Khát vọng trở thành khu du lịch sinh thái

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan đã từng nói, giá trị của du lịch nông nghiệp, nông thôn không chỉ nâng cao thu nhập cho người dân, kinh tế cho địa phương mà còn tạo ra những giá trị vô hình khác.

Giấc mơ “biến” hơn 2ha đồi thành khu du lịch sinh thái của ông Nguyễn Xuân Thị ở thôn An Thái, xã Tân An (Chiêm Hóa - Tuyên Quang) đang dần trở thành hiện thực. Hơn 2ha đất đồi tưởng như chỉ phát triển kinh tế vườn, ao, chuồng thì nay được ông Nguyễn Xuân Thị  cải tạo, khoác lên mình tấm áo xanh mướt với các loài hoa, cây ăn quả. Và giờ đây, giấc mơ biến mảnh đất đồi ngày nào thành khu du lịch sinh thái của ông Thị, dần trở thành hiện thực khi ông đã xây dựng được Khu du lịch Lung Vài.


 

Ngôi nhà sàn của gia đình ông Nguyễn Xuân Thị, dần được hoàn thiện để đón khách du lịch.

Ông Thị cho biết: Xem trên các trang mạng xã hội thấy các mô mình phát triển du lịch sinh thái mang lại hiệu quả kinh tế cao nên tôi đến học hỏi cách làm du lịch tại các điểm du lịch cộng đồng trong tỉnh. Đến đầu năm 2021, tôi vận động gia đình cải tạo diện tích đất hiện có và nuôi khát vọng trở thành khu du lịch sinh thái. Ban đầu, gia đình ai cũng can ngăn, bởi đất Lung Vài (theo tiếng Tày là bãi đất để chăn trâu) cằn cỗi, khó cải tạo. Nhưng quyết tâm trong tôi cao lắm, đã nói là phải làm cho bằng được. Kể từ ngày khai phá, cải tạo, tôi không nhớ đã chở bao nhiêu xe đá, đất màu và cũng không nhớ đã mất bao ngày công để có được thành quả ngày hôm nay. Những chồi non cứ thế vươn lên khiến cả khu đất rộng nhanh chóng được lấp đầy bởi cây cối, và các loài hoa xanh mướt. Hiện, gia đình tôi trồng hơn 200 gốc cây hoa phong linh để phục vụ du khách chụp ảnh, check-in.
 

Ông Thị đào ao nuôi cá, tạo khe nước chảy để đặt cọn nước làm đểm nhấn để du khách chụp ảnh, check-in.
 

Không dừng ở việc trồng hoa, xen kẽ trong khu vườn, ông còn đào ao nuôi cá, tạo khe nước chảy để đặt cọn nước làm điểm nhấn và tạo cảnh quan. Ngoài ra, trên diện tích vườn đồi, ông trồng tre lấy măng, rau xanh và nuôi gà thả đồi để phục vụ nhu cầu gia đình, thị trường và kinh doanh trong khu du lịch của mình. Từ cổng chào của xã Tân An rẽ phải chỉ chừng 80m là tới khu vườn của gia đình ông Thị, nằm gọn giữa thung lũng là mái nhà sàn - đặc trưng của đồng bào dân tộc Tày được ông dựng lên, hai bên là những hàng cây rợp bóng ngút tầm mắt. Khung cảnh hiện lên thật yên bình.

Ông Thị chia sẻ: “Tôi muốn làm du lịch từ lâu. Đi rất nhiều nơi, học hỏi cũng rất nhiều, tôi vẫn thấy du lịch sinh thái là xu hướng bền vững. Quê hương mình rất đẹp, đặc biệt là ở xã Tân An vẫn giữ được những nét hoang sơ, nhất là văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Tày, tại sao lại không làm để thu hút khách thập phương. Tôi tin mình sẽ làm được”. Cũng theo ông Thị, làm du lịch không thể ngày một ngày hai mà là quá trình lâu dài, đòi hỏi sự kiên trì “lấy ngắn nuôi dài”. Vừa trồng trọt, chăn nuôi để có thu nhập, nuôi sống gia đình, vừa tái đầu tư cho ý tưởng làm du lịch tương lai. Ngày ngày nhìn khu du lịch dần thành hình, ông rất vui. Vợ và các con đã ủng hộ ông hiện thực hóa ước mơ.

 Du khách tìm đến check - in trong khu du lịch Lung Vài. 
 

