Trước tiên là chuẩn bị nguyên liệu. Ông Kiến tự tay trồng bầu. Cây bầu được chăm sóc cẩn thận, giàn lúc lỉu quả, quả to tròn, căng mịn.
Đến kỳ thu hoạch, quả bầu được hái xuống phơi khô, ngâm nước vôi đến khi vỏ bầu khô, mịn, chuyển sang màu vàng mỡ gà. Ông cẩn thận lựa chọn những quả bầu tròn, vỏ dày, không bị nứt để làm bầu đàn.
Quả bầu được cắt gọt khéo léo tạo hình thành bầu đàn, ông tách bỏ ruột và ngâm bầu đàn trong nước một tuần. Ngâm nước xong, ông tiếp tục dùng xơ mướp đánh nhẵn phần vỏ phía ngoài rồi mới phơi khô và bước vào công đoạn khoan đục lỗ ở bầu đàn.
Công đoạn khoan đục lỗ cần có kỹ thuật, các nhóm lỗ được chia đều xung quanh bầu đàn. Mỗi nhóm có 9 lỗ nhỏ để tạo lỗ thông hơi, thoát âm thanh.
Theo kinh nghiệm dân gian mà sau này như một công thức cho tỷ lệ bầu đàn và cần đàn là “slam căm tẩu, cẩu căn càn” (chiều rộng mặt bầu được đo bằng ba nắm tay, chiều dài cần đàn là chín nắm tay). Trong tất cả các công đoạn, việc làm cần đàn đòi hỏi phải tỉ mỉ và cẩn thận. Tất cả được làm hoàn toàn bằng thủ công, từ khâu cắt, gọt, mài dũa, đục đến lắp tai đàn… Nguyên liệu làm cần đàn phải là cây thừng mực vì nó nhẹ, bền, không bị mọt, mịn thớ.
Công đoạn tiếp theo là làm nắp đàn. Nắp đàn là một tấm gỗ nhẹ, mỏng. Ông Kiến phải chà mịn sau mới gắn keo. Theo ông Kiến, ngày nay nhờ có keo con voi nên quá trình gắn nắp đàn cũng dễ hơn, chứ ngày xưa phải vào rừng để kiếm nhựa cây rừng. Việc lấy nhựa cây không phải mùa nào cũng có bởi một năm chỉ có một mùa.
Đàn Tính mang ý nghĩa tâm linh sâu sắc, thể hiện qua cách vẽ, chạm khắc cần đàn với mũ của Phật, hoa sen, râu rồng, rồng ngậm ngọc, đường nét hoa văn họa tiết trên áo thầy Then…
Mẻ đàn hoàn thiện, sau khi thực hiện phun bóng sẽ được phơi dưới ánh nắng. Ông Kiến nói vui rằng: “Đó là cách đàn Tính hấp thu tinh hoa của đất trời để tiếng đàn khi đánh được ngân vang, bay xa hơn”.
Ông Kiến so dây, chỉnh đàn lần cuối. Bước này đòi hỏi nghệ nhân phải thông thạo nốt trầm, bổng, luyến láy… Sau cho lên dây đàn vừa cỡ giọng người hát. Ví dụ người hát giọng cao thì chỉnh dây căng lên, người hát giọng thấp hạ dây chùng xuống.
Ông Kiến thử hát Then với cây đàn Tính mới “ra lò”.
Đàn Tính theo nghệ nhân Thàm Ngọc Kiến giảng dạy cho các học trò khắp nơi trong tỉnh và ngoài tỉnh (Hà Giang, Yên Bái) và tham gia biểu diễn tiết mục hát Then phục vụ người dân.
Theo TQĐT