Từ câu chuyện dẫn thủy
Thôn Nà Đổng, xã Trung Hà (Chiêm Hóa) nằm ven con suối Ta Mo. Chẳng nhớ từ bao giờ, nhưng người già người trẻ ở đây, lớn lên, đã thấy những chiếc cọn nước miệt mài quay những bánh xe khổng lồ bên suối. Nhờ những chiếc cọn nước, ruộng đủ nước tưới, có ao chuôm nuôi thả cá, nước dẫn về tận cầu thang nhà sàn.
Ông Hoàng Văn Tình, năm nay gần 70 tuổi nhớ lại, cả khu ruộng trước cửa nhà ông đều là ruộng cạn. Những năm 12, 13 tuổi, ông Tình đã theo chân bố và các ông, các chú trong vùng đi làm cọn bắt nước lên ruộng. Ngày nhỏ thì đưa dui, đưa mè, đưa lạt cho người lớn. Lớn lên chút nữa thì được bố, được ông dạy cách tính toán dui, xếp dui xếp mè sao cho đúng kỹ thuật. Ông Tình bảo, những chiếc cọn nước đã gắn bó từ đời ông, đời cụ của tôi cho đến bây giờ. Trước kia, bà con không chỉ sử dụng cọn nước để lấy nước sinh hoạt, tưới cho đồng ruộng, mà nó còn là công cụ để tạo ra cối giã gạo. Với nhịp quay đều đều, mỗi lần nước đổ xuống từ vòng quay, chiếc chày giã lại được nâng lên hạ xuống theo lực đẩy của nước. Cứ thế, cối gạo sẽ được giã trắng.
Cọn nước ở Tân An (Chiêm Hóa). Ảnh: Quang Hòa
Nhà ông Tình, cùng với nhà các ông Ma Văn Tỉnh, Ma Văn Bộ, Ma Văn Điền, Ma Văn Vượng cứ mỗi đợt làm cọn, lại đổi công - mà như cách gọi của đồng bào Tày ở đây là lấy ngày - để giúp nhau hoàn thành chiếc cọn đưa nước lên ruộng nhà mình. Ruộng nào cao, cọn phải đan đến 160 dui, ruộng nào thấp hơn thì chỉ cần cọn 60 - 70 dui là được. Mỗi chiếc cọn nếu thời tiết ổn định có thể dùng được 3 - 4 năm. Nhưng có những năm trời làm mưa lớn, lũ về đột ngột, nhiều nhà vừa dựng chiếc cọn lên đã bị lũ cuốn trôi mất.... Người cùng làng lại mất cả tuần để giúp gia chủ làm lại chiếc mới.
Không chỉ ở Trung Hà (Chiêm Hóa), nhiều địa phương khác như thôn An Vượng, xã Tân An, thôn Chuông, xã Hà Lang, thôn Bản Giảo, xã Tân Mỹ (Chiêm Hóa), thôn Nà Tơng, xã Minh Quang, thôn Bản Thàng, xã Phúc Yên (Lâm Bình), thôn Nà Nam, xã Côn Lôn (Na Hang) có 99% là đồng bào dân tộc Tày. Bà con chủ yếu làm nông nghiệp, trong đó quá nửa số diện tích ruộng không có nước hoặc ruộng xa nguồn nước. Để có nước sản xuất, người dân đã làm những chiếc cọn đưa nước suối vào các cánh đồng để phục vụ sản xuất. Nhiều đoạn suối chỉ dài khoảng hơn 3 km có rất nhiều cọn nước như những chiếc bánh xe khổng lồ nối đuôi nhau nép mình bên bờ suối đang miệt mài quay dẫn nước vào ruộng.
Thống kê của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, trên địa bàn huyện Chiêm Hóa có 74 chiếc cọn, tập trung ở Tân An, Trung Hà, Tân Mỹ, Hà Lang; huyện Lâm Bình có Minh Quang 12 cọn tập trung ở Phúc Yên và Minh Quang; Na Hang còn 7 cọn ở xã Côn Lôn. Hầu hết đồng bào Tày đều biết quy trình làm cọn nước. Bước vào tháng Chạp hàng năm, bà con dân tộc Tày ở các xã lại nô nức đổi công làm cọn. Đàn ông lớn tuổi phụ trách khâu kỹ thuật, thanh niên trai tráng, phụ nữ phụ chặt gỗ, chặt tre, chẻ lạt, đan phên...
Anh Quan Văn Hỷ, thôn Bản Thàng, xã Phúc Yên (Lâm Bình) từ nhỏ đã theo chân bố đi học cách làm cọn. Anh nhớ, ngày bé, quanh làng đều là những chiếc cọn nước. 16 tuổi, anh Hỷ đã thành thạo làm những chiếc cọn đầu tiên cho gia đình mình. Trung bình mỗi chiếc cọn nước sẽ sử dụng khoảng 16 cây tre già. Một cọn nước gồm 3 thành phần chính là trục giữa, nang cọn và cánh quạt. Khi làm cọn nước cần phải tính toán sao cho thật cân đối để có thể quay đều và tải nước tốt. Nhờ các nan cọn được nối với trục quay thành khung vững chắc, những sợi dây mây, dây thừng dẻo dai buộc chặt mà guồng được dựng vững chãi, ngày đêm cần mẫn đưa nước lên ruộng bởi những chiếc gầu bằng ống bương liên tục đổ nước vào máng.
