Triển vọng phát triển du lịch cộng đồng

Lâm Bình là huyện vùng cao mới thành lập, hạ tầng phục vụ ngành du lịch hầu như còn rất sơ khai. Thế nhưng nơi đây lại có lợi thế về du lịch và lâm bình đã nhanh chóng khai thác được lợi thế này. bằng chứng là năm 2017, huyện đã thu hút trên 35.000 lượt khách du lịch, đạt 291,7% kế hoạch, tăng 161,2% so với cùng kỳ năm 2016, doanh thu xã hội về du lịch 21 tỷ đồng, đạt 350% kế hoạch. Có được sự khởi sắc này là nhờ huyện đã mạnh dạn triển khai thực hiện mô hình du lịch cộng đồng homestay.

    Nhiều người ví von rằng, tiềm năng du lịch của huyện Lâm Bình giống như viên ngọc thô, nếu tìm cách đánh bóng thì nó sẽ tỏa sáng. Thực vậy, Lâm Bình là vùng đất có cảnh quan thiên nhiên đẹp hiếm có trong khu vực miền núi phía Bắc. Đất Thượng Lâm với danh thắng 99 ngọn núi được ví như vườn treo Babilon. Vùng hồ sinh thái với những thắng cảnh như núi Cọc Vài, thác Khuổi Slung, động Song Long, hang Phia Vài... giống như V?nh Hạ Long giữa đại ngàn. Nơi đây có rừng nguyên sinh với thảm thực vật phong phú, bảo tồn được nhiều loại động vật quý hiếm. Vùng đất Lâm Bình đậm đà bản sắc dân tộc, nhiều phong tục tập quán hết sức độc đáo của đồng bào dân tộc Tày, Dao, Mông còn được lưu giữ. Lễ hội Lồng tông của dân tộc Tày được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia.

Bà Ma Thị Vanh, xã Khuôn Hà (người ngồi) giới thiệu với khách các sản phẩm thổ cẩm do bà tự dệt.
Ảnh: Trần Liên

    Năm 2017, huyện thực hiện đề án “Xây dựng và vận hành mô hình Du lịch cộng đồng”. Đề án nhằm bảo tồn và phát triển bền vững Làng văn hóa dân tộc Tày các thôn Nà Đông và Nà Tông (xã Thượng Lâm), Nà Muông (xã Khuôn Hà) và Nặm Đíp (xã Lăng Can) với 15 hộ tham gia. Thực hiện đề án, huyện đã tổ chức cho các hộ dân tham quan, học tập kinh nghiệm, làm du lịch cộng đồng tại một số tỉnh bạn; tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực, kỹ năng làm du lịch cộng đồng; hoàn thành việc chỉnh trang khuôn viên nhà cửa, thành lập các đội văn nghệ, tổ chức tập luyện các tiết mục để phục vụ khách du lịch; hoàn thành xây dựng bản đồ, tua, tuyến du lịch, tập huấn hướng dẫn viên du lịch, bổ sung dịch vụ du lịch như: chèo thuyền kayak, xe đạp, xe máy, bè mảng, câu cá,... phục vụ du khách. Huyện tích cực quảng bá, giới thiệu tiềm năng, lợi thế và sản phẩm du lịch của huyện trên Facebook, Youtube bằng tiếng Anh, Pháp; hoàn thành xây dựng website “Du lịch Lâm Bình”; tiếp tục vận động nhân dân duy trì gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; liên kết với các Công ty Lữ hành du lịch trong và ngoài tỉnh khảo sát, kết nối du lịch; thực hiện đón, tiếp khách quốc tế và trong nước đến tham quan, du lịch.

    Gia đình anh Chẩu Văn Tụy là một trong 4 hộ tham gia mô hình homestay thôn Nà Muông xã Khuôn Hà. Anh Tụy cho biết, gia đình có 5 phòng sử dụng vào dịch vụ, có thể đón tiếp trên 20 người. Trước khi đầu tư, huyện cho đi thăm quan một số mô hình và tập huấn nghiệp vụ nấu ăn, tập huấn kỹ năng làm hướng dẫn viên du lịch. Huyện hỗ trợ trang bị vật dụng 3 phòng khách và một số trang thiết bị khác. Gia đình đã chỉnh trang nhà cửa, khuôn viên tạo cảnh quan, môi trường xanh, sạch, đẹp. Khách du lịch đến sẽ được nghỉ, thưởng thức các món ăn truyền thống tại nhà sàn do chính vợ chồng anh Tụy phục vụ. Anh Tụy cũng sẽ trực tiếp hướng dẫn du khách tham gia các dịch vụ khác như đi xe đạp, xe máy, xe trâu thăm quan bản làng; đăng ký và đưa khách đi thăm quan các điểm danh thắng trên hồ sinh thái, trèo thuyền kayak hoặc có thể cắm trại trong rừng nguyên sinh.

    Đối với hình thức du lịch homestay, cơ sở vật chất không phải vấn đề quá lớn bởi du khách chọn du lịch theo hình thức này tức là chấp nhận điều kiện tiện nghi tối thiểu. Việc áp dụng tốt mô hình này chính là cách làm biến khó khăn thành lợi thế. Để dịch vụ homestay phát triển bền vững vẫn là yếu tố con người. Do vậy huyện Lâm Bình tiếp tục hỗ trợ các hộ gia đình trong việc kinh doanh, quảng cáo tiếp thị, đa dạng hóa sản phẩm du lịch và đào tạo nhân lực…

Theo TQĐT


Bài viết liên quan