Tạo bứt phá cho du lịch Tuyên Quang - Bài 2: Điểm nhấn sau nửa nhiệm kỳ

Sau nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025, du lịch Tuyên Quang từng bước phục hồi và khởi sắc. Kết quả đạt được trong nửa nhiệm kỳ qua đã tạo tiền đề để Tuyên Quang hiện thực hóa mục tiêu trở thành trung tâm du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái - trải nghiệm, du lịch nông nghiệp.

Thu về “trái ngọt”

Nửa đầu nhiệm kỳ 2020-2025 là giai đoạn đầy thách thức với du lịch của tỉnh. Trong hai năm 2020-2021, du lịch Tuyên Quang gần như tê liệt do dịch Covid-19 bùng phát trong cả nước. Sau ngày 15-3-2022 khi dịch bệnh Covid-19 cơ bản được kiểm soát, Việt Nam mở cửa du lịch hoàn toàn, hoạt động du lịch mới có dấu hiệu phục hồi.

Bản sắc văn hóa homestay tại Lâm Bình.

Khác với những nhiệm kỳ trước, trong nhiệm kỳ này, ngoài việc đưa ra các chính sách phát triển du lịch bền vững, tỉnh đã chú trọng tổ chức các hoạt động quảng bá tiềm năng thu hút du lịch. Từ đây, du lịch Tuyên Quang cũng như cả nước có sự bứt phá mạnh mẽ. Mở màn cho sự kiện này là tháng 4-2022 Tuyên Quang đã tổ chức thành công Năm du lịch với nhiều hoạt động như: Lễ hội Khinh khí cầu quốc tế lần thứ nhất, đua thuyền Kayak mở rộng, Lễ hội nhảy lửa của dân tộc Pà Thẻn...

Tỉnh đã chú trọng phát triển các sản phẩm du lịch mới như: du lịch mạo hiểm bay du lịch trải nghiệm trong rừng Na Hang, Lâm Bình; triển khai mô hình đón khách du lịch ngắm cảnh, trải nghiệm theo mùa như: Lễ hội hoa lê, mùa vàng Hồng Thái, hoa cải vàng, tuyến đường hoa lê dài nhất (huyện Na Hang); hình thành trang trại nông nghiệp gắn với du lịch; chú trọng phát triển các sản phẩm hàng hóa nông nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và nghề truyền thống phục vụ du lịch... nhằm đa dạng hóa sản phẩm du lịch, phục vụ nhu cầu đa dạng du khách.

Trong 6 tháng đầu năm 2023 tỉnh đã tổ chức thành công nhiều sự kiện thu hút lượng lớn khách du lịch đến tham quan và trải nghiệm. Trong đó, nổi bật là Lễ hội hoa lê được tổ chức tại xã Hồng Thái (Na Hang). Điểm nhấn của lễ hội là hình thành tuyến đường hoa lê dài nhất Việt Nam với những cây lê cổ thụ từ thôn Khau Tràng tới thôn Khuẩy Phầy giáp với tỉnh Bắc Kạn. Lễ hội đã thu hút trên 8.000 lượt khách du lịch đến chiêm ngưỡng, trải nghiệm.

Tuyến đường hoa lê dài nhất Việt Nam tại xã Hồng Thái (Na Hang) thu hút đông đảo du khách đến tham quan và trải nghiệm.

Làm mới để phát triển du lịch

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII xác định du lịch là 1 trong 3 khâu đột phá để đưa Tuyên Quang trở thành tỉnh phát triển khá, toàn diện và bền vững. Với đặc điểm về lịch sử, văn hóa, thiên nhiên, du lịch Tuyên Quang hiện đang tập trung khai thác nhiều loại hình du lịch như du lịch lễ hội, du lịch tâm linh, du lịch về nguồn, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng... Các khu, điểm du lịch, công ty lữ hành và cơ sở làm du lịch đã có nhiều đổi mới, nâng cao chất lượng phục vụ, tạo dấu ấn đối với du khách.

Đặc biệt, để tạo điểm nhấn trong lòng du khách khi đến với Tuyên Quang, thời gian qua tỉnh đã có nhiều đổi mới trong cách làm để thu hút khách du lịch. Khác với các năm trước, năm nay chương trình Năm du lịch Tuyên Quang và các hoạt động hưởng ứng có nhiều nét mới như: Sân khấu khai mạc năm du dịch lần đầu tiên được xoay dọc theo Quảng Trường Nguyễn Tất Thành.  Các gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm du lịch và làng nghề được bố trí hai bên dọc tuyến đường Chiến Thắng Sông Lô, giáp với Quảng trường Nguyễn Tất Thành để tiện cho du khách tham quan; số lượng khinh khí cầu và quốc gia, vùng lãnh thổ tham gia trình diễn tại Lễ hội khinh khí cầu quốc tế lần thứ 2 tăng hơn so với lần thứ nhất. Năm du lịch Tuyên Quang 2023 hầu hết các địa phương đều có hoạt động thiết thực hưởng ứng. Tại huyện Lâm Bình lần đầu tiên tổ chức Lễ hội ẩm thực truyền thống, trưng bày mâm bánh dày ngũ sắc khổng lồ, phiên chợ thổ cẩm; tại huyện Na Hang tổ chức du lịch khám phá, trải nghiệm đường rừng, dịch vụ Glamping... 

Chị Hoàng Ninh Hồng, du khách đến từ tỉnh Bình Thuận chia sẻ: “Hai lần đến với Tuyên Quang đều vào đúng dịp tỉnh tổ chức Năm Du lịch, tôi đều ấn tượng, bởi con người ở đây rất thân thiện, người dân vẫn gìn giữ được bản sắc văn hóa. Các hoạt động hưởng ứng Năm Du lịch được các địa phương tổ chức đa dạng hơn. Tôi rất hài lòng về những chuyến du lịch tại Tuyên Quang”.

Đây là những điểm mới, tạo điểm nhấn thu hút du khách trong bối cảnh dịch bệnh chưa kết thúc, khẳng định sự nỗ lực của tỉnh tuyết tâm đưa du lịch phát triển, trở thành ngành kinh tế quan trọng, không ngừng nâng cao đời sống nhân dân.

Kết quả nửa nhiệm kỳ qua, Tuyên Quang  đã đón trên 6 triệu lượt khách du lịch, trong đó, năm 2021, thu hút 1,9 triệu lượt khách, đạt 86% kế hoạch năm; năm 2022, đón 2,3 triệu lượt khách, đạt 104% kế hoạch năm, tăng 47,7% so với năm 2021; 6 tháng đầu năm 2023 đón 1,7 triệu lượt khách, đạt 70% kế hoạch năm, tăng 38% so với cùng kỳ năm ngoái.

Hàng năm, Lễ hội Trung Thu đã thật sự trở thành Lễ hội đường phố ở Tuyên Quang.

Đồng chí Âu Thị Mai, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, để đạt mục tiêu năm 2025 đón trên 3 triệu lượt khách du lịch, tổng thu từ khách du lịch đạt trên 4.800 tỷ đồng, nửa nhiệm kỳ còn lại, tỉnh tiếp tục triển khai các dự án, tiểu dự án, nội dung thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025; tiếp tục phối hợp, hướng dẫn các huyện, thành phố xây dựng Làng văn hóa gắn với phát triển du lịch, xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng, hấp dẫn, thu hút khách du lịch; đẩy mạnh liên kết với các tỉnh trọng điểm về du lịch... Qua đó khai thác tối đa các tiềm năng, lợi thế vốn có, để du lịch đóng góp nhiều hơn vào tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh.

Những kết quả đã đạt được trong nhiệm kỳ qua khẳng định sự nỗ lực của tỉnh để đưa du lịch Tuyên Quang phát triển, trở thành ngành kinh tế quan trọng như mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra.

Theo TQĐT


Bài viết liên quan