Nét độc đáo của 3 di sản văn hóa Xứ Tuyên

Đến thời điểm này cả nước có khoảng 250 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, trong đó tỉnh Tuyên Quang có 8 di sản. Với mong muốn đưa những di sản này đến với công chúng, UBND tỉnh, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tiến hành lựa chọn 12 di sản tiêu biểu, phù hợp của các tỉnh, thành phố tham gia Liên hoan trình diễn Di sản văn hóa phi vật thể lần thứ nhất và Lễ hội Thành Tuyên năm 2018 diễn ra từ ngày 20 đến 23-9 tại thành phố Tuyên Quang.

 Vinh dự và tự hào tỉnh chủ nhà có 3 di sản tiêu biểu được trình diễn lần này gồm: Nghi lễ hát Then của dân tộc Tày, Nghi lễ nhảy lửa của dân tộc Pà Thẻn, Nghi lễ thờ Mẫu Tam Phủ của người Việt. Ông Nguyễn Vũ Phan, Quyền Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, sau khi có kế hoạch cụ thể của Ban Tổ chức, Sở đã tiến hành phân công cho Trung tâm Văn hóa tỉnh phụ trách 2 di sản là Nhảy lửa của dân tộc Pà Thẻn, Nghi lễ tín ngưỡng thờ Mẫu; Đoàn Nghệ thuật Dân tộc tỉnh phụ trách Hát Then của dân tộc Tày. Cho tới thời điểm này, 2 đơn vị trên đã tiến hành tuyển nghệ nhân chuyên và không chuyên tiến hành dàn dựng, luyện tập công phu, chuẩn bị những điều kiện tốt nhất cho buổi trình diễn đặc sắc này.

Tốp Then của Đoàn nghệ thuật Dân tộc tỉnh.



Nghi lễ hát Then của người Tày
Nghệ nhân Then Nguyễn Mạnh Thẩm, xã Thanh Tương (Na Hang) khẳng định, từ xa xưa, Then là một nghi lễ cúng, hồn cốt trong văn hóa của đồng bào Tày, sau này các thầy Then phóng tác thành các bài hát Then mới. Lời Then thường trong sáng, giản dị, dễ học, dễ nhớ, dễ đi vào lòng người. Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh có trên 70 câu lạc bộ đàn Tính, hát Then hoạt động có hiệu quả. Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa Then vào học ngoại khóa của các cấp học.

Nghệ nhân Then Nguyễn Mạnh Thẩm, xã Thanh Tương, huyện Na Hang.

Để chọn tiết mục Then đặc sắc lên trình diễn đợt này, Đoàn Nghệ thuật Dân tộc tỉnh đã cân nhắc chọn tiết mục “Mỏ Nậm Quảng” dịch nôm na là “Vơi đầy con nước”. Tiết mục này có khoảng 10 nghệ nhân, diễn viên biểu diễn. Diễn viên Trần Anh Quý cho biết, cả đoàn đang tích cực luyện tập cho ngày khai diễn, ai cũng phấn khởi, vinh dự và háo hức. Vì đây cũng là tiết mục của Đoàn vừa giành Huy chương Vàng Liên hoan Nghệ thuật Ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc tổ chức tại Cao Bằng thắng 5 vừa qua.

 

Nghi lễ nhảy lửa của dân tộc Pà Thẻn, thôn Thượng Minh, xã Hồng Quang (Lâm Bình).

 

Nghi lễ nhảy lửa của dân tộc Pà Thẻn

Năm nay, Nghi lễ nhảy lửa độc đáo, huyền bí của dân tộc Pà Thẻn thôn Thượng Minh, xã Hồng Quang (Lâm Bình) vinh dự được chọn để trình diễn tại Liên hoan và Lễ hội. Công tác luyện tập, chuẩn bị của huyện Lâm Bình đã hoàn tất. Ông Húng Văn Hín, Thầy cả của lễ nhảy lửa cho rằng, theo quan niệm của người Pà Thẻn, nhảy lửa là nghi lễ đón thần thánh xuống trần gian cùng vui với dân làng để phù hộ cho mọi người gặp nhiều may mắn trong cuộc sống, đây cũng là nghi lễ liên quan đến việc dạy và học làm thầy cúng.


