Tạo bứt phá cho du lịch Tuyên Quang - Bài 1: Vượt qua thách thức

Trong nhiều nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh đều xác định du lịch là một trong những khâu đột phá. Tuy nhiên, nhiều năm qua du lịch Tuyên Quang gặp không ít khó khăn, thách thức, kết quả đạt được chưa như kỳ vọng. Tỉnh đã nhìn nhận rõ những điều đó và đề ra nhiều quyết sách tạo động lực thu hút đầu tư vào du lịch, từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh.

Năm đầu tiên thực hiện các mục tiêu của nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, du lịch Tuyên Quang cũng như nhiều địa phương trong cả nước gặp phải khó khăn lần đầu tiên và cũng chưa từng có tiền lệ: Đóng băng mọi hoạt động do dịch bệnh. Đây cũng được xem là “quãng nghỉ” để tỉnh đánh giá lại những hạn chế, khó khăn, từ đó ban hành, xây dựng bổ sung hàng loạt chính sách hỗ trợ, phát triển du lịch một cách chuyên nghiệp và bền vững hơn.

Những chính sách Quan trọng 

Ngày 16-6-2021, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết số 29-NQ/TU về phát triển du lịch thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh. Nghị quyết với những mục tiêu cụ thể đã trở thành động lực thay đổi quan điểm, cách làm du lịch của nhiều địa phương.

HĐND tỉnh cũng ban hành nhiều chính sách hỗ trợ cụ thể. Như Nghị quyết số 09/2021/NQ-HĐND ngày 20/12/2021 Quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang; Nghị quyết số 24/2022/NQ-HĐND ngày 10/12/2022 quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng một số loại phí thuộc lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang; Nghị quyết số 46/NQ-HĐND ngày 09/12/2022 về Điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án Bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Tân Trào, tỉnh Tuyên Quang gắn với phát triển du lịch đến năm 2025;  Nghị quyết số 01/NQ-HĐND ngày 28/02/2023 phê duyệt chủ trương đầu tư dự án tu bổ, tôn tạo Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Tân Trào, tỉnh Tuyên Quang.

Du khách thích thú với Lễ hội Khinh khí cầu Quốc tế lần thứ 2 tổ chức tại Tuyên Quang.

Các chính sách hỗ trợ được ban hành kịp thời, thiết thực đã tạo cú huých cho các địa phương “thay da đổi thịt” từ suy nghĩ đến hành động.

Một trong những Nghị quyết sớm đi vào cuộc sống nhất là Nghị quyết số 29 của BCH Đảng bộ tỉnh và Nghị quyết số 09 của HĐND tỉnh. Ngay sau khi BCH Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết 29, các địa phương đã có kế hoạch xây dựng để từng mục tiêu cụ thể của Nghị quyết sớm chạm đích. Nhiều địa phương, nhiệm vụ đột phá của các đồng chí lãnh đạo huyện gắn trực tiếp với du lịch, đủ để thấy quyết tâm của cả hệ thống chính trị trong hoàn thành mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh.

Ngay sau Nghị quyết 29, Một trong những thay đổi lớn nhất trong hai năm rưỡi thực hiện Nghị quyết Đại hội XVII của tỉnh là việc Tuyên Quang “chào sân” nhiều sản phẩm du lịch mới: Tổ chức thành công khai mạc Chương trình du lịch tỉnh Tuyên Quang và Lễ hội Khinh khí cầu quốc tế (năm 2022, 2023); đổi mới và nâng cao chất lượng tổ chức Lễ hội Thành Tuyên gắn với các sự kiện văn hóa cấp quốc gia, khu vực: Tổ chức Lễ hội Thành Tuyên năm 2022 gắn với Lễ đón nhận Bằng của UNESCO ghi danh di sản văn hóa phi vật thể “Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam” vào danh sách di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại, cuộc thi “Người đẹp Xứ Tuyên”, đây là sản phẩm du lịch được đánh giá là cách làm mới, sáng tạo, phát huy hiệu quả rất tích cực và rõ nét trong tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu hình ảnh về miền đất, văn hoá, con người Xứ Tuyên thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế.

Tuyên Quang có thêm nhiều làng văn hoá mở cửa đón khách, như Làng Văn hóa dân tộc Cao Lan thôn Động Sơn, xã Chân Sơn (Yên Sơn) gắn với phát triển du lịch cộng đồng; Làng Văn hóa du lịch cộng đồng thôn Khâu Tràng, xã Hồng Thái (Na Hang), Làng Văn hóa đặc trưng và nghi lễ Nhảy Lửa của dân tộc Pà Thẻn, thôn Thượng Minh xã Hồng Quang (Lâm Bình), Làng Văn hóa dân tộc Tày thôn Pác Cáp, xã Phù Lưu (Hàm Yên)…

UBND tỉnh cũng ban hành một loạt quyết định để cụ thể hoá Nghị quyết 29, như Quyết định số 426/QĐ-UBND ngày 30/7/2021 ban hành Đề án phát triển du lịch tỉnh Tuyên Quang đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030; Quyết định số 144/QĐ-UBND ngày 19/4/2022 ban hành Đề án sản phẩm du lịch đặc trưng tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2023 - 2030; Quyết định số 698/QĐ-UBND ngày 27/12/2022  ban hành Đề án tổ chức đổi mới Lễ hội Thành Tuyên giai đoạn 2022 - 2030 và Kế hoạch phát triển du lịch tỉnh Tuyên Quang hằng năm...

