Ngày xuân tham quan di tích lịch sử

Tuyên Quang - địa danh thân thiết và thiêng liêng gắn liền với lịch sử Cách mạng Việt Nam...

     Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào

    Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào nằm ở phía Đông Nam của tỉnh Tuyên Quang với trên 500 điểm di tích nằm trên địa bàn 11 xã: Tân Trào, Minh Thanh, Trung Yên, Bình Yên, Lương Thiện (Sơn Dương); Kim Quan, Trung Sơn, Hùng Lợi, Trung Minh, Đạo Viện, Công Đa (Yên Sơn). Tổng diện tích tự nhiên 530,9 km². Đây là khu di tích đặc biệt quan trọng của quốc gia, gắn liền với hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng, Chính phủ, Quốc hội, Mặt trận, các bộ, ban, ngành, cơ quan trung ương; nơi ghi dấu những sự kiện trọng đại của đất nước trong thời kỳ chuẩn bị Tổng khởi nghĩa giành chính quyền Tháng Tám năm 1945 và trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Đình Tân Trào (Sơn Dương).

    Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào là niềm vinh dự, tự hào của nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang nói riêng và nhân dân cả nước nói chung.

    Khu di tích Quốc gia đặc biệt Kim Bình

    Khu di tích Kim Bình (Chiêm Hóa) được xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt vào tháng 2-2017. Xã Vinh Quang nay là xã Kim Bình, huyện Chiêm Hóa đã được Trung ương Đảng, Bác Hồ chọn là địa điểm để tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng. Đại hội đã khai mạc vào ngày 11-2-1951 (tức ngày mùng 6 Tết Tân Mão) và bế mạc vào ngày 19-2-1951.

Di tích Nhà hội trường, nơi tổ chức Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 2 tại Kim Bình (Chiêm Hóa).

    Kim Bình là địa bàn chiến lược, nằm sâu trong Thủ đô Khu giải phóng, Thủ đô Kháng chiến. Nơi đây có địa thế hiểm yếu, lòng dân kiên trung, cơ sở chính trị và lực lượng vũ trang được xây dựng vững chắc, vừa thuận lợi trong giao thông, liên lạc, kết nối với các tỉnh Việt Bắc, Tây Bắc, miền ngược, miền xuôi, ra biên giới, vừa đảm bảo tuyệt đối an toàn, bí mật; điều kiện tự nhiên, khí hậu thuận lợi cho cung cấp lương thực, thực phẩm tại chỗ, cùng với ngân quỹ của Trung ương, của tỉnh đảm bảo tốt nhất cho công tác hậu cần.

    Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng là sự kiện đặc biệt quan trọng trong lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam và của dân tộc ta, là bước ngoặt để đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đến thắng lợi hoàn toàn. Kể từ ngày thành lập đến nay, đây là Đại hội đầu tiên của Đảng được tổ chức trong nước và là đại hội duy nhất được tổ chức ở một địa phương ngoài Thủ đô Hà Nội.

    Quảng trường Nguyễn Tất Thành

    Quần thể di tích Quảng trường Nguyễn Tất Thành (TP Tuyên Quang) có hai di tích quan trọng là tượng đài “Bác Hồ với nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang” và Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh.

    Tượng đài “Bác Hồ với nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang” tựa vào núi Thổ Sơn. Tượng đài gồm 2 phần: Phía trước là nhóm tượng 7 nhân vật, trong đó tượng Bác Hồ ở vị trí trung tâm, xung quanh là các nhân vật đại diện cho lực lượng vũ trang, thiếu nhi, thanh niên, phụ nữ, công nhân và trí thức, mô phỏng chuyến thăm và nói chuyện của Bác Hồ với nhân dân các dân tộc Tuyên Quang vào tháng 3 năm 1961; phía sau là phù điêu biểu tượng cây đa Tân Trào - di tích lịch sử cách mạng Việt Nam và khắc họa một số hình ảnh hoạt động, sinh hoạt văn hóa, kinh tế... của tỉnh Tuyên Quang.

    Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đặt tại chân núi Thổ Sơn gắn kết với nhóm tượng đài “Bác Hồ với nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang”. Tượng Bác và các ban thờ trong Đền đều được bố trí theo phong tục truyền thống của người Việt. Gian chính có bức đại tự “Chính Đại Quang Minh” và hai câu đối do Giáo sư, Anh hùng Lao động Vũ Khiêu viết: “Ánh sáng rực Tuyên Quang hồng nhật soi dài muôn dặm đất/Khí thiêng trùm Việt Bắc đẩu tinh định hướng triệu con người”. Gian trong của Đền thờ bày bài vị thân phụ và thân mẫu của Bác.

    Tượng đài “Bác Hồ với nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang” và Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh gắn với Quảng trường Nguyễn Tất Thành là công trình văn hóa có ý nghĩa lịch sử, chính trị và nhân văn sâu sắc, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, đạo lý uống nước nhớ nguồn cho các thế hệ người Tuyên Quang nói riêng, người Việt Nam nói chung hôm nay và mai sau. Với giá trị lịch sử, văn hóa và mỹ thuật to lớn, tác phẩm điêu khắc tượng đài “Bác Hồ với nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang” được trao giải A Giải thưởng sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh năm 2015.

Theo TQĐT


Bài viết liên quan