Nghi lễ nhảy lửa của dân tộc Pà Thẻn, thôn Thượng Minh, xã Hồng Quang (Lâm Bình).


Điều kiện để những chàng trai được tham gia học cúng là đã được cấp sắc, khỏe mạnh, thông minh, có đạo đức và không vi phạm những điều xấu. Lần lượt theo trình tự, các học trò đã được học các bài cúng: cúng mời thần thánh, cúng tổ tiên, cúng cho người ốm đau, cúng thổ công, cúng bảo vệ bản thân. Nghi lễ nhảy lửa được thầy cúng chọn làm vào một đêm thích hợp, người chủ trì là thầy cúng, nghi lễ được làm tại nhà thầy cúng. Mấy năm gần đây trong lễ hội xuân đầu năm mới, huyện Lâm Bình khôi phục lại Nghi lễ nhảy lửa của dân tộc Pà Thẻn, thu hút đông đảo nhân dân, du khách thập phương, đặc biệt là các nhiếp ảnh gia đến xem, ghi lại những khoảng khắc thú vị, tuyệt đẹp…

 

Nghi lễ nhảy lửa của dân tộc Pà Thẻn, thôn Thượng Minh, xã Hồng Quang (Lâm Bình).

Nghi lễ thờ Mẫu Tan Phủ của người Việt
Ông Nguyễn Tất Lập, Tổ trưởng tổ quản lý đền Hạ - Kiếp Bạc (TP Tuyên Quang) cho biết, Tuyên Quang là xứ sở của các ngôi đên cổ nổi tiếng, như Pú Bảo (Lâm Bình), Pác Tạ (Na Hang), Bách Thần, Bảo Ninh Sùng Phúc (Chiêm Hóa), Bắc Mục (Hàm Yên), Cấm Sơn, Cảnh Xanh, Hạ, Thượng, Ỷ La, Cấm, Ghềnh Quýt, Pha Lô, Mỏ Than (TP Tuyên Quang)…Các đền trên địa bàn tỉnh đều thờ Mẫu Tam phủ. Tam phủ thì có (Thiên phủ) Mẫu đệ nhất Thượng Thiên mặc áo đỏ cai quản vùng trời; (Nhạc phủ) Mẫu đệ nhị Thượng Ngàn mặc áo xanh cai quản vùng rừng núi; (Thoải phủ) Mẫu đệ tam Thoải phủ mặc áo trắng cai quản vùng sông nước. Thường 3 ngôi đầu được thờ tại một ban gọi là ban thờ Tam tòa Thánh Mẫu.

Nghi lễ lên đồng trong tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ tại Đền Thượng, xã Tràng Đà (TP Tuyên Quang).

Một số nhà nghiên cứu khẳng định tín ngưỡng thờ Mẫu còn có thể được gọi là Đạo Mẫu. Đạo mẫu lấy tôn thờ Mẫu (Mẹ) làm đấng sáng tạo và bảo trì cho vũ trụ, con người, là nơi con người ký thác những mong ước, khát vọng về đời sống trần thế của mình. Đây là “đạo” của người Việt, một tín ngưỡng bản địa, thuần Việt, đồng hành cùng dân tộc trong suốt dòng chảy lịch sử hàng nghìn năm. Theo ông Trần Hải Quang, Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh, tiết mục trình diễn Nghi lễ thờ Mẫu Tam phủ của người Việt do tốp nghệ nhân dân giang Hoàng Thị Mai, xã Tràng Đà (TP Tuyên Quang) biểu diễn. Hiện nay xã Tràng Đà có 3 ngôi thờ Mẫu Tam phủ nổi tiếng gồm: Đền Thượng, Cấm, Ghềnh Quýt.

 

Thanh đồng Đặng Hải Thanh trình diễn, nhập vai Mẫu Thoải tại đền Thượng, xã Tràng Đà, TP Tuyên Quang.

 

Theo http://doingoai.tuyenquang.gov.vn


Bài viết liên quan