Nghị quyết số 09/2021/NQ-HĐND là Nghị quyết chuyên đề hỗ trợ du lịch đầu tiên của tỉnh quy định 10 nội dung chính sách được hưởng hỗ trợ kinh phí đầu tư, xây dựng và phát triển hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh. Bà Nguyễn Thị Huế, Phó Trưởng phòng Quản lý du lịch, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch cho biết, qua chính sách, đã thúc đẩy các cá nhân, hộ gia đình, các tổ chức mạnh dạn tiếp tục đầu tư và thu hút các nhà đầu tư mới đầu tư phát triển du lịch. Năm 2022, các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn toàn tỉnh đã được hưởng trên 2,4 tỷ đồng hỗ trợ.

Địa chỉ tin cậy

Cùng với việc bổ sung, ban hành kịp thời các chính sách, công tác truyền thông về du lịch nửa nhiệm kỳ qua của tỉnh cũng đã góp phần không nhỏ quảng bá hình ảnh du lịch Tuyên Quang đến bạn bè trong và ngoài nước.

Theo đánh giá của Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch, chiến dịch quảng bá hình ảnh du lịch giai đoạn này được thực hiện đồng bộ, trên nhiều nền tảng và có tác động mạnh mẽ.

Qua nền tảng “Mytuyenquang.vn” và ứng dụng du lịch trên thiết bị di động (Android và iOS) có tên “Tuyen Quang tourism” đạt gần 2.538.000 lượt truy cập. Đã cập nhật lên cổng 1.100 tin, bài, địa điểm, cơ sở dịch vụ du lịch, các dịch vụ tiện ích… Một số từ khóa lọt vào top Google: Top 1; top 2, top 13... Ngành văn hoá cũng hoàn thành 18 điểm tham quan thực tế ảo (VR360) các điểm du lịch của tỉnh, trong đó có 12 điểm của Khu du lịch sinh thái Na Hang - Lâm Bình; 6 điểm trên địa bàn thành phố Tuyên Quang và các thông tin, sự kiện quan trọng khác của tỉnh.

Sau dịch Covid-19, nắm bắt nhu cầu “du lịch tại chỗ” của du khách tăng cao, nhiều điểm du lịch của Tuyên Quang được đẩy mạnh quảng bá qua Facebook, Tiktok và các phương tiện thông tin đại chúng. Nhiều từ khoá, chỉ sau một thời gian ngắn, đã trở thành địa điểm “hot” như Hoa lê Hồng Thái, mùa vàng Hồng Thái, Khinh khí cầu Tuyên Quang, bơi mảng - hát Then trên hồ Nà Nưa… Đầu năm 2023, Làng Vvăn hóa du lịch Nà Tông (Lâm Bình) là 1 trong 130 bản làng du lịch của 11 nền kinh tế APEC vừa được Ban Thư ký APEC chọn quảng bá giới thiệu du lịch trên website APEC - đây được xem là cơ hội tuyệt vời để du lịch sinh thái của Tuyên Quang chạm tay đến thị trường nước ngoài nhanh nhất.

Ngoài đổi mới hình thức tuyên truyền, quảng bá, giai đoạn này Tuyên Quang đẩy mạnh hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh, thành phố trong cả nước nhằm khai thác phát triển du lịch như hợp tác liên kết phát triển du lịch giữa Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông Bắc; hợp tác chiến lược giữa tỉnh Tuyên Quang và Công ty cổ phần Du lịch và Tiếp thị giao thông vận tải Việt Nam-Vietravel; hợp tác phát triển Chương trình du lịch “Qua những miền di sản Việt Bắc” với Thái Nguyên và Hà Giang; phát triển sản phẩm du lịch “Huyền thoại Sông Gâm” giữa Tuyên Quang - Hà Giang - Vietravel; xúc tiến đầu tư du lịch các tỉnh có di sản Then năm 2022. Tuyên truyền, quảng bá du lịch trên Tạp chí Du lịch Việt Nam, Truyền hình kỹ thuật số VTC... Quảng bá, truyền thông, văn hóa và du lịch tỉnh Tuyên Quang trên nhãn tem và phong bì phổ thông tại các điểm Bưu cục, Bưu điện - Văn hóa xã. Tổ chức cuộc thi chuyên đề “Ảnh du lịch Tuyên Quang” năm 2022; cuộc thi tìm hiểu di tích lịch sử cách mạng trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang”...

Những giải pháp đồng bộ của tỉnh đã bước đầu hiện thực hoá quyết tâm đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của Tuyên Quang. Từ một “nàng tiên ngủ muộn”, cô gái đẹp Tuyên Quang đã thức giấc và trở thành điểm đến tin cậy, yêu thích của khách du lịch trong và ngoài nước.        

Theo TQĐT


Bài viết liên quan