Lễ hội Thành Tuyên được manh nha hình thành từ năm 2004, khi những tổ dân phố tự phát làm mô hình đèn Trung thu hình thù các con giống cỡ lớn. Việc các tổ dân phố kéo mô hình đi trên đường phố khiến người dân tò mò, thích thú. Tổ này làm được, rồi kia cũng làm, tự dưng trở thành một phong trào tự giác. Nhận thấy đây là nhu cầu chính đáng của người dân, UBND thị xã Tuyên Quang ngày ấy đã xây dựng kế hoạch tổ chức lễ hội, cho thi mô hình. Không ngờ tiếng vang của Lễ hội Thành Tuyên ngày càng bay xa, trở thành một lễ hội đường phố độc đáo vượt qua khuôn khổ của một lễ hội Trung thu truyền thống chỉ dành riêng cho con trẻ. Sức lôi cuốn của Lễ hội Thành Tuyên cứ hừng hực, lan tỏa, khiến cho UBND tỉnh quyết định nâng cấp thành lễ hội cấp tỉnh vào năm 2014.
Ông Nguyễn Vũ Phan, Quyền Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch khẳng định, để Lễ hội tổ chức đi vào nề nếp, có sức hấp dẫn cao, hàng năm tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức chương trình, họp bàn xây dựng kế hoạch, phân công cụ thể cho từng thành viên. Mỗi năm Lễ hội Thành Tuyên được gắn với chủ đề mới. Như năm 2015 gắn với “Liên hoan nghệ thuật hát Then - đàn tính các dân tộc Tày, Nùng, Thái lần thứ V năm 2015”. Mùa lễ hội năm 2016 gắn với Chương trình hợp tác du lịch “Qua những miền di sản Việt Bắc” lần thứ 8. Năm 2017 gắn với Ngày hội văn hóa dân tộc Dao toàn quốc lần thứ nhất và năm 2018 với chủ đề Liên hoan trình diễn Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia lần thứ nhất.
Sự phố hợp nhịp nhàng, khoa học giữa tỉnh và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khiến cho Lễ hội thêm phần sôi động, tăng tính giới thiệu quảng bá các loại hình văn hóa ra công chúng và giới truyền thông, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị của các di sản văn hóa. Ngoài ra, gian hàng của các huyện, thành phố trong tỉnh có cơ hội quảng bá tiềm năng, thế mạnh, nhưng đặc sản, nông sản, ẩn thực nổi trội của địa phương mình.
Từ khi tổ chức Lễ hội Thành Tuyên đến nay, diện mạo du lịch của Tuyên Quang đã có những thay đổi rõ rệt. Năm 2010 tổng lượng khách du lịch lên Tuyên Quang là 530 nghìn lượt người, đến năm 2017 là trên 1,4 triệu lượt du khách, trong đó có lượng khách không nhỏ của Lễ hội Thành Tuyên. Nếu như năm 2010, toàn tỉnh mới có 129 cơ sở lưu trú du lịch thì năm 2017 lên đến hơn 1.000 cơ sở lưu trú, trong đó có 130 khách sạn. Hiện nay, tỉnh có trên 13.000 lao động tham gia trong các hoạt động, dịch vụ du lịch, trong đó lượng lao động trực tiếp có trên 3.000 người.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh qua các nhiệm kỳ đều xác định, tập trung đột phá phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Các cấp, các ngành, người dân, doanh nghiệp đều vào cuộc làm du lịch. Tỉnh thì ban hành nhiều cơ chế chính sách đầu tư thông thoáng, thân thiện cởi mở, chỉ đạo xây dựng Lễ hội Thành Tuyên mang tầm khu vực quốc tế, cú hích cho du lịch tỉnh nhà phát triển.
Ngoài thế mạnh là du lịch sử văn hóa cách mạng, du lịch đền chùa tâm linh, đến nay các “ông lớn” về du lịch đã nhảy vào tỉnh để đầu tư các lĩnh vực còn tiền năng. Như tập đoàn Vingroup đầu tư vào Khu du lịch Suối khoáng Mỹ Lâm (Yên Sơn), Doanh nghiệp Tư nhân Xuân Trường (Ninh Bình) đầu tư vào Khu du lịch sinh thái Na Hang, Lâm Bình. Tập đoàn Mường Thanh đầu tư xây xây dựng khách sạn tại Trung tâm thành phố.
Ông Nguyễn Kế Mão, Giám đốc Khách sạn Mường Thanh Tuyên Quang cho biết, Tuyên Quang có rất nhiều tiềm năng du lịch và hoạt động của khách sạn ngày càng phát triển. Vào mùa Lễ hội Thành Tuyên, Khánh sạn Mường Thanh luôn kín chỗ, nhiều khách phải đặt phòng trước cả tháng trời. Chúng tôi rất tin tương vào chính sách nhất quán trong chủ trương phát triển Lễ hội Thành Tuyên, cũng như phát triển du lịch của tỉnh. Ngay từ bây giờ khánh sạn đang chuẩn bị kế hoạch cho việc phục vụ mùa Lễ hội Thành Tuyên năm 2018 chu đáo, tận tình, ấn tượng. Theo tôi cái hay của Lễ hội Thành Tuyên là một lễ hội đường phố kéo dài từ khi làm con giống, diễn thử trên đường phố và kết thúc là một chương trình quy mô, hoành tráng, có tổ chức.
Năm nay, Lễ hội Thành Tuyên được gắn với Liên hoan trình diễn Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia lần thứ nhất, diễn ra từ ngày 20- 24/9/2018 tại thành phố Tuyên Quang. Một số loại hình văn hóa phi vật thể quốc gia tiêu biểu được trình diễn như: Nhã nhạc Cung đình (Thừa Thiên Huế), Cồng chiêng Tây Nguyên (Đắk Lắk), Dân ca Quan họ (Bắc Ninh), Đờn ca tài tử (Bạc Liêu), Dân ca Ví, Giặm (Hà Tĩnh), Khèn Mông, Nhảy lửa (Hà Giang), Chầu văn (Nam Định), Xòe Thái (Sơn La); Trò diễn Xuân Phả (Thanh Hóa), Hát Bài Chòi (Quảng Nam), Hát then của dân tộc Tày, Nhảy lửa của dân tộc Pà Thẻn; Nghi lễ tín ngưỡng thờ Mẫu (Tuyên Quang)…
Điểm mới nữa của lễ hội 2018 là việc nhiều tổ dân phố đăng ký, làm mô hình mới với chất lượng nghệ thuật cao. Đã có hơn 70 mô hình được đăng ký, thành phố tạo mọi điều kiện, khuyến khích nghệ nhân các tổ sáng tạo ra các mô hình chất lượng. Bà Khương Thị Tươi, Tổ trưởng Tổ 4, phường Tân Quang (TP Tuyên Quang) phấn khởi nói, năm 2017 tổ 4 giành giải nhất với mô hình “Chim Phượng Hoàng”. Năm nay cả tổ bàn bạc thống nhất làm mô hình “Hai Bà Trưng cưỡi voi ra trận”, ai cũng ủng hộ đóng góp. Nhờ vậy mà công việc huy động nguồn lực bằng việc xã hội hóa diễn ra khá thuận lợi, khi có sự đồng lòng vào cuộc từ chính các hộ dân. Bà Tươi chia sẻ, để nâng tầm lễ hội theo đúng tinh thần của Ban tổ chức, tổ 4 đã tập trung trí tuệ để thiết kế ra mô hình có tính nghệ thuật cao nhất, cống hiến sự mãn nhãn cho người xem.
Theo http://doingoai.tuyenquang.gov.vn