Lễ cúng cơm mới của người Nùng Yên Sơn

Thường vào tháng 9 âm, khi những đồng lúa chín vàng cũng là lúc đồng bào dân tộc Nùng (Yên Sơn) chuẩn bị đón Tết “kin khẩu mấu” (lễ mừng lúa mới, mừng cơm mới). Đây là nghi lễ nông nghiệp quan trọng của người Nùng, vừa chứa đựng ý nghĩa tâm linh sâu sắc, vừa mang đậm nét đẹp văn hóa của người dân nơi đây.

Người Nùng Yên Sơn sinh sống chủ yếu ở các xã: Hùng Lợi, Công Đa, Đạo Viện, Tiến Bộ, Trung Sơn… Lễ mừng lúa mới được người Nùng tiến hành trước khi bước vào vụ gặt. Các gia đình thường chọn ngày đẹp, là ngày Tuất để ăn Tết. 

Nói về nguồn gốc của lễ mừng lúa mới, cụ Sùng Thị Son, thôn Khăm Kheo, xã Công Đa kể lại, ngày xưa, ở một bản nọ, có hai anh em trai trong một gia đình mồ côi nghèo khó. Không cam chịu sống trong cảnh đói nghèo, hai anh em quyết tâm đi xa tìm kiếm lương thực để cuộc sống no đủ hơn. Hơn một năm sau, hai anh em trở về với bản làng và mang theo một thứ ngũ cốc ngon hơn ngô. Hai anh em hồ hởi cho biết, được “người trời” ban phát một thứ ngũ cốc, đó là những hạt lúa. Họ bắt đầu gieo những hạt lúa đó xuống đất, rồi hạt nảy mầm, ra bông, kết hạt. Từ đó dân làng được ấm no, hạnh phúc. Để ghi nhớ công lao, hằng năm trước mùa gặt vụ lúa mới (tháng 8, 9 âm lịch), người dân trong bản lại tổ chức lễ mừng lúa mới tạ ơn tổ tiên, trời đất.


Gia đình anh Sùng Văn Tây, thôn Yểng, xã Hùng Lợi (Yên Sơn)
 chuẩn bị mâm lễ trong Lễ cúng cơm mới.

Nghi thức quan trọng nhất trong Lễ mừng lúa mới của người Nùng là rước hồn lúa mới về nhà. Người Nùng quan niệm cây lúa cũng có linh hồn. Vì vậy, trước khi tổ chức Lễ mừng lúa mới, mỗi gia đình phải đi rước hồn lúa mới từ cánh đồng về nhà. Anh Sùng Văn Tây, Trưởng thôn Yểng, xã Hùng Lợi nói, thực hiện nghi thức này, vào buổi sáng sớm, người phụ nữ trong gia đình ra ruộng lúa tỉa những bông to trĩu hạt vừa chín, buộc thành những bó nhỏ phơi trước nhà. Sau đó, chọn ra những bông to nhất buộc thành hai túm treo lên vách nhà. Còn lại đem tuốt để làm cốm, nấu xôi dâng lên tổ tiên, trời đất. 

Mâm lễ dâng lên tổ tiên trong dịp này khá đơn giản. Ngoài xôi được làm từ lúa mới còn có hoa quả, thịt, cá… Anh Tây cho biết, lễ của người Nùng không cầu kỳ, quan trọng nhất vẫn là thành tâm tưởng nhớ đến tổ tiên. Tuy nhiên nhà nào cũng phải gập 5 đến 7 thuyền giấy màu đỏ. Đó là phương tiện kết nối giúp người âm “trở về” và mang theo lễ vật về thế giới bên kia. Khi mâm lễ được đặt lên, người chủ gia đình báo cáo, cảm ơn tổ tiên, trời đất đã ban cho mưa thuận, gió hòa và một vụ mùa bội thu; cầu mong mùa màng năm sau sẽ thành công hơn nữa. 

Sau khi hoàn thành lễ cúng tổ tiên, người Nùng lấy một ít thức ăn mang cho các con gia súc, gia cầm ăn trước. Điều này thể hiện lòng biết ơn tới các con vật nuôi, mong cho chúng luôn khỏe mạnh, bảo vệ gia đình, mùa màng tươi tốt.

Bà Thèn Thị Dẳm, thôn Đèo Trám, xã Tiến Bộ chia sẻ, khi đến lượt các thành viên trong gia đình dùng bữa, mỗi người uống một ngụm nước lúa non với quan niệm tương lai sẽ không bao giờ bị đói khát, con cái được no ấm, tránh được tai họa và đuổi tà ma. Một điều chú ý nữa, trong buổi lễ khi ăn cơm, người Nùng không được chan canh, ngụ ý tránh những đám ruộng sẽ có nước gây khó khăn cho việc gặt hái.

Lễ mừng lúa mới còn là dịp con cháu nhớ ơn tổ tiên, biết ơn mẹ lúa và giáo dục cho các thế hệ trẻ hiểu về truyền thống văn hóa của dân tộc.                                    

 Bài, ảnh: Hoàng Niềm


Bài viết liên quan