Thắng cảnh trên hồ sinh thái Na Hang - Lâm Bình.
Có mặt tại Hồ sinh thái Na Hang - Lâm Bình đúng dịp ngày nghỉ cuối tuần, chúng tôi được chứng kiến cảnh tấp nập của từng đoàn thuyền đưa khách đi tham quan khu vực lòng hồ. Trước khi lên thuyền đi tham quan các địa điểm, du khách được các chủ thuyền nhắc nhở mặc áo phao đầy đủ, lực lượng chức năng đảm bảo an toàn trên lòng hồ có mặt thường xuyên để sẵn sàng hỗ trợ du khách. Các du khách có thể chọn cho mình những hành trình du lịch qua nhiều địa điểm nổi tiếng như: Danh thắng Cọc Vài, trải nghiệm những chú cá mát sa miễn phí ở thác Khuổi Nhi...
Homestay Ba Ngân điểm lưu trú lý tưởng.
Sau nhiều lần được đi tham quan học tập kinh nghiệm để làm du lịch xanh, bền vững, ông Hỏa Văn Ba - Homestay Ba Ngân ở thôn Nà Liềm, xã Thượng Lâm (Lâm Bình) đã mạnh dạn đầu tư sửa sang lại căn nhà sàn 4 gian 2 trái của gia đình làm cơ sở lưu trú, ngoài ra ông đầu tư mua xe điện phục vụ du khách. Ông Ba cho biết, tính ưu việt của xe điện chính là không gây ô nhiễm môi trường và tiếng ồn sẽ giúp du khách trải nghiệm, cảm nhận đầy đủ, trọn vẹn về thiên nhiên, môi trường ở đây.
Nhận thấy tiềm năng phát triển du lịch của địa phương, bà Nguyễn Thị Đựng, Tổ dân phố Nặm Đíp, thị trấn Lăng Can (Lâm Bình) đã đầu tư mở Homestay Thảo Nguyên. Bà Đựng cho biết, gia đình bà đã đầu tư xây dựng 02 ngôi nhà sàn, đầu tư xây dựng bể bơi để phục vụ khách đến nghỉ dưỡng. Tại cơ sở lưu trú của gia đình bà, từng chi tiết nhỏ nhất như chiếc cốc, móc áo bằng tre cũng được chăm chút, giữ đúng truyền thống của người dân địa phương. Phòng ngủ dành cho khách du lịch nằm ở tầng 2 của nhà sàn được thiết kế hoàn toàn từ gỗ và tre mang đậm chất núi rừng. Để phục vụ du khách đến nghỉ dưỡng tại homestay, gia đình bà còn tổ chức các hoạt động trải nghiệm cộng đồng như: giã bánh dày, chơi những trò chơi như đánh pam, đánh yến, giao lưu văn hóa văn nghệ, đốt lửa trại, nhảy sạp, nghe hát then, cho thuê xe đạp tham quan bản làng tại thị trấn Lăng Can…
Khu lưu trú Homestay Thảo Nguyên.
Trong chuyến trải nghiệm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng tại huyện Lâm Bình, ông Nguyễn Văn Hùng đến từ Thủ đô Hà Nội cho biết, khi đến Lâm Bình, ông rất ấn tượng với cảnh đẹp ở vùng lòng hồ sinh thái Na Hang - Lâm Bình. Ông Hùng thích nhất là được thả mình thư giãn ở chân thác Khuổi Nhi và được những chú cá nhỏ massage thư giãn khiến mệt mỏi của cả quãng đường dài đến điểm du lịch dường như tan biến. Đến với Lâm Bình, ông không chỉ được thư giãn, ngắm cản núi non hùng vĩ, hít thở không khí trong lành mà còn được tìm hiểu bản sắc văn hoá, phong tục tập quán và cuộc sống của người dân địa phương. Chắc chắn, sau này khi có thời gian ông sẽ tiếp tục đến Lâm Bình để du lịch.
Những năm qua, huyện đã tập trung các nguồn lực xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng du lịch, tích cực và đa dạng hoá các hình thức quảng bá, giới thiệu sản phẩm du lịch; phát triển du lịch trên cơ sở bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng, riêng có của địa phương; gắn phát triển du lịch với phát triển văn hóa, bảo vệ môi trường sinh thái, xây dựng không gian du lịch sạch - xanh - đẹp - an toàn.
Các hộ gia đình ở thôn Bản Biến, xã Phúc Sơn chỉnh trang khuôn viên nhà ở để đón khách du lịch.
Ông Cao Văn Minh, Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Lâm Bình cho biết, Phòng đã tham mưu cho UBND huyện xây dựng các kế hoạch phát triển du lịch có hệ thống, bài bản, thực hiện chỉnh trang khuôn viên nhà ở, không phá vỡ cảnh quan thiên nhiên, truyền thống văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số. Các nhà bố trí gian đón khách, công trình vệ sinh đạt chuẩn, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc như nếp nhà, trang phục, tiếng nói, chữ viết, dụng cụ sản xuất sinh hoạt, tâm linh tín ngưỡng... Đến nay, huyện có 55 hộ gia đình làm dịch vụ du lịch homestay. Ngoài ra, để tạo ra không gian du lịch “Sạch - xanh - đẹp - an toàn”, thân thiện với du khách, huyện Lâm Bình cũng đã chú trọng đầu tư, tạo các điểm check-in thân thiện, gần gũi với thiên nhiên như trồng các tuyến đường hoa đào, hoa mận cổ thụ, hoa ban... các chuỗi sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng, phát triển du lịch rừng, lịch sử, du lịch cộng đồng... gắn với phát huy truyền thống văn hóa đậm đà bản sắc của các dân tộc.
Huyện đẩy mạnh việc quảng bá, giới thiệu về du lịch; xây dựng các ấn phẩm, tạp chí, chương trình truyền hình, chuyên trang mạng xã hội (Youtube, Facebook, Tiktok…) giới thiệu các điểm đến du lịch của địa phương; xây dựng và vận hành Website “dulichlambinh.gov.vn”, chuyên mục Du lịch trên trang thông tin điện tử của huyện, fanpage: Du lịch Lâm Bình…
Thuyền đưa khách du lịch tham quan danh thắng Cọc Vài, một điểm du lịch nổi tiếng trên lòng hồ.
Nhờ đó, tính đến tháng 11/2023 huyện thu hút trên 151 nghìn lượt khách đạt 100% kế hoạch, tăng 10% so với năm 2022; tổng doanh thu xã hội về du lịch đạt trên 151 tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2022. Duy trì 03 xã đã đạt chuẩn nông thôn mới (Thượng Lâm, Khuôn Hà, Thổ Bình) trong đó xã Thượng Lâm đạt tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao.
Phát huy tiềm năng, đẩy mạnh phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, bền vững của huyện và nâng cao chất lượng chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tạo tiền đề vững chắc để huyện đạt chuẩn huyện nông thôn mới trong giai đoạn tiếp theo; đó là một trong 2 khâu đột phá và một trong 4 nhiệm vụ trọng tâm mà Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Lâm Bình lần thứ II, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra.
Những kết quả ban đầu trong phát triển du lịch nông thôn đã góp phần thay đổi tư duy, đời sống của người dân địa phương. Ngày càng được đông đảo du khách biết tới, chính quyền và người dân huyện Lâm Bình hôm nay đang nỗ lực tạo ra các giá trị mới trên nền tảng các giá trị văn hóa truyền thống, góp phần tạo ấn tượng đẹp, xây dựng hình ảnh du lịch Lâm Bình thân thiện trong lòng du khách.
Theo http://doingoaituyenquang.gov.vn/