Cần thêm nhiều ý tưởng trong thiết kế sản phẩm lưu niệm

Cuộc thi “Thiết kế sản phẩm du lịch” và “Sáng tác biểu trưng (logo), khẩu hiệu (slogan) du lịch” do Trung tâm Xúc tiến đầu tư tỉnh tổ chức đang trong giai đoạn nước rút. Ban tổ chức mong muốn nhận được nhiều sản phẩm hơn nữa để chọn ra những sản phẩm độc đáo, ấn tượng nhất cho ngành du lịch tỉnh nhà

    Ông Đỗ Trung Kiên, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư tỉnh cho biết, cuộc thi nhằm lựa chọn ra 25 sản phẩm lưu niệm. Thể lệ Cuộc thi quy định rõ: Sản phẩm lưu niệm du lịch bao gồm các loại sản phẩm thủ công mỹ nghệ hoàn chỉnh, đa dạng về chất liệu, màu sắc. Trong đó, ưu tiên các sản phẩm có chất liệu thân thiện với môi trường. Các sản phẩm dễ ứng dụng đưa vào sản xuất đại trà, có giá phù hợp với nhiều đối tượng tiêu dùng. Bên cạnh đó, sản phẩm phải mang tính đặc thù riêng có, phản ánh được nét đặc trưng hoặc mang dấu ấn của tỉnh. Tuy nhiên, hiện nay số lượng tác giả, tác phẩm tham gia cuộc thi thiết kế lưu niệm chưa nhiều. Ban tổ chức kêu gọi các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh nhiệt tình tham gia để số lượng tác phẩm phong phú và đa dạng. Từ đó, Ban tổ chức sẽ lựa chọn những sản phẩm, biểu trưng và khẩu hiệu du lịch xuất sắc nhất để trao giải.


Anh Trương Trung Kiên, phường Tân Hà (TP Tuyên Quang) giới thiệu sản phẩm áo phông,
túi xách lưu niệm tham gia Cuộc thi.


    Trước đây, sản phẩm mây tre đan của ông Trần Ngọc Thanh, tổ 14, phường Tân Hà (TP Tuyên Quang) làm theo nhu cầu khách hàng. Bước ngoặt là từ khi ông mang sản phẩm của mình đi tham gia tại Hội chợ Yên Sơn năm 2016 và đã nhận được phản hồi tích cực. Từ đó, ông nhận được khá nhiều đơn đặt hàng trong và ngoài huyện. Năm 2017, lần đầu tiên ông đưa sản phẩm của mình tham dự một cuộc thi sáng tác mẫu “Sản phẩm du lịch, quà tặng lưu niệm” do thành phố Tuyên Quang tổ chức và đoạt giải nhì. Đây là giải thưởng cao nhất tại cuộc thi. Ông Thanh chia sẻ: “Tôi vẫn luôn tâm đắc sản phẩm gần gũi thiên nhiên, mang bản sắc văn hóa địa phương. Ngoài ra, tôi luôn cố gắng thiết kế sản phẩm có tính ứng dụng thực tiễn, giá rẻ để đáp ứng nhu cầu du khách. Đó có thể là bộ sản phẩm mây tre đan bao gồm mâm, khay chén, đĩa tròn, các khay đựng hoa quả, đồ dùng…”.


Ông Trần Ngọc Thanh, tổ 14, phường Tân Hà (TP Tuyên Quang) và sản phẩm mây tre đan
của mình tham gia Cuộc thi.


    Từ lâu, nhóm bạn trẻ Trương Trung Kiên, Lương Thị Diễm, Phạm Thị Hương (TP Tuyên Quang) được biết đến với hàng loạt những sản phẩm lưu niệm độc đáo. Đó là thiết kế hình ảnh ấn tượng in trên áo phông, túi xách… Kiên nói: “Biết được thông tin cuộc thi qua Báo Tuyên Quang, tôi bắt tay lên ý tưởng, hoàn thiện đúng thời hạn. Để có sản phẩm dự thi lần này, chúng tôi phải lên ý tưởng rồi gửi về Hà Nội để in ấn. Đó là những hình ảnh ngộ nghĩnh được lồng ghép những câu nói quen thuộc giới thiệu về mảnh đất Tuyên Quang. Tất cả đều hướng đến sự trẻ trung, hiện đại, giá cả phải chăng”.

    Chiếc đàn Tính người Tày gắn bó với ông Thàm Ngọc Kiến, phường Minh Xuân (TP Tuyên Quang) suốt hàng chục năm qua. Chính vì thế ông mong muốn quảng bá văn hóa Tày đến đông đảo du khách. Ông cho biết, hiện nay sản phẩm lưu niệm mô phỏng cách điệu chiếc đàn tính đã hoàn thành. Tác phẩm đã được gửi đến tham gia cuộc thi. Ông hy vọng tác phẩm của mình sẽ được ghi nhận và quảng bá rộng rãi tới du khách.

   Trong tháng 3 này, Cuộc thi “Thiết kế sản phẩm du lịch” và “Sáng tác biểu trưng (logo), khẩu hiệu (slogan) du lịch” sẽ khép lại. Ban tổ chức tiếp tục kêu gọi các cá nhân, tổ chức trong và ngoài tỉnh đóng góp sức lực, trí tuệ để có được số lượng tác phẩm phong phú và đa dạng. Qua đó, góp phần tạo nên sự thành công cho cuộc thi.

Theo baotuyenquang.com.vn


Bài viết liên quan