Tăng cường quảng bá
Mấy năm gần đây tỉnh Tuyên Quang luôn tổ chức sự kiện Năm Du lịch như một điểm nhấn để quảng bá, tạo động lực cho du lịch phát triển. Trước lễ khai mạc, tỉnh đều chọn các thành phố, tỉnh có tiềm năng du lịch để tổ chức Hội nghị truyền thông. Năm 2023 tỉnh chọn thành phố Hồ Chí Minh và năm 2024 tại thành phố Đà Nẵng. Hội nghị quy tụ đầy đủ các thành phần quảng bá, truyền thông về du lịch ở trong nước.
Tại Hội nghị truyền thông về Năm Du lịch Tuyên Quang 2024 tỉnh tập trung quảng bá về tiềm năng, thế mạnh, chính sách thu hút đầu tư về du lịch, các tua tuyến, sản phẩm du lịch và các sự kiện du lịch sắp diễn ra. Năm Du lịch Tuyên Quang 2024 điểm nhấn sẽ có Lễ hội Khinh khí cầu quốc tế; trưng bày, giới thiệu hàng trăm gian hàng sản phẩm làng nghề và công bố sản phẩm du lịch mới Suối khoáng Mỹ Lâm - Suối nguồn kỳ diệu.
Theo ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư tỉnh, ngoài phương pháp quảng bá du lịch theo cách truyền thống trên báo chí, tờ rơi, tờ gấp, cẩm nang du lịch, các chương trình xúc tiến thì trung tâm đã đa dạng hóa các loại hình quảng bá, đặc biệt là trong thời đại chuyển đổi số.
Bản sắc văn hóa dân tộc là điểm nhấn của việc quảng bá du lịch của tỉnh.
Đầu tiên là phải tận dụng độ nhanh chóng, đại chúng của các nền tảng mạng xã hội như facebook, zalo, youtube, tiktok. Như hội nghị truyền thông vừa qua, tỉnh cũng mời đầy đủ các thành phần này tham dự, tăng sự quảng bá, tương tác. Hiện nay thông tin về du lịch Tuyên Quang như sản phẩm du lịch, sự kiện du lịch, tua tuyến, cơ sở lưu trú, nhà hàng đều được cập nhật trên Cổng thông tin du lịch tại địa chỉ “Mytuyenquang.vn” và ứng dụng du lịch trên thiết bị di động APP có tên “Tuyen Quang tourism”.
Qua cuộc khảo sát du lịch vừa qua tại các huyện trong tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Việt Phương yêu cầu các địa phương, doanh nghiệp, hộ homestay tăng cường công tác quảng bá du lịch thông qua trang fanpage cá nhân. Từ fanpage cá nhân này có thể liên kết với Cổng thông tin du lịch của tỉnh. Như vậy việc quảng bá mới bài bản, hiệu quả.
Đồng chí cho rằng bên cạnh quảng bá qua nhân vật có tầm ảnh hưởng, qua phim, ca nhạc, thì mỗi địa phương nên quan tâm đến các điểm check - in. Tuy nhiên các điểm check - in phải được lựa chọn kỹ càng, có view đẹp, thật sự là biểu tượng du lịch của địa phương, thiết kế hài hòa, phù hợp với cảnh quan thiên nhiên. Vừa qua Tỉnh đoàn tổ chức cuộc thi thiết kế mô hình check - in cũng là một ý tưởng hay, tăng cường công tác quảng bá du lịch.
Tỉnh tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao, lễ hội, xây dựng các danh hiệu, kỷ lục guinness, khảo sát, tham quan của các đại biểu, nhà quản lý, khoa học, công ty lữ hành cũng góp phần quảng bá du lịch. Nhất là tổ chức cuộc thi, lựa chọn sử dụng lô gô, Slogan, quà lưu niệm du lịch của tỉnh một cách thống nhất, bài bản, tạo sức lan tỏa, nhận diện cao.
Kết nối
Phát triển du lịch không tỉnh nào có thể đơn độc đi một mình, “cuộc chơi” nào cũng đòi hỏi phải có sự kết nối. Tỉnh Tuyên Quang đã xác định vấn đề này từ rất sớm. Đầu tiên phải thúc đẩy kết nối về hạ tầng giao thông. Hiện nay tuyến đường cao tốc Phú Thọ - Tuyên Quang đã hoàn thành đưa vào sử dụng; tuyến đường cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang; tuyến đường Na Hang - Ba Bể đang trong giai đoạn thi công, khi hoàn thành liên kết vùng sẽ định hình. Bà Trần Thu, du khách Hà Nội khẳng định, lên Tuyên Quang giờ đi cao tốc nhanh, sướng, an toàn. Với khoảng 2 giờ đồng hồ đi ô tô du khách có thể ung dung ăn sáng, uống cà phê tại Tuyên Quang.
Kết nối vùng sẽ tạo ra tour tuyến du lịch ấn tượng, đa dạng, đồng chí Lê Thanh Sơn, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, Chương trình hợp tác du lịch “Qua những miền di sản Việt Bắc”, gồm 6 tỉnh: Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên đã có những chuyển biến mạnh mẽ, thực chất, dần đi vào chiều sâu.
Cơ chế kết nối, liên kết, các tỉnh thực hiện theo cơ chế luân phiên làm trưởng nhóm hợp tác đăng cai tổ chức các hoạt động trong một năm. Nhóm 6 tỉnh hàng năm sẽ họp bàn các vấn đề liên quan đến du lịch vùng, trong đó trọng tâm là khâu kết nối. Bên cạnh đó Tuyên Quang cũng có kết nối du lịch với các tỉnh, thành trong cả nước có thế mạnh, tiềm năng về du lịch, ưu tiên kết nối với các tỉnh láng giềng và các sản phẩm du lịch có thể bổ trợ cho nhau.
Tỉnh cũng liên kết, hợp tác với nhiều doanh nghiệp, công ty du lịch lớn như: Vietravel, Vietjet Air, Hanoitourist, Vietrantour, Câu lạc bộ Lữ hành UNESCO Hà Nội... Hiện có 13 công ty lữ hành du lịch trên địa bàn tỉnh được tạo điều kiện hoạt động tốt. Các công ty thường xuyên được tỉnh mời tham gia các chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch của tỉnh. Qua đó nắm bắt được chủ trương, quy hoạch, chính sách đầu tư, sản phẩm, dịch vụ du lịch mới để triển khai kết nối được hiệu quả, chủ động hơn.
Theo các chuyên gia du lịch, đang trong giai đoạn “lấy đà cất cánh” phát triển du lịch như hiện nay, vấn đề quảng bá, kết nối du lịch đối với Tuyên Quang rất quan trọng, là chìa khóa để mở ra thành công.
Theo TQĐT.