Đậm đà hương vị ốc rừng

Ốc đá - không phải là ốc giả bằng đá, mà là ốc thật. Ốc sống trong núi đá, hang đá có vỏ cứng như đá, người đời lấy thân hình và tập quán sinh sống để gọi tên cho thân quen, cho ngắn gọn mà thân thuộc dễ hiểu.

Ốc đá được rửa sạch trước khi chế biến thành món ăn.
 

Đến các huyện Na Hang, Lâm Bình du khách sẽ được thưởng thức nhiều món ăn là đặc sản của địa phương như cá bỗng sông Gâm, xôi ngũ sắc, cơm lam, lạp xưởng, thịt lợn chua… Tuy nhiên, có những món ăn mà phải đến đúng thời điểm du khách mới được nếm thử, một trong số đó là những con ốc đá. Khi những cơn mưa ào ào đổ xuống, cây rừng bật những chồi non xanh biếc cũng là lúc người dân ở các xã Năng Khả, Thanh Tương, Sơn Phú… (Na Hang); Phúc Sơn, Minh Quang… (Lâm Bình) lại lên rừng "săn" ốc đá. Mùa mưa, đàn ốc từ những kẽ đá mò ra ăn nấm, lá cây mục, rêu… Mùa rét về, bọn chúng “mất tích” vào đá núi...

Ốc đá hay còn gọi là ốc rừng thường sinh trưởng, phát triển ở khu vực dãy núi đá vôi, chúng chỉ xuất hiện từ tháng 4 đến cuối tháng 9. Lúc này là mùa mưa, khí hậu trở nên ẩm ướt. Loại ốc chỉ có ở những khu rừng rậm, nhiều cây cối, ẩm thấp. Ốc bò ra nhiều sau cơn mưa để ăn lá cây. Vì thế, sau mỗi cơn mưa rào, người dân lại lên rừng tìm bắt ốc đá.

Anh La Văn Kết, thôn Nà Khá, xã Năng Khả (Na Hang) cho biết, loại ốc này thường chỉ xuất hiện vào mùa mưa, còn mùa đông ốc đá ẩn mình dưới đất, đá sinh sôi nảy nở nên rất khó phát hiện. Ốc đá thường kiếm ăn vào ban đêm, muốn bắt được ốc đá, người dân phải băng rừng già, núi đá, dùng đèn pin rọi bắt từng con. Ốc đá là món ăn quen thuộc của người dân miền núi, giờ được nhiều người biết đến bởi vị thơm ngon đặc trưng của núi rừng không giống bất kỳ loài ốc nào. Mọi người bảo rằng, loại ốc này ăn các loại thảo dược, cây thuốc nên chúng có khả năng chữa bệnh, vì thế hiện nay ốc đá đã trở thành món đặc sản mà nhiều người săn lùng.
 
Anh Chúc Thanh Cường, thôn Phiêng Tạ, xã Phúc Sơn (Lâm Bình) cho biết, theo kinh nghiệm nhiều năm săn ốc đá trời mưa phùn ốc mới ra tìm thức ăn, vào rừng bắt ốc phải đeo ủng, mặc quần áo dài chống muỗi và vắt. Ốc đá không phát triển theo chiều dọc như ốc nhồi, ốc bươu vàng mà theo chiều ngang, mình dẹt, to trung bình bằng hai đốt ngón tay, miệng loe ra có màu trắng sữa. Ốc đá ăn lá cây, vùi mình trong lớp lá dày vì thế béo ngậy, làm nên món ngon.
 

Món ốc đá hấp bia.


Anh Quan Văn Thánh, chủ nhà hàng Thánh Lịch, thị trấn Lăng Can (Lâm Bình) cho biết, muốn giữ được hương vị tự nhiên, hương của núi rừng đầu bếp phải học cách của đồng bào sau khi rửa sạch vỏ ốc đá hay còn gọi là ốc rừng sau đó là đồ, là hấp. Cho ốc đã rửa sạch cùng với lá bưởi, lá sả, củ sả, vào chõ và đồ chín hoặc cho vào túi hông được đan bằng tre trên trải tấm lá chuối, lá dong hấp chín. Đã ăn ốc đá dường như có vị ngọt như vị rau đắng, vị don dót của rau dớn và vị lá gai, thảo dược. Mỗi người cảm nhận theo một vẻ, nếu có định danh được thì đó là hương rừng, hương thuốc.

Có cách chế biến giản dị là cho ốc vào nồi cùng với củ sả đã thái lát, một ít lá gừng và một thìa mẻ đã lọc lấy một bát con nước đậy kín đun sôi chừng nửa giờ cảm thấy hương thơm tỏa ra ngào ngạt là được. Nước chấm đi đôi cho có anh có em là nước mắm cốt pha chanh, gừng, tỏi... Đã đủ vị có thể múc ốc ra từng bát, trải chiếu đánh bệt mà thưởng thức món ăn dân dã thơm ngon này.

Theo http://doingoaituyenquang.gov.vn/


Bài viết liên quan