Du lịch thông minh: xu thế tất yếu

Tuyên Quang hiện đang tập trung các giải pháp đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, trong đó có các giải pháp phát triển du lịch thông minh.

 Du lịch thông minh, hay du lịch 4.0 đang trở thành lựa chọn của nhiều tỉnh, thành phố, nhằm phát huy hết tiềm năng, lợi thế của các điểm du lịch. Du lịch thông minh là một thành phần trong đô thị thông minh, sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông để hình thành hệ sinh thái du lịch và tạo lợi ích tương hỗ giữa 3 đối tượng: Du khách, chính quyền và doanh nghiệp.


Lâm Bình đang trở thành điểm đến của nhiều khách du lịch trong và ngoài nước

Theo đó, thông qua dịch vụ du lịch thông minh, cơ quan quản lý Nhà nước sẽ tăng hiệu quả quản lý ngành du lịch, bảo đảm an ninh trật tự, điều hành toàn diện hoạt động; quảng bá du lịch hướng tới phát triển thị trường quốc tế; tăng thu ngân sách từ du lịch và nắm bắt được số liệu về du lịch, từ đó dự báo, ra quyết định chính xác để tạo đột phá. Khách du lịch khi sử dụng dịch vụ du lịch thông minh sẽ tra cứu, tiếp nhận, nắm bắt thông tin nhanh chóng; tiết kiệm thời gian, chi phí; hướng tới sự khác biệt nổi trội, an toàn và thân thiện; đồng thời khuyến khích khách du lịch tương tác, trao đổi thông tin. Trong khi đó, các doanh nghiệp tham gia sẽ có cơ hội mở rộng kinh doanh, quảng bá góp phần tăng doanh thu; tạo liên kết chuỗi, phát triển chuỗi sản phẩm dịch vụ du lịch hoàn chỉnh; quản lý thuận tiện, nhanh chóng và tiết kiệm thời gian, chi phí trong quảng bá, thủ tục hành chính, pháp lý...

Theo đánh giá của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tuyên Quang đang dần trở thành lựa chọn của nhiều du khách trong nước và quốc tế. Lượng khách đến với tỉnh ngày càng tăng. Riêng trong năm 2017, lượng khách đến với tỉnh đạt 1,59 triệu lượt, tăng 10,4% so với năm 2016. Doanh thu về du lịch đạt 1.362 tỷ đồng, tăng 9,9% so với năm trước. Để du lịch Tuyên Quang không ngừng phát triển, tạo điểm nhấn trong lòng du khách, sở đang xúc tiến với các đối tác nghiên cứu phần mềm quản trị và hình thức xây dựng loại hình du lịch thông minh, cố gắng hoàn thành trong năm 2018, sớm đưa vào phục vụ du khách.


Hồ sinh thái Na Hang là địa điểm du lịch lý tưởng dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5.


Ông Nguyễn Trung Hiếu, Trưởng đại diện Tập đoàn VNPT tại Tuyên Quang cho biết: Sau khi giới thiệu các
giải pháp về du lịch thông minh, hiện nay, đơn vị đang phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch khảo sát cơ sở dữ liệu văn hóa, du lịch của tỉnh để xây dựng, hoàn thiện đề án, trình UBND tỉnh trong tháng 4 này. Trong đó, trong năm 2018, đơn vị sẽ phấn đấu xây dựng hoàn chỉnh Cổng thông tin về du lịch của tỉnh; ứng dụng du lịch trên thiết bị di động Android, IOS; cung cấp Wifi công cộng tại khu vực Quảng trường Nguyễn Tất Thành, Bảo tàng tỉnh, trục đại lộ Tân Trào, Khu Di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào, ngoài ra sẽ tiếp tục mở rộng theo yêu cầu. Đồng thời, tích hợp quản lý cơ sở lưu trú trực tuyến, quản lý báo cáo và thu thập số liệu động và quản lý cơ sở dữ liệu văn hóa du lịch.

Toàn bộ các thông tin, cơ sở dữ liệu văn hóa du lịch sẽ được hình ảnh hóa, cung cấp toàn bộ các dữ kiện về thời gian, lịch sử, xếp hạng và thuyết minh bằng giọng nói, hình ảnh (nếu có). Theo ông Hiếu, việc tập hợp xây dựng cơ sở dữ liệu về văn hóa du lịch hiện là nhiệm vụ tương đối khó khăn và đang được đơn vị phối hợp với các cơ quan chuyên môn để hoàn thiện trong thời gian sớm nhất.


Cán bộ Trung tâm Xúc tiến đầu tư tỉnh vận hành trang web dulichtuyenquang.gov.vn để quảng bá,
giới thiệu tiềm năng du lịch Tuyên Quang.

Nguyên nhân là do các điểm di tích trên địa bàn tỉnh tương đối nhiều, việc thu nhập thông tin, dữ liệu và số hóa toàn bộ sẽ mất nhiều thời gian. Thêm vào đó, số lượng các doanh nghiệp tương tác với dữ liệu hiện còn tương đối ít, mức độ ứng dụng công nghệ thông tin tại các doanh nghiệp này chưa nhiều... Sau khi hoàn thành giai đoạn 1, VNPT Tuyên Quang sẽ tiếp tục xây dựng, triển khai các nội dung: Đánh giá, mở rộng hệ thống; xây dựng bảo tàng điện tử; thu thập, phản hồi đánh giá từ phía khách du lịch; phát triển dịch vụ thẻ thông minh, thanh toán không dùng tiền mặt; xây dựng các booth du lịch (điểm tra cứu) tại một số điểm du lịch chính; phân tích dữ liệu du lịch hỗ trợ dự báo, ra quyết định...

Tỉnh đã ban hành nhiều nghị quyết, kế hoạch phát triển du lịch nhằm tạo bước đột phá phát triển toàn diện du lịch cả về phạm vi, quy mô và chất lượng dịch vụ, đảm bảo tính bền vững. Tuyên Quang là một trong 9 tỉnh đầu tiên của cả nước triển khai các giải pháp du lịch thông minh theo đề án đô thị thông minh. Tuy nhiên, để các dịch vụ du lịch thông minh phát huy hiệu quả, đưa du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế quan trọng, thì việc hình thành các sản phẩm du lịch đặc thù trên địa bàn tỉnh phải được xây dựng chặt chẽ, phát huy được tính liên kết vùng, khu vực, mục đích cuối cùng phải là giữ được chân du khách.


Bài viết liên quan