Tạo ấn tượng tốt với du khách

Tuyên Quang có nhiều di tích đền, chùa thu hút đông đảo du khách đi lễ dịp đầu năm. Năm nay, nhiều địa phương trong tỉnh, nhiều tổ quản lý đền, chùa đã đổi mới cách quản lý, gìn giữ không khí tôn nghiêm, nền nếp, đảm bảo an ninh trật tự trong khuôn viên, tạo ấn tượng tốt với du khách.

 

Du khách đi lễ tại đền Mẫu Ỷ La, phường Ỷ La (TP Tuyên Quang).

    Năm nay, sự đổi thay rõ rệt nhất mà du khách cảm nhận được ở đền Hạ, đền Kiếp Bạc, phường Tân Quang và đền Thượng, xã Tràng Đà (TP Tuyên Quang) là khuôn viên bên trong đền đã được trả lại sự tôn nghiêm, không còn cảnh tranh mua, tranh bán, không còn tình trạng đổi tiền lẻ hưởng chênh lệch diễn ra công khai như trước đây.

    Các chủ kinh doanh các mặt hàng, dịch vụ đã chấp hành sự chỉ đạo của thành phố chuyển ra bán hàng tại khu vực phía ngoài đền. Không gian bán hàng trước đây được tổ quản lý đền bố trí để du khách sắp lễ hoặc nghỉ ngơi vãn cảnh. Bà Nguyễn Thị Vân, tổ 9, phường Hưng Thành cho biết: “Năm nào tôi cũng đi lễ ở đền Hạ, đền Kiếp Bạc. Tôi thấy năm nay, an ninh trật tự trong khuôn viên đền đã đảm bảo hơn. Du khách đi lễ tại đây còn được trông xe miễn phí”.

    Tại đền Mẫu, phường Ỷ La, công tác đảm bảo an ninh trật tự cho du khách đi lễ được tổ quản lý đền phối hợp chặt chẽ với lực lượng công an phường tổ chức thực hiện. Trước Tết Nguyên đán Mậu Tuất, tổ quản lý đền đã ký cam kết với phường đảm bảo công tác an ninh trật tự. Công tác phòng, chống cháy nổ được phường và tổ quản lý đền chú trọng hơn. Bà Trịnh Kim Hải, phụ trách tổ quản lý đền cho biết, để tránh nguy cơ cháy nổ, mỗi giờ đồng hồ, tổ quản lý đền kiểm tra, tắt bớt nến tại các ban thờ, đồng thời nhắc nhở du khách về việc đảm bảo an toàn cháy nổ.

    Một điều đáng ghi nhận nữa là nhiều đền, chùa đã cử người nhắc nhở du khách để tiền công đức, tiền giọt dầu vào hòm công đức; bố trí hòm công đức đúng quy định. Vì vậy, ở một số đền, chùa đã không còn xảy ra tình trạng đặt tiền công đức, tiền giọt dầu vung vãi, gây mất mỹ quan. Bà Hoàng Thị Phương, tổ 40, phường Minh Xuân (TP Tuyên Quang) cũng như nhiều du khách khác khi đi lễ chùa Hang đã đặt tiền công đức, tiền giọt dầu vào hòm công đức thay cho việc đặt tiền lẻ ở nhiều ban thờ. Theo bà Phương thì việc đặt tiền công đức, tiền giọt dầu vào hòm công đức sẽ đẹp mắt hơn.

    Bên cạnh những nỗ lực đổi mới của chính quyền địa phương, tổ quản lý đền, chùa nhiều nơi thì vẫn còn những hình ảnh chưa đẹp mắt đối với du khách khi đi lễ đền, chùa. Đền Minh Lương, xã Lang Quán (Yên Sơn) những ngày sau Tết Nguyên đán đón rất đông du khách đi lễ. Tuy nhiên, xen lẫn với cảnh bán hàng hai bên cổng đền là hình ảnh nhiều người ăn xin ngồi ở hai bên đường vào cổng đền để xin tiền du khách.

    Ông Trần Quốc Dũng, du khách ở phố Xã Đàn, quận Đống Đa (Hà Nội) cho rằng đây là cảnh mà những du khách như ông khi đi lễ không muốn gặp. Chính quyền địa phương cần có giải pháp để ngăn chặn tình trạng này. Ông Nguyễn Duy Chung, Chủ tịch UBND xã Lang Quán cho biết, mặc dù trước Tết Nguyên đán và mùa lễ hội, UBND xã đã chỉ đạo các thôn để vận động, tuyên truyền người dân không đến xin tiền du khách tại cổng đền, song tình trạng này vẫn diễn ra.

    Bên cạnh đó, việc thực hiện quy định về cấm đổi tiền lẻ hưởng chênh lệch ở một số đền vẫn chưa nghiêm. Tình trạng để xe ô tô chở khách đi lễ tràn ra ngoài đường, gây cản trở và mất an toàn giao thông vẫn diễn ra ở đền Cảnh Xanh (TP Tuyên Quang). Một số nơi, khách đi lễ đặt tiền giọt dầu, tiền công đức chưa đúng quy định. Tổ quản lý đền chưa chú ý phân công người nhắc nhở du khách. Những tồn tại này cần được tiếp tục chấn chỉnh và trách nhiệm thuộc về chính quyền địa phương để dịp đi lễ đầu năm ở Tuyên Quang để lại ấn tượng tốt với du khách.

Theo TQĐT


Bài viết liên quan