Chỉ tay vào từng góc vườn, ông Thị chia sẻ dự định của mình thời gian tới: Chỗ này tôi sẽ dựng thêm một căn nhà sàn thật khang trang, chỗ kia sẽ lắp những ngôi nhà Bungalow, chỗ thì trưng bày không gian văn hóa các dân tộc trên địa bàn. Bên các ao cá sẽ làm chòi nhỏ để mọi người câu cá thư giãn. Khách đến vườn có thể tham quan, dạo chơi, hái quả, hái rau, tự tay chế biến thức ăn… Không lâu đâu, vài năm tới thôi, sẽ hoàn thiện. Hiện tại, có nhiều lượt khách đến tham quan và tổ chức picnic tại khu vườn của gia đình, nhất là trong dịp Lễ hội Lồng Tông đầu năm mới vừa qua, du khách đến rất đông.
 

Du khách check - in trên ngôi nhà sàn truyền thống cả người Tày.
 

Đánh giá cao về mô hình phát triển kinh tế của gia đình ông Nguyễn Xuân Thị, ông Ông Ma Doãn Đức, Chủ tịch UBND xã Tân An, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang nói: "ý tưởng phát triển khu du lịch sinh thái của ông Thị hoàn toàn có thể trở thành hiện thực nếu được đầu tư bài bản". Ông Đức nói thêm, nằm trên tuyến đường dẫn vào khu du lịch danh thắng thác Bản Ba, là điểm du lịch vệ tinh cạnh trung tâm thị trấn Vĩnh Lộc (Chiêm Hóa) cũng như trên cung đường từ thành phố Tuyên Quang đi khu du lịch sinh thái Na Hang – Lâm Bình, khu du lịch sinh thái Lung Vài mà ông Thị đang hướng đến là nơi dừng chân lý tưởng, níu giữ du khách ở lại lâu hơn để tìm hiểu con người và văn hóa truyền thống của vùng đất này. Mô hình này đòi hỏi người làm không chỉ có kiến thức mà phải kiên trì, có tư duy đầu tư dài hạn, bền vững mới thành công. Với mô hình này, chúng tôi kỳ vọng đem lại kinh tế hiệu quả kinh tế cao, là mô hình mẫu cho nhiều hộ dân có thể học tập. 

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan, giá trị của du lịch nông nghiệp, nông thôn không chỉ nâng cao thu nhập cho người dân, kinh tế cho địa phương mà còn tạo ra những giá trị vô hình khác. Có thể kể đến như định vị hình ảnh nông nghiệp Việt Nam sinh thái bốn mùa hoa trái, thông qua đó tiếp thị quảng bá nông sản ngay tại nông trại, ruộng vườn. Đồng thời, giới thiệu hình ảnh nông thôn Việt Nam, văn hóa Việt Nam, người dân nông thôn Việt Nam đôn hậu, hiền hòa, hiếu khách. Cùng với đó, tính cấu kết cộng đồng cùng nhau xây dựng nông thôn xanh, sạch, đẹp; cùng nhau giữ gìn đồng quê. Có thể nói, đây sẽ là nơi khơi gợi tình yêu với nông nghiệp, thiên nhiên và với người nông dân. Đó là tư duy tích hợp đa giá trị trong không gian kinh tế nông thôn hướng đến những làng quê đáng sống, đáng quay về.
 
Ngày 7/12/2022, UBND tỉnh Tuyên Quang ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2021-2025. Tỉnh xác định, đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn gắn với phát huy tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp, làng nghề, văn hóa và môi trường sinh thái nhằm nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tích hợp đa giá trị và phát triển bền vững.
 

Đểm nhấn để du khách chụp ảnh, check-in.


Mục tiêu đến năm 2025, Tuyên Quang sẽ phát triển, chuẩn hoá các điểm đến và sản phẩm du lịch nông thôn. Mỗi huyện, thành phố có ít nhất 01 điểm du lịch nông thôn được công nhận gắn với lợi thế về nông nghiệp, văn hóa, làng nghề hoặc môi trường sinh thái của địa phương và xây dựng 1 - 2 sản phẩm du lịch đặc trưng, hấp dẫn, thu hút khách du lịch. Trên 50% cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch nông thôn đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch. Phấn đấu mỗi huyện nông thôn mới có tiềm năng du lịch xây dựng ít nhất 01 mô hình chuỗi liên kết du lịch nông nghiệp nông thôn đặc thù. Xây dựng mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn theo các nhóm: du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái, du lịch làng nghề... Ưu tiên các mô hình gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa và bảo vệ môi trường…

Theo http://doingoaituyenquang.gov.vn


Bài viết liên quan