Phụ nữ ở Hồng Quang (Lâm Bình) giữ gìn nghề dệt thổ cẩm

Để giữ gìn phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, thời gian qua, Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Lâm Bình đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động chị em lưu giữ những nét văn hoá truyền thống đặc trưng của dân tộc.

Chi hội phụ nữ thôn Thượng Minh, xã Hồng Quang (Lâm Bình) hiện có 137 hội viên đang tham gia sinh hoạt, chị em trong chi hội chủ yếu là đồng bào dân tộc Pà Thẻn. Để gìn giữ và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc, cùng với việc được quan tâm mở các lớp truyền, dạy tiếng nói, chữ viết, thêu, dệt thổ cẩm dân tộc Pà Thẻn, chi hội còn tuyên truyền, vận động chị em phụ nữ tích cực gìn giữ và thường xuyên truyền dạy cho con cháu những nét đẹp văn hoá truyền thống của dân tộc.
 

Phụ nữ thôn Thượng Minh, xã Hồng Quang bên khung dệt.


Theo những người phụ nữ cao tuổi trong thôn Thượng Minh, xã Hồng Quang (Lâm Bình), nghề dệt thổ cẩm có từ xa xưa, người con gái Pà Thẻn thường được bà, mẹ truyền dạy lại cho nghề dệt, thêu để có thể làm được một bộ trang phục diện trong các dịp lễ, Tết. Đặc biệt, trước khi về nhà chồng ai cũng tự làm cho mình một bộ trang phục đẹp nhất. Điều đó còn thể hiện sự khéo léo, đảm đang của người con gái Pà Thẻn.

Tuy nhiên, qua thời gian, nghề dệt thổ cẩm cũng ngày càng bị mai một. Để giữ gìn và phát huy nghề dệt, UBND xã đã phối hợp tổ chức lớp dạy nghề dệt thổ cẩm cho chị em phụ nữ thôn, xã, đã thu hút đông đảo hội viên, phụ nữ tham gia. Thông qua lớp học nghề dệt thổ cẩm các chị em trong thôn được học cách dệt, thuê sao cho đẹp, được hướng dẫn cách phối màu, tạo hoa văn trên bộ trang phục… Nhờ vậy, nhiều chị em đã dệt thành thạo và có thể làm hoàn chỉnh một bộ váy truyền thống của phụ nữ Pà Thẻn.
 


 

Phụ nữ Pà Thẻn, xã Hồng Quang (Lâm Bình) truyền dạy nghề thêu, dệt thổ cẩm cho thế hệ trẻ.


Một bộ trang phục truyền thống của phụ nữ Pà Thẻn gồm có mũ, áo, váy, dây thắt lưng… để làm một bộ trang phục thường mất vài tháng, từ việc dệt vải, nhuộm, khâu, thêu hoa văn trang trí đều được người phụ nữ Pà Thẻn làm thủ công rất tỉ mỉ, cầu kỳ. Ngày nay, việc hoàn thiện một bộ trang phục truyền thống không chỉ để chị em mặc trong các dịp lễ, Tết, mà còn trở thành sản phẩm du lịch để phục vụ nhu cầu của du khách. Mỗi bộ váy, áo thường có giá hơn 3 triệu đồng.

Theo người phụ nữ nơi đây, phần lưng áo thường được thêu cầu kỳ nhất. Trên trang phục của người Pà Thẻn thường có các hình như cây cầu, ngôi nhà, con chó, hình quả trám, hình chữ A… Hoa văn trên bộ trang phục được sử dụng hai phương pháp là ghép vải và thêu chỉ màu. Xen giữa hoa văn thêu tay là mảng hoa văn dệt với nhiều màu sắc, trong đó màu đỏ là chủ yếu, tạo nên sự rực rỡ, bắt mắt và đặc trưng của bộ trang phục.
 

Phụ nữ ở thôn Thượng Minh, xã Hồng Quang (Lâm Bình) cùng nhau giữ gìn nghề dệt thổ cẩm.


Xã Hồng Quang (Lâm Bình) có trên 100 hộ dân tộc Pà Thẻn sinh sống. Cùng với Lễ hội nhảy lửa vừa được công nhận là di sản văn hoá phi vật thể quốc gia, thì nghề dệt thổ cẩm cũng được người dân nơi đây giữ gìn và phát huy. Qua đó, góp phần làm phong phú bản sắc văn hoá dân tộc trên địa bàn, đặc biệt là tạo điểm nhấn trong phát triển du lịch của địa phương.
 

Cùng với giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc, chị em phụ nữ còn tạo ra nhiều sản phẩm phong phú, đa dạng làm từ chất liệu thổ cẩm để bán ra thị trường.


Bằng những việc làm cụ thể, thiết thực cán bộ, hội viên phụ nữ huyện Lâm Bình đã và đang phát huy vai trò trong việc gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Qua đó, góp phần tạo sự gắn kết, tô điểm và làm phong phú thêm đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân các dân tộc trên địa bàn của huyện vùng cao Lâm Bình.

Theo http://doingoaituyenquang.gov.vn/

 


Bài viết liên quan