Tết thanh minh của người Dao Ô Gang

Dân tộc Dao Ô Gang (còn có tên gọi khác là Lồ Gang, Thanh Phán), đến Tuyên Quang khoảng cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Người Dao Ô Gang cùng với người Dao Coóc Mùn cư trú ở 6 xã của huyện Yên Sơn và Sơn Dương, nhưng chủ yếu là ở các xã: Trung Sơn, Trung Minh, Kim Quan (Yên Sơn), xã Trung Yên (Sơn Dương). Mặc dù số dân không đông, cư trú không tập trung thành từng thôn, bản như các ngành Dao Đỏ, Dao Tiền, Dao Quần Trắng…nhưng đến nay người Dao Ô Gang vẫn giữ gìn những nét văn hóa truyền thống riêng của mình, như tiếng nói, trang phục, nghi lễ tín ngưỡng, đặc biệt là các nghi lễ tết truyền thống.

 


Thầy tạo Phùng Chương Chí, xã Thổ Bình (Lâm Bình) giới thiệu bộ tranh thờ của người Dao đỏ. (Ảnh Giang Lam)

 
     Người Dao Ô Gang trong năm tổ chức ăn những tết chính như Tết cuối năm (thường tổ chức từ 15 đến 30 tháng Chạp), tết tháng Giêng (từ ngày 1 đến 15 tháng Giêng), tết Thanh minh, tết tháng Bảy… Trong những lễ tết nêu trên, đáng chú ý có tết Thanh minh, bởi nó gắn liền với tục tảo mộ. Đồng bào Dao Ô Gang ăn tết Thanh minh theo lịch âm, nhưng thường là trước ngày thanh minh (mùng 3 tháng 3), tùy từng gia đình khi chọn được ngày đẹp thì tổ chức cúng tết Thanh minh.

     Lễ cúng gồm: 12 chiếc bánh dầy, 1 con gà, 1 đĩa cá, rượu. Riêng bánh dầy phải lấy tiết gà bôi lên giấy bản rồi đặt lên bánh dầy, vì người Dao Ô Gang có tục lệ cải táng, khi cải táng sang chỗ đất mới phải xem hướng đặt mộ cải táng, khi đi chọn hướng để đặt mộ cải táng, con cháu trong gia đình mỗi người mang theo một con gà để sau khi chọn hướng xong cắt tiết gà rồi vẩy tiết ra xung quanh với ý nghĩa là khoanh lại vùng đất không cho ai xâm phạm, giao cho tổ tiên quản lý khu đất đó, nên hằng năm cứ ngày tết thanh minh trong lễ cúng đồng bào làm bánh dầy phải có tờ giấy bản có tiết gà đặt trên đó.

     Trước ngày thanh minh, con cháu phải đi sửa sang mộ (tảo mộ), sau đó thắp hương mời gọi ông bà là con cháu đến sửa sang nhà cửa (mộ), không cho ai xâm phạm đến, nếu mộ ở xa không đến sửa sang được thì phải khấn và cho tiền (tiền âm phủ) ông bà, tổ tiên tự sửa sang.

     Đồng bào Dao Ô Gang ở thôn Thâm Quang, xã Trung Sơn (Yên Sơn) ăn tết Thanh minh theo lịch âm. Trước ngày thanh minh từ một đến hai ngày thì đi tảo mộ, những mộ ở gần thì mang theo lễ ra cúng tại mộ. Khi phát, đắp đất lại mộ xong đặt mâm cúng trước cửa mộ để cúng, gia đình nào không biết tự cúng thì phải mời thầy cúng giúp. Lễ cúng gồm: 1 con gà, 4 chiếc bánh dầy, rượu, tiền, vàng. Thầy cúng khấn báo với ông bà, tổ tiên (nói rõ tên tuổi) là ngày thanh minh con cháu đến sửa sang mộ (nhà cửa của ông bà), và có lễ vật mời ông bà thụ hưởng hương đăng, quả thực…, cầu mong tổ tiên, ông bà phù hộ cho con cháu mạnh khỏe, làm ăn may mắn, có điều gì thì báo mộng để con cháu biết. Thầy cúng (hoặc người chủ gia đình tự cúng) lần lượt cúng từ mộ cụ kỵ, đến ông bà, bố mẹ, mỗi mộ phải có mâm lễ riêng, không cúng chung lễ.

     Những mộ ở xa không đi được gia đình làm lễ cúng tại nhà, cúng vào đúng ngày thanh minh. Lễ cúng gồm: 1 con gà, 4 bánh dầy, 1 chai rượu, 4 chiếc chén, 1 đĩa cá, tiền, vàng. Lễ cúng có đĩa cá, vì đồng bào quan niệm, thanh minh là ngày sáng sủa, phải có nắng, như câu ca “sình mình ỏi sinh, hầu ỏi bung”- nghĩa là thanh minh phải có nắng, cốc vũ phải mưa.

     Lời cúng đại ý là mời gia tiên, tổ đường về ăn tết thanh minh, cả tổ tiên bên nội, bên ngoại. Sau 3 lần khấn, thầy báo gia tiên, tổ đường là ngày thanh minh, con cháu sắm lễ vật: gà, bánh trái, rượu…mời gia tiên, tổ đường thụ hưởng, sau đó thầy hóa tiền vàng mã, vừa hóa thầy vừa khấn, đại ý rằng tổ tiên ở xa con cháu không có điều kiện chăm nom được nên phải chia tiền cho tổ tiên nhờ người âm sửa sang mồ mả. Nếu mộ bị xâm phạm thì tổ tiên hóa giải hộ và phù hộ cho con cháu luôn khỏe mạnh, điều xấu thì xua đi, điều lành mang đến. Hóa tiền, vàng mã xong thầy đứng dậy vẩy tay 3 lần ra phía cửa ý là tiễn gia tiên, tổ đường về nơi ở của mình.

    Đối với các ngành Dao nói chung, Dao Ô Gang nói riêng, việc tổ chức ăn  tết Thanh minh, trong đó có phần nghi lễ trung tâm là lễ cúng, đi tảo mộ (sửa sang mồ mả tổ tiên, ông bà…) là rất quan trọng, vì “thanh minh trong tiết tháng Ba” là tháng có tiết trời đẹp nhất của mùa xuân. Ngoài ý nghĩa tâm linh, việc tổ chức ăn tết Thanh minh, mà phần lễ chính là lễ cúng và tảo mộ gia tiên, ông bà còn hàm chứa ý nghĩa nhân văn sâu sắc, đó là đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, là truyền thống lễ, nghĩa hiếu tiết của con cháu, của những người còn sống với tổ tiên, ông bà, cha mẹ và với những người đã khuất.
Theo TQĐT

 


Bài viết liên quan