Chợ Thụt - Hàm Yên

Giống như phiên chợ tình Hà Giang mỗi năm có một lần thì ở Tuyên Quang cũng có một phiên chợ chỉ họp duy nhất vào ngày mùng 2/2 âm lịch đó là chợ Thụt, xã Phù Lưu (huyện Hàm Yên).

 Chợ Thụt thuộc thôn Thụt xã Phù Lưu, huyện Hàm Yên. Theo trí nhớ của người dân thì vào khoảng những năm 40 của thế kỷ trước, nơi đây từng là cảnh “trên bến dưới thuyền”, người bán, người mua nhộn nhịp. Ngày đó, thuyền bè của các lái buôn thường neo đậu ở bến. Họ đưa muối, đường, thuốc tây... từ dưới xuôi lên bán, rồi mua gom nông thổ sản của bà con trong vùng chở về xuôi nên địa danh thôn Thụt và chợ Thụt ra đời từ đó.

Một góc nhỏ tại Lễ hội Chợ Thụt - huyện Hàm Yên

Hàng năm, nhân dân trong vùng tổ chức Lễ hội chợ Thụt mang quy mô cấp xã, nhưng người dân các xã lân cận cũng đến tham gia đông đảo. Là chợ phiên, nhưng mỗi phiên cách nhau 1 năm, vào ngày mùng 2 tháng 2 âm lịch. Đến đây, ai đến trước bày hàng bán trước, ai đến sau thì bày hàng bán sau, cứ thế chủ các gian hàng xếp trật tự mà không lời qua tiếng lại tranh giành như các phiên chợ thường nhật. Người đi chợ mua lấy may mắn đầu năm nên không ai mặc cả, không ai trả giá.

Trong chợ, đồng bào địa phương bày bán các sản vật do mình làm ra. Nổi tiếng ở đây có món bánh mang hình con dê ngộ nghĩnh với 2 chiