Bánh củ chuối Chiêm Hóa

Tỉnh ta có nhiều đặc sản, trong đó phải kể đến món bánh củ chuối của đồng bào Tày huyện Chiêm Hóa, tập trung nhiều ở các xã Yên Lập, Bình Phú, Phú Bình, Kiên Đài.

Công đoạn gói bánh củ chuối bằng lá chuối rừng phơi khô.

Bà Lương Thị Nga, dân tộc Tày, xã Yên Lập cho biết, nguyên liệu chính làm nên thương hiệu món bánh này chính là củ chuối rừng. Để bánh ngon phải chọn củ chuối thật già. Chỉ cần hai củ chuối rừng to, bà Nga thoải mái nguyên liệu làm 5 kg bột bánh. Ngoài ra, bà còn lấy lá chuối rừng về để gói bánh cho thơm. Lá chuối rừng dai, to bản gói loại bánh đôi rất phù hợp. 

Những ngày này, các máy nghiền bột trên địa bàn xã Bình Phú đều chạy hết công suất. Lượng người đến nghiền bột củ chuối ngày càng đông. Bà Hà Thị Tuyết, dân tộc Tày, xã Bình Phú chia sẻ, củ chuối rừng lấy về được bà con thái mỏng, băm nhỏ xong luộc chín, rửa sạch mang đi nghiền thành bột hoặc giã nhuyễn. Bột củ chuối được canh với mật đường, trộn đều với bột gạo nếp nương đã ngâm đãi, nghiền sẵn. Theo người dân ở đây, làm bánh bằng gạo nếp nương vẫn là ngon nhất. Phần nhân bánh có đỗ, dừa, dầu chuối, đường, lạc, vừng. Bánh được gói bằng lá chuối khô, cứ hai bánh liền với nhau thành một cặp. Bánh cho vào chõ hấp 30 - 40 phút là chín tới. 

Ngày nay, do nhu cầu thị trường, nhiều nhà đã mạnh dạn sản xuất mỗi mẻ từ 50 - 70 kg bột. Các lái buôn tìm đến tận nhà đặt mua với số lượng lớn với giá 8.000 - 10.000 đồng/cặp bánh. Họ mang ra thị trấn Vĩnh Lộc, xuống thành phố Tuyên Quang bán lẻ với giá từ 14.000 - 15.000 đồng/cặp bánh. Bà Trần Thị Hải, một lái buôn ở thành phố Tuyên Quang nói, đợt rằm tháng 7 này, bà đã mua gom và bán ra thị trường trên địa bàn thành phố khoảng 2.500 cặp bánh củ chuối. Theo bà, bánh củ chuối có thể làm quanh năm, nguồn nguyên liệu củ, lá chuối rừng dồi dào. Người dân hết mùa vụ nông nhàn đều có thể làm được. 

Hay đi công tác qua địa bàn huyện Chiêm Hóa, ông Trần Văn Bình, du khách ở Hà Nội thường xuyên tìm mua bánh củ chuối về ăn và làm quà cho người thân. Ông Bình bày tỏ, đây là loại bánh khá đặc biệt. Khi ăn bánh có mùi thơm của gạo nếp nương và củ chuối, lá chuối rừng, có màu mật ong. Bánh rất dẻo, nhân thơm ngậy, ngọt thanh, không bị nóng cổ.

Theo bà Lê Thị Thanh Tâm, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Chiêm Hóa thời gian tới, huyện tiếp tục khuyến khích các hộ gia đình sản xuất bánh củ chuối làm quà lưu niệm cho du khách, xây dựng thương hiệu bánh củ chuối, góp phần làm phong phú thêm sản vật phục vụ phát triển du lịch của địa phương.

Theo TQĐT


Bài viết liên quan