Mô hình đèn trung thu “Rồng vàng đất Việt” của tổ 9, phường Tân Quang (TP Tuyên Quang).
Ảnh: Quang Hòa
Các hoạt động trong thời gian diễn ra ngày hội gồm: Liên hoan văn nghệ quần chúng và trình diễn trang phục nữ truyền thống dân tộc Dao; trình diễn, giới thiệu trích đoạn lễ hội, nghi thức sinh hoạt văn hóa truyền thống dân tộc Dao; trưng bày, triển lãm “Sắc màu văn hóa dân tộc Dao”; trưng bày, giới thiệu ẩm thực dân tộc Dao; hội thảo khoa học “Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Dao”; các trò chơi dân gian của người Dao như đánh yến, đu dây, đánh quay; trưng bày, giới thiệu ẩm thực các dân tộc tỉnh Tuyên Quang và Lễ hội Bia Hà Nội...
Tuyên Quang với cộng đồng hơn 100 nghìn người Dao sinh sống, đó là một mảnh đất giàu bản sắc văn hóa của đồng bào Dao. Đăng cai tổ chức lễ hội lần này là lời khẳng định của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Tuyên Quang trong việc bảo tồn, tôn vinh và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào dân tộc thiểu số, đồng thời giới thiệu đến nhân dân và bạn bè trong nước và quốc tế về hình ảnh miền đất, con người, các giá trị di sản văn hóa Tuyên Quang.
Niềm vui của phụ nữ dân tộc Dao trong Ngày hội. Ảnh: Quốc Việt
Đội văn nghệ người Dao áo dài xã Yên Phú (Hàm Yên) do ông Đặng Văn Chín làm đội trưởng đã có mặt tại thành phố Tuyên Quang từ đầu tháng 7 âm lịch để tập dượt các tiết mục biểu diễn. Các tiết mục đội mang đến ngày hội lần này gồm: Thi trình diễn trang phục Dao và giới thiệu mâm cỗ Ăn rằm tháng Bảy trong chương trình giới thiệu ẩm thực dân tộc Dao.
Chị Đặng Thị Nhẩm, dân tộc Dao Quần trắng, xã Chân Sơn (Yên Sơn) được lựa chọn là người trình diễn trang phục dân tộc trong ngày hội. Chị Nhẩm khoe những nét thêu tinh xảo trên chiếc yếm của mình và tự hào chia sẻ, bộ trang phục này chị hoàn thành từ năm 14, 15 tuổi. Cứ đến ngày lễ, ngày hội, chị lại diện trang phục dân tộc mình, vừa để khoe sự khéo tay, vừa để vẻ đẹp của trang phục dân tộc mình khoe sắc với những dân tộc khác.
Cùng chung niềm vui với người Dao Tuyên Quang, năm nay có 12 tỉnh, thành phố tham gia ngày hội, gồm: Phú Thọ, Hà Giang, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Bắc Kạn, Cao Bằng, Quảng Ninh, Sơn La, Vĩnh Phúc, Lai Châu và Hà Nội.
Mô hình đèn Trung thu của tổ 3, phường Tân Quang. Ảnh: Hải Đăng
Ông Triệu Tài Quý, dân tộc Dao quần chẹt, Đội trưởng đội văn nghệ huyện Yên Lập (Phú Thọ) cho biết, đến với Tuyên Quang đúng dịp Lễ hội Trung thu, ông Quý cũng như các du khách cảm giác như ngày nào cũng được sống trong không khí Lễ hội, lại được gặp gỡ, giao lưu với người Dao của các tỉnh, thành khác là điều mà anh em trong đội văn nghệ mong mỏi đã lâu. Đội văn nghệ huyện Yên Lập đã chuẩn bị những “đặc sản” như: Cúng Tết nhảy, múa rùa, múa chuông, múa kiếm... được tập nhuần nhuyễn cả tháng nay, chỉ chờ được dịp thi tài với người Dao cả nước.
Du khách nước ngoài giao lưu, gặp gỡ các thành viên tham gia Ngày hội Văn hóa
dân tộc Dao toàn quốc lần thứ nhất năm 2017. Ảnh: Nguyễn Việt
Từ trước đó, các mô hình đèn Trung thu khổng lồ đã được người dân rước quanh một số tuyến phố trên địa bàn TP Tuyên Quang. Năm nay, các mô hình đèn Trung thu được đầu tư hơn, từ hình ảnh đến ý nghĩa câu chuyện xung quanh. Từ những câu chuyện như Dế mèn phiêu lưu ký, Ong và bướm đến những nét văn hóa của các địa phương trong tỉnh, như Sự tích trái Cam sành và lễ hội Động Tiên, Cọn nước, Đàn tính...
Bắt đầu từ ngày 29-9, dọc tuyến Đại lộ Tân Trào (đoạn từ Khách sạn Mường Thanh đến Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh) đã diễn ra nhiều hoạt động sôi nổi, từ triển lãm sắc màu văn hóa dân tộc Dao, trình diễn trang phục dân tộc Dao đến các môn thể thao truyền thống như đẩy gậy, bắn nỏ...
Đông đảo người dân và du khách tham dự Ngày hội và Lễ hội. Ảnh: Hồng Lĩnh
Nhiều khách du lịch lần đầu tiên được sống trong sự náo nhiệt của ngày hội và không gian văn hóa truyền thống đều không khỏi choáng ngợp. Ông Kaus Tubh Joshi, du khách người Ấn Độ hào hứng, đến với Tuyên Quang lần này, được sống trong sự náo nhiệt và lung linh của Lễ hội thành Tuyên, lại được tận mắt chiêm ngưỡng những nét văn hóa độc đáo, rực rỡ của người Dao trong ngày hội là một trải nghiệm rất thú vị và hiếm có. Tuyên Quang chắc chắn sẽ là lựa chọn của ông khi quay trở lại Việt Nam những lần tới đây.
Không khí lễ hội đã ngập tràn đường phố. Du lịch Tuyên Quang đang từng bước hoàn thành mục tiêu xây dựng một hình ảnh người Tuyên Quang mến khách, thân thiện và tốt đẹp nhất trong lòng du khách.
Theo baotuyenquang.com.vn