Niềm vui của thiếu nhi trong Tết Trung thu. Ảnh: Thành Công
Đây gọi là “Tết trông Trăng”. Trẻ em rất mong đợi được đón tết này vì thường được người lớn tặng đồ chơi, thường là đèn ông sao, mặt nạ, đèn kéo quân,... Vào ngày tết này, người ta tổ chức bày cỗ, trông trăng. Thời điểm trăng lên cao, trẻ em sẽ vừa múa hát vừa ngắm trăng phá cỗ.
Em Bùi Phương Thảo, xã Lưỡng Vượng, huyện Yên Sơn kể: Vào những ngày rằm Trung thu ở thôn cháu cũng vui lắm, đám trẻ trong xóm tụ tập ngồi quây quần bên mâm cỗ được nghe bà kể chuyện tại sao lại có tiết mục múa sư tử đêm rằm.
Bà cháu bảo: “Các cháu bây giờ là sướng nhất đấy nhé. Thôn xóm, nhà trường, gia đình đều quan tâm tổ chức Trung thu cho các cháu. Năm nay, tổ chức sớm hơn mọi năm, để gia đình nào có điều kiện còn cho các cháu xuống thành phố dự Lễ hội đường phố. Vào những ngày này không khí Trung thu ở thành phố Tuyên Quang thật tưng bừng. Các tổ dân phố kỳ công làm những mô hình gắn với sự tích, những sự kiện lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc. Các mô hình về các di tích lịch sử, các anh hùng dân tộc được làm trông y như thật, các mô hình dân gian thì thật đặc sắc sinh động”.
Năm nay tỉnh ta tổ chức Ngày hội Văn hóa Dân tộc Dao toàn quốc đúng dịp Trung thu, không khí náo nhiệt. Hàng nghìn người đổ ra đường hò reo, cổ vũ khi đoàn rước đi qua rồi lại tấp nập kéo nhau diễu hành cùng đoàn rước. Vui và thật ý nghĩa. Thế mới nói, Trung thu là dịp giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa dân gian cho các cháu thiếu nhi.
Lễ hội đường phố được tổ chức chục năm nay là nét đẹp văn hóa truyền thống để giới thiệu, quảng bá hình ảnh quê hương, con người xứ Tuyên ta. “Văn là người, sử là gốc”, nhắc đến niềm tự hào, tự tôn dân tộc sẽ giúp thế hệ cháu con bồi đắp kiến thức, tu dưỡng nhân cách để vững chãi trở thành chủ nhân tương lai của nước nhà. Lễ hội đường phố với những hoạt động thiết thực, có ý nghĩa, mang tính giáo dục cao, là dịp tôn vinh truyền thống văn hóa Việt, các cháu cần phải biết và ghi nhớ điều đó.
Theo baotuyenquang.com.vn