Đến biểu tượng du lịch vùng cao
Như người bạn đồng hành, ở đâu có cộng đồng người Tày sống tập trung, ở đó có cọn nước. Có cọn, nước từ suối được đưa lên, ập vào mương, chảy vào ruộng, vừa đủ để tưới ẩm từng mầm cây. Hạt giống từ đó bám rễ vào lòng đất, vươn mầm nhô lên đón tia nắng bình minh. Đáp lại công người vun vén, cây trồng từng ngày trổ lá, ra hoa. Những bông lúa vàng ươm, ngậm sữa căng đầy, chắc mẩy, báo hiệu một mùa bội thu.
Cọn nước trở thành sản phẩm du lịch độc đáo ở vùng cao.
Vài năm trở lại đây, hệ thống kênh mương được đầu tư đồng bộ, công năng của những chiếc cọn nước dần thay đổi. Từ chống hạn, cọn nước trở thành biểu tượng du lịch của các xã vùng cao.
Ở Lâm Bình, những chiếc cọn nước gắn với đời sống nhiều thế hệ, chứa đựng biết bao tâm huyết và trí tuệ của đồng bào vẫn được chính quyền và người dân lưu giữ, bảo tồn như một cách giữ gìn lối sống trong lành, gần gũi với thiên nhiên của bà con.
Nhiều địa phương hiện đã phục dựng lại các cọn nước tại các điểm du lịch sinh thái, tạo thêm cảnh quan đẹp phục vụ khách du lịch. Để tăng độ bền, nhiều cọn nước được phục dựng bằng các nguyên liệu hiện đại hơn, như sắt, inox...
UBND xã Trung Hà (Chiêm Hóa) vừa phục dựng 3 chiếc cọn nước bằng sắt ngay đầu Bản Ba để khách có điểm check-in khi đến với vùng đất này. Chủ tịch UBND xã Trung Hà Seo Văn Sử chia sẻ, mới đây, Trung Hà tổ chức đón nhận Chứng nhận tri thức về cọn nước của người Tày xã Trung Hà và Hà Lang (Chiêm Hóa), xã Côn Lôn (Na Hang), xã Phúc Yên (Lâm Bình) là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, những chiếc cọn nước đặt bên dòng suối Ba không còn gánh nhiệm vụ trị thủy nữa mà nhẹ nhàng hơn, trở thành điểm nhấn, tạo ấn tượng cho khách du lịch. Việc lựa chọn vật liệu hiện đại thay thế vật liệu truyền thống trong làm cọn, theo ông Sử, là để tăng thời gian sử dụng, tăng tính bền vững và hiệu quả. Tuy nhiên, để những chiếc cọn bằng sắt không "lạc quẻ” so với cảnh quan, tới đây, UBND xã sẽ tính đến việc sơn sửa lại cọn, đảm bảo vừa tạo ra hình ảnh check-in đẹp mắt, vừa hài hòa với thiên nhiên.
Không đơn thuần chỉ là một công trình thủy lợi, chiếc cọn nước đã trở thành một biểu tượng, là bản sắc văn hóa độc đáo, là chứng nhân cho một nền văn minh lúa nước, góp phần làm phong phú cho nền văn hóa các bản làng vùng cao.
Ngay khi Tri thức sử dụng cọn nước người Tày ở Tuyên Quang được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các địa phương đã tập trung các giải pháp bảo tồn, trong đó, tăng cường tuyên truyền để đồng bào Tày nhận thức được vai trò và những giá trị của cọn nước trong sự phát triển bền vững của cộng đồng Tày nói chung và từng bản làng người Tày nói riêng trong việc tưới tiêu, sinh hoạt, trong việc phát triển du lịch. Khơi gợi, khích lệ lòng tự hào bản sắc dân tộc trong cộng đồng người Tày, nhất là trong tầng lớp thanh thiếu niên để họ có thêm lòng yêu mến về Di sản cọn nước người Tày.
Về lâu dài, để tri thức cọn nước của người Tày tiếp tục được lưu giữ, bảo tồn, những lớp truyền dạy, hướng dẫn kỹ thuật xây dựng cọn đã được ngành văn hóa và các địa phương lên kế hoạch, để người trẻ có điều kiện học hỏi, tiếp thu những tinh hoa văn hóa, khoa học, sự sáng tạo do cha ông để lại. Qua đó, giáo dục cho thanh thiếu niên có niềm đam mê và tin yêu văn hóa truyền thống, khơi dậy trong các em lòng say mê nghiên cứu và hiểu về giá trị lịch sử văn hóa, khoa học về cọn nước của người Tày quê hương mình.
Theo TQĐT