Cọn nước của người Tày ở Lâm Bình - Tuyên Quang.
Cọn nước có từ lâu đời gắn theo phương thức canh tác truyền thống của người vùng cao. Ở những nơi sông, suối có dòng chảy thấp so với ruộng canh tác, thay vì ngăn sông, đắp đập, người dân địa phương làm ra cọn nước và mượn sức nước để tưới tiêu cho đồng ruộng.
Ông Nguyễn Công Hựu, dân tộc Tày ở Tổ dân phố Nà Khà, thị trấn Lăng Can (Lâm Bình) chia sẻ: Việc chế tạo cọn nước của người Tày được làm hoàn toàn thủ công, tận dụng những vật liệu có sẵn từ tự nhiên. Muốn tạo ra một bánh xe với vòng quay lớn, người ta phải làm cẩn thận từng công đoạn. Khi làm cọn nước, thường chọn một thanh gỗ thẳng có khả năng thấm nước tốt để làm trục giữa của cọn. Đồng thời, họ chọn những cây Nứa già, thân thẳng, nhỏ làm nang cọn. Tùy kích thước của cọn mà quyết định số nang và độ dài ngắn của nang. Tùy thuộc vào kích thước cọn nước để xác định độ dài tương ứng và số lượng của các nan cọn. Nan cọn được nối với trục quay thành khung vững chắc bằng cách đục lỗ khéo léo trên thân trục tương ứng với số nan sao cho vừa khít, sau đó cố định bằng những sợi dây mây, dây rừng dẻo dai.
Tiếp đó là đến công đoạn làm xung quanh vành khung cọn, người thợ đặt các cánh quạt đan từ phên tre để cản nước, tạo lực đẩy guồng quay. Còn những cây vầu già nhỏ và dài sẽ được dùng để cố định vòng ngoài cho cọn không bị xô lệch khi quay, đồng thời, gắn các gầu múc nước bằng ống tre. Lực đẩy của nước khiến guồng quay liên tục để gầu múc nước, đến tầm cao nhất định thì các gầu bắt đầu dốc nước vào các ống dẫn.
Nếu như ở vùng đồng bằng, công cụ bằng đồng ra đời gắn liền với nền văn minh lúa nước thì ở miền núi, vùng cao, văn minh lúa nước không thể tách rời với hình ảnh những chiếc cọn nước mộc mạc. Được biết, cọn nước ra đời bắt nguồn từ điều kiện tự nhiên, môi trường sống của người Tày, từ nhu cầu thủy lợi ở vùng cao. Người Tày ở Tuyên Quang cư trú chủ yếu ở các huyện vùng cao Na Hang, Lâm Bình, Chiêm Hóa. Bản làng của người Tày thường ở dưới chân núi, thung lũng, gần các dòng sông, suối, được bao bọc xung quanh bởi những dãy núi.
Do đặc điểm lựa chọn vị trí cư trú gần các dòng suối nên từ xa xưa, các cư dân Tày đã sớm biết chế tạo và sử dụng cọn nước như một chiếc máy dẫn nước vào tưới đồng ruộng, phục vụ sản xuất nông nghiệp hoặc dẫn nước về bản làng để sinh hoạt. Xuất phát từ nhu cầu cuộc sống, đồng bào dân tộc Tày đã biết khai thác tối đa nguồn thủy năng vô tận. Cọn nước là công trình tưới tiêu được chính người nông dân trong quá trình lao động sản xuất sáng tạo, được xây dựng bằng các vật liệu sẵn có như gỗ, tre, vầu, nứa, chi phí đầu tư thấp, phù hợp với điều kiện kinh tế của của người dân địa phương.
Mỗi vòng quay của cọn nước người Tày ẩn chứa trong đó sự trăn trở, tìm tòi và khả năng sáng tạo độc đáo. Những vòng quay miệt mài, bình dị của cọn nước mang trong mình ước vọng cuộc sống đầy đủ, ấm no, đồng thời cũng thể hiện năng lực vươn lên chinh phục, làm chủ thiên nhiên của con người. Cọn nước không đơn thuần chỉ là một công trình thủy lợi mà đã trở thành một bản sắc văn hóa độc đáo của người Tày, góp phần làm phong phú cho kho tàng văn hóa các dân tộc của Việt Nam.
Đồng bào Tày không những sử dụng cọn nước để tưới tiêu, phục vụ đời sống sinh hoạt mà còn sử dụng cọn nước như công cụ để giã gạo. Với nhịp quay chậm rãi, đều đều, mỗi lần nước đổ xuống từ vòng quay, chiếc chày giã gạo lại được nâng lên hạ xuống theo lực đẩy của nước. Cứ như thế, cả ngày, cối gạo sẽ được giã trắng. Một thời gian rất dài, đồng bào dân tộc Tày ở Tuyên Quang đã giã gạo bằng sự sáng tạo độc đáo như vậy.
Những guồng quay êm đềm của cọn nước cũng chính là cuộc sống của bà con dân tộc Tày, chậm rãi, không xô bồ nhưng luôn bền chặt, khăng khít. Bên những cọn nước, biết bao đôi trai gái hò hẹn với nhau và nên duyên vợ chồng. Cứ như thế, từ thế hệ này sang thế hệ khác, cuộc sống của người dân miền sơn cước luôn gắn liền với hình ảnh chiếc cọn nước bên cạnh, cọn nước đã trở thành điểm tựa tinh thần vững chắc của đồng bào dân tộc Tày.
Đồng bào Tày ở các huyện Chiêm Hóa, Na Hang, Lâm Bình
vẫn duy trì, gìn giữ nét văn hóa truyền thống sử dụng cọn nước.
Chiếc cọn nước trong tâm thức của đồng bào dân tộc Tày ở Tuyên Quang cũng như đối với du khách và những ai thích du lịch, đã trở thành một hình ảnh gần gũi, thân thuộc đến khó quên. Chiếc cọn nước chính là biểu tượng cho cuộc sống thanh bình, yên ả trong các bản làng ở vùng cao. Bên dòng suối, những cọn nước như những bánh xe khổng lồ nhẹ nhàng quay hết ngày này sang ngày khác, như những người nông dân cần mẫn, chịu khó trong mưa sớm nắng chiều, xây dựng bản làng có cuộc sống yên bình. Cùng với những phong cảnh tự nhiên, cọn nước đã góp phần tô điểm thêm vẻ đẹp miền sơn cước. Cọn nước không chỉ đơn thuần là công cụ trong lao động sản xuất, là công trình nghệ thuật mang dấu ấn riêng của bàn tay, khối óc con người mà còn chứa đựng nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao.
Hiện nay, người dân ở nhiều huyện thuộc tỉnh Tuyên Quang đã chuyển sang sử dụng máy bơm hay hệ thống kênh mương kiên cố, riêng đồng bào Tày ở huyện Chiêm Hóa, Na Hang, Lâm Bình vẫn duy trì, gìn giữ nét văn hóa truyền thống sử dụng cọn nước, bởi tính hữu ích của cọn nước rất phù hợp cho các cánh đồng cao, mảnh ruộng xa.
Mới đây, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công nhận Tri thức sử dụng cọn nước của người Tày ở Tuyên Quang là Di sản văn hóa phi vật thể. Giá trị văn hóa phi vật thể cọn nước mang màu sắc dân gian, có sự gắn bó chặt chẽ, đồng hành với cuộc sống đời thường của đồng bào và trở thành di sản không thể thiếu trong cộng đồng người Tày.
Theo ĐNTQ.