyển Bàn Hồ nhảy ra phủ phục trước nhà vua xin đi giết Cao Vương.

    Trước khi Bàn Hồ đi, vua hứa nếu Bàn Hồ giết được Cao Vương thì sẽ gả công chúa cho. Bàn Hồ phải mất bảy ngày bảy đêm mới tới được chỗ Cao Vương. Cao Vương thấy con chó Bàn Hồ từ chỗ Bình Vương tới thì cho đó là điềm may, liền mang Bàn Hồ về cung cấm nuôi. Một hôm, nhân lúc Cao Vương uống rượu say, Bàn Hồ cắn chết Cao Vương, mang đầu về báo công với Bình Vương và được phong là Bàn Vương. Giữ lời hứa, Bình Vương gả con gái cho Bàn Hồ.

    Sau lễ cưới Bàn Hồ mang vợ về núi Cối Kê (Triết Giang). Sau đó, vợ chồng Bàn Hồ sinh được 6 con trai, 6 con gái. 12 người con của Bàn Hồ đều được ông là Bình Vương ban sắc thành 12 họ, riêng con cả lấy họ cha là họ Bàn, còn các con khác lấy các tên họ: Lan, Mãn, Uyển, Đặng, Trần, Lương, Tống, Phượng, Đối, Lưu, Triệu. Con cái Bàn Vương sinh sôi ra ngày một nhiều, tới thời Hồng Vũ (1368 - 1398) nhà vua phải cấp cho Quá sơn bảng văn để phân tán đi các nơi tìm đất sinh sống. Lúc này mỗi họ người Dao đã phát triển thành một ngành, mỗi ngành mang theo Quá sơn bảng văn đi vào một vùng núi khác nhau để sinh sống và phát triển đông đúc như ngày nay.

   Bàn Hồ là nhân vật huyền thoại, thủy tổ của dân tộc Dao, đã được nhắc đến trong truyện kể dân gian, thần tích và các truyện thơ, trong đó phải kể tới sách Quá sơn bảng văn (Bình Hoàng khoán điệp) vừa được truyền miệng trong dân gian, vừa được các trí thức người Dao ghi chép thành sách chữ Nôm Dao.

    Trong truyền thuyết, Bàn Hồ là vị thánh lớn nhất, được hầu hết các nhóm người Dao thờ cúng vì việc thờ cúng này liên quan tới vận mệnh của mỗi con người, dòng họ và cả dân tộc. Ngoài một số nghi lễ lớn thờ cúng Bàn Vương như lễ Chẩu đàng, tết Nhiàng Chầm đao, thì Bàn Hồ còn được cúng trong nhiều nghi lễ khác như cúng tổ tiên gia tộc, dòng họ, lễ cấp sắc...

   Liên quan đến Bàn Hồ không chỉ có những truyền thuyết, thần tích, truyện thơ, các nghi lễ tín ngưỡng dân gian mà còn cả những sắc thái văn hóa mang đậm những đặc trưng dân tộc. Bàn Hồ cùng với các sinh hoạt tín ngưỡng - văn hóa dân gian mang tính phổ quát toàn dân tộc, là biểu tượng cho sự thống nhất nguồn gốc và văn hóa dân tộc Dao. Đặc biệt với dân tộc Dao, do sinh sống phân tán, nhưng huyền thoại Bàn Hồ về cội nguồn dân tộc và các tín ngưỡng, phong tục kèm theo đều phổ biến ở các ngành Dao.

    Trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang dân tộc Dao có hơn 77 nghìn người, chiếm 11,4% dân số toàn tỉnh (đứng thứ ba sau dân tộc Kinh, Tày), với đầy đủ 9 ngành: Dao Đỏ (Đại Bản), Dao Tiền (Tiểu Bản), Dao Quần Chẹt, Dao Áo Dài (Dao Tuyển), Dao Thanh Y, Dao Quần Trắng, Dao Coóc Ngáng, Dao Coóc Mùn, Dao Ô Gang (có nơi gọi là Lồ Gang - Thanh Phán). Mỗi ngành Dao ở Tuyên Quang cư trú ở một vùng nhất định. Ngành Dao Đỏ cư trú chủ yếu ở huyện Na Hang, Lâm Bình, Chiêm Hóa.

    Ngành Dao Tiền cư trú chủ yếu ở huyện Chiêm Hóa, Na Hang, Hàm Yên. Ngành Dao Coóc Mùn cư trú chủ yếu ở huyện Yên Sơn, Sơn Dương. Ngành Dao Quần Chẹt cư trú chủ yếu ở huyện Sơn Dương. Ngành Dao Ô Gang (Thanh Phán), Coóc Ngáng, Thanh Y cư trú chủ yếu ở huyện Yên Sơn. Ngành Dao Quần Trắng cư trú chủ yếu ở huyện Hàm Yên, Yên Sơn.

Thiếu nữ dân tộc Dao Đỏ trong Ngày hội. Ảnh: Quốc Việt


    Ngành Dao Áo Dài (Dao Tuyển) cư trú chủ yếu ở huyện Hàm Yên, Chiêm Hóa. Người Dao ở Tuyên Quang có 13 họ chính: Bàn, Đặng, Triệu, Lý, Phùng, Dương, Chu, La, Tưởng, Vi, Bạch, Trần, Chúc. Trong đó họ Bàn được coi là họ gốc. Phong tục tập quán nói chung, nghi lễ dân gian của dân tộc Dao nói riêng là yếu tố quan trọng phản ánh trình độ phát triển tộc người và tạo nên bản sắc văn hóa, đóng góp quan trọng vào kho tàng chung của bản sắc văn hóa các dân tộc ở Tuyên Quang.

   Do phong tục tập quán của mỗi ngành Dao và hoàn cảnh địa lý ở vùng đồng bào cư trú, nhà ở truyền thống của người Dao ở Tuyên Quang là nhà nền đất (nhà đất), nhà nền nửa sàn nửa đất và nhà sàn. Các ngành: Dao Quần Trắng, Áo Dài, Thanh Y ở nhà sàn; các ngành: Dao Đỏ, Dao Tiền, Coóc Ngáng, Coóc Mùn, Ô Gang, Quần Chẹt ở nhà đất và nhà nửa sàn nửa đất. Dù nhà đất hay nhà sàn thì vật liệu làm nhà chính vẫn là gỗ, tre, nứa, song, mây, lá co... những vật liệu vốn rất sẵn có của rừng núi.

    Hiện nay, do điều kiện kinh tế, xã hội, nhà ở của người Dao chủ yếu là nhà đất, nhà sàn, loại nhà nửa sàn nửa đất hầu như không còn. Những ngôi nhà sàn cột gỗ truyền thống của người Dao Quần Trắng, Áo Dài cũng không còn nhiều, thay vào đó là những ngôi nhà sàn cột bê tông cốt thép, sàn bê tông lát gạch men, mái lợp fi bro hoặc tôn... Tuy nhiên, những tập quán tốt đẹp liên quan đến làm nhà, nếp sinh hoạt và đời sống văn hóa vẫn được người Dao duy trì, gìn giữ.

   Xưa người Dao sống du cư, du canh, phát nương làm rẫy trên những triền núi cao là chủ yếu. Cuộc sống du canh du cư luôn phải chống chọi với thiên nhiên khắc nghiệt để tạo ra sản phẩm vật chất nuôi sống con người và duy trì nòi giống. Quá trình chinh phục thiên nhiên để ngày càng thích ứng với cuộc sống đã dần dần hình thành nên những bản sắc văn hóa độc đáo, khác biệt so với các dân tộc khác cận vùng và ngay mỗi ngành Dao khác trong cùng dân tộc Dao.

    Một đặc điểm nổi bật dễ nhận thấy đó là, ở Tuyên Quang hội tụ đủ 9 ngành Dao của Việt Nam. Điều đó minh chứng, người Dao ở Tuyên Quang trải qua bao thế hệ đã gìn giữ, sáng tạo và phát triển vốn văn hóa truyền thống rất phong phú, đa dạng, đậm nét, đặc trưng riêng có của người Dao như: ngôn ngữ, chữ viết, phong tục tập quán, truyện, thơ, tục ngữ, dân ca, dân vũ, nhạc cụ, mỹ thuật..

Tiết mục múa “Bắt ba ba” của dân tộc Dao quần chẹt xã Hợp Hòa, Sơn Dương. Ảnh: Quang Hòa


    Theo kết quả kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể năm 2015 của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trong số hơn 400 di sản văn hóa phi vật thể các dân tộc toàn tỉnh, thì dân tộc Dao có tới 133 di sản văn hóa phi vật thể, với nhiều di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu, trong đó, lễ cấp sắc và hát Páo dung đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

    Người Dao coi trọng đạo lý, sống nghĩa tình, thể hiện cách ứng xử của mình thông qua các nghi lễ truyền thống như: Những nghi lễ trong chu kỳ đời người, được thể hiện qua những tập tục trong sinh đẻ và nuôi dạy con; nghi lễ đánh dấu sự trưởng thành - lễ cấp sắc; nghi lễ cưới hỏi, tang ma... Đặc biệt là các nghi lễ tín ngưỡng liên quan đến thờ cúng tổ tiên luôn được người Dao duy trì và coi trọng, thể hiện qua tục “tách tổ” và dựng tổ mới với những nghi lễ độc đáo, đặc sắc.

    Bên cạnh đó, những sinh hoạt văn hóa (có yếu tố tín ngưỡng - tâm linh) mang tính chất gắn kết mối quan hệ gia đình, dòng họ mật thiết, cố kết cộng đồng được thể hiện qua những nghi lễ liên quan đến các tết trong năm, các lễ cúng tại miếu làng... Tất cả những nghi lễ đó đều không nằm ngoài một ước muốn của đồng bào Dao đó là cầu mong cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, người người khỏe mạnh, cuộc sống đầm ấm, yên vui, mọi gia đình được an lành hạnh phúc.

   Tuy nhiên, trong số 133 di sản văn hóa phi vật thể, hiện có 67 di sản văn hóa phi vật thể đang có nguy cơ bị mai một. Đây là điều các cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực này và chính bản thân người Dao phải suy nghĩ tìm giải pháp để bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc Dao trong tiến trình đổi mới, hội nhập và phát triển đất nước, quê hương hiện nay.

Theo baotuyenquang.com.vn


Bài viết liên quan