Các Di sản văn hóa phi vật thể ở Tuyên Quang

Tuyên Quang, mảnh đất có 22 dân tộc cư trú, ở mỗi cộng đồng các dân tộc đều có những nét văn hóa, phong tục tập quán từ lâu đời, đã được hình thành và phát triển qua hàng trăm năm vỡ đất lập bản, lập làng. Chính những nét đặc trưng của văn hóa đã tạo nên những sắc thái riêng biệt và trở thành những di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu, đóng góp cho kho tàng văn hóa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

    Tuyên Quang là một vùng văn hóa đa hương sắc với nhiều dân tộc anh em cùng sinh sống, mỗi dân tộc lại có những nét văn hóa riêng của mình. Cái riêng kết hợp cùng cái chung tạo thành nét độc đáo trong văn hóa tín ngưỡng. Giống như một bảo tàng văn hóa, kiến trúc nghệ thuật, tôn giáo, tín ngưỡng đã và đang là điểm đến ưa thích của khách du lịch tâm linh trong và ngoài nước. Trong đó có những lễ hội đặc biệt như Lễ hội Lồng tông, nghi lễ Then và kéo co truyền thống của dân tộc Tày; lễ Cấp Sắc, hát Páo Dung của dân tộc Dao; hát Soọng Cô của dân tộc Sán Dìu; hát Sình Ca của dân tộc Cao Lan đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, riêng nghi lễ Then của dân tộc Tày đang hoàn thiện hồ sơ để trình UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

    Tính đến nay, tỉnh Tuyên Quang có 8 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Mỗi di sản đều có những nét đặc trưng riêng, chúng ta hãy lần lượt điểm qua các di sản văn hóa phi vật thể tại mảnh đất Tuyên Quang này.

    Nghi lễ hát Then là “đặc sản” của dân tộc Tày tỉnh Tuyên Quang. Then là những khúc hát, điệu múa thuộc thể loại dân ca nghi lễ, được sử dụng trong các lễ cúng, cầu mùa, lễ cốm, lễ cấp sắc... do các thầy Then thực hiện. Vùng hát Then tỉnh Tuyên Quang tập trung chủ yếu ở các huyện Chiêm Hóa, Na Hang, Lâm Bình... Trên địa bàn tỉnh tồn tại 2 dòng Then là nghi lễ Then cổ và dòng Then mới. Về nội dung Then được chia làm 2 nhóm Then kỳ yên (cầu điều lành và điều tốt) và Then lễ hội.

Lễ hội Lồng tông huyện Chiêm Hóa

    Lễ hội Lồng tông là lễ hội có từ lâu đời của đồng bào dân tộc Tày với mục đích là tạ ơn thần thánh làm cho mùa màng bội thu. Bên cạnh đó, đây cũng là dịp để nhân dân bày tỏ lòng biết ơn đến thánh thần, tổ tiên, những người đã có công khai hoang, lập đất, trồng cấy lúa nước và hoa màu.

    Ngày 27/12/2012, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có Quyết định số 5079/QĐ-BVHTTDL chứng nhận Lễ hội Lồng tông và Nghi lễ Then của người Tày tỉnh Tuyên Quang được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

    Lễ Cấp sắc là một nét văn hóa đặc trưng của dân tộc Dao tỉnh Tuyên Quang ngày nay vẫn được duy trì và thực hiện theo đúng nghi thức truyền thống. Đây được coi là nghi lễ trưởng thành của người đàn ông dân tộc Dao và mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, góp phần giáo dục đạo đức, hình thành nhân cách cho những chàng trai trước khi trở thành trụ cột của mỗi gia đình. Ngày nay, những nét văn hóa đặc sắc trong nghi lễ Cấp sắc của người Dao vẫn được bảo tồn gần như nguyên vẹn và phù hợp với đời sống mới. Cùng với nghi lễ Cấp sắc, làn điệu dân ca Páo dung của người Dao Tuyên Quang cũng đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

    Hát Páo dung của dân tộc Dao là loại hình hát xướng mang tính nghệ thuật, là hình thức văn nghệ dân gian mang giá trị cao đẹp của con người với ca từ mượt mà mà sâu lắng bao hàm nội dung ca ngợi cuộc sống tươi đẹp, quê hương đất nước, tình yêu đôi lứa, là lời răn nhẹ nhàng mà sâu sắc. Lễ Cấp sắc là một tập quán xã hội và tín ngưỡng tôn giáo đặc trưng của dân tộc Dao. Dù ở bất cứ ngành Dao nào người đàn ông Dao đều trải qua Lễ Cấp sắc, một nghi lễ đánh dấu sự trưởng thành cũng như sự thừa nhận của cộng đồng về người được cấp sắc. Cấp sắc là một nghi lễ kế thừa những di sản văn hóa của người Dao, mang yếu tố tôn giáo, tín ngưỡng. Do vậy, Lễ Cấp sắc không chỉ đơn thuần là nghi lễ tôn giáo mà còn chứa đựng những thành tố quan trọng của bản sắc văn hóa tộc người, văn hóa địa phương.

    Ngày 31/10/2013, di sản văn hóa phi vật thể Hát Páo dung và Nghi lễ Cấp sắc của người Dao tại Tuyên Quang đã được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, theo quyết định số 3820/QĐ- BVHTTDL, ngày 31/10/2013 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

    Hát Soọng cô là một thể loại dân ca trữ tình, một loại hình sinh hoạt văn hóa dân gian phong phú, hấp dẫn của dân tộc Sán Dìu. Các làn điệu Soọng cô có nội dung phản ánh cuộc sống lao động, sinh hoạt, phong tục tập quán và những tâm tư, tình cảm, khát vọng của người Sán Dìu trong cuộc sống.

    Kéo co truyền thống cũng được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Môn kéo co xuất hiện ở hầu hết các địa phương trong cả nước nhưng kéo co truyền thống ở tỉnh Tuyên Quang lại có những nét đặc sắc riêng gắn liền với sinh hoạt văn hóa và đời sống của đồng bào các dân tộc. Những yếu tố về quan niệm dân gian khi tổ chức kéo co trong lễ hội của đồng bào dân tộc Tày, Dao, Cao Lan ở tỉnh Tuyên Quang là một trong những nét đặc sắc ấy. Hoạt động kéo co diễn ra ở nhiều nơi, đặc biệt trong các ngày lễ hội ở các đình làng và trong Lễ hội Lồng tông ở khắp các địa bàn trong tỉnh. Lễ hội thường được tổ chức tại các cánh đồng bằng phẳng nằm ở trung tâm của làng, xã thuận lợi về giao thông hoặc phía trước sân đền, đình làng. Trong các dịp thi đấu thể thao, kéo co được tổ chức tại các sân vận động...

    Ngày 8/6/2015, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ra Quyết định số 1877/QĐ-BVHTTDL về việc công bố Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, hát Soọng cô và Kéo co truyền thống của tỉnh Tuyên Quang đã được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Hát Sình ca của dân tộc Cao Lan

    Hát Sình ca là loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian, được cộng đồng người Cao Lan trong tỉnh gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị. Đây là một loại hình di sản văn hóa phi vật thể điển hình mang tính truyền thống lâu đời và độc đáo của người Cao Lan. Hát Sình ca hay còn gọi là “Sịnh ca”, “Sịnh, Sềnh” nghĩa là “thần, chúa” có uy lực ngang với các vị thần sông, thần núi... Theo tên gọi dân gian của người Cao Lan thì “Sình” tức là “xướng”, “ca” có nghĩa là “ca lên, hát lên”. Sình ca là lối hát đối đáp giữa nam và nữ, được sáng tác theo thể thơ thất ngôn tứ tuyệt, ghi chép bằng chữ Hán. Những cuộc thi hát Sình ca thường kéo dài đến 12 đêm, mỗi đêm hát có chủ đề riêng, với các nội dung: Tình yêu thiên nhiên, quê hương đất nước, tình yêu đôi lứa, tình yêu trong lao động sản xuất, hát về khát vọng ước mơ hạnh phúc.

    Ngày 13-10- 2015, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có Quyết định số 3465/QĐ-BVHTTDL về việc công bố danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Hát Sình ca của người Cao Lan tỉnh Tuyên Quang đã được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Lễ hội rước mẫu đền Hạ, đền Thượng, đền Ỷ La

    Lễ hội đền Thượng, đền Hạ, đền Ỷ La thành phố Tuyên Quang, là lễ hội lớn nhất trong năm của người dân thành phố Tuyên Quang. Từ ngày 10 đến ngày 16 tháng 2 (âm lịch) hàng năm đều tổ chức Lễ hội rước kiệu Mẫu bắt đầu từ đền Mẫu Ỷ La ra đền Hạ, rồi tiếp đến lễ rước kiệu Mẫu từ đền Thượng qua sông về đền Hạ để cùng hợp tế. Bên cạnh phần lễ là phần hội được diễn ra với rất nhiều các trò chơi như: Đánh tổ tôm, tam cúc, cờ tướng, ô ăn quan, chọi gà, kéo co, hát văn... Đặc biệt là tục “chui qua kiệu Mẫu” vẫn được lưu truyền, gìn giữ với niềm tin thánh Mẫu ban cho sức khỏe, ấm no, hạnh phúc. Trai gái yêu nhau sẽ nên duyên vợ chồng. Thế nên không chỉ có con trẻ, mà các cụ già 70, 80 tuổi vẫn ngồi xếp hàng chờ chui qua kiệu Mẫu với tràn trề niềm hứng khởi.

    Ngày 16-2 (âm lịch) kết thúc Lễ hội, nhân dân lại làm lễ hoàn cung đưa Mẫu trở về đền thờ riêng của mình để phù trợ, giữ yên cho muôn dân được an lành, làm ăn tấn tới.

    Ngày 23-01-2017, Lễ hội đền Thượng, đền Hạ, đền Ỷ La đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia tại Quyết định số 217/QĐ-BVHTTDL.

    Trong quá trình tồn tại và phát triển, mỗi cộng đồng dân tộc sinh sống trên mảnh đất Tuyên Quang đều đóng góp những di sản văn hóa vật thể, phi vật thể tiêu biểu vào kho tàng văn hóa dân gian của các dân tộc Việt Nam góp phần nâng cao đời sống tinh thần nhân dân, tạo thêm các sản phẩm du lịch hấp dẫn, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lần thứ XV, XVI giai đoạn 2010-2020./.

Phạm Hương


Bài viết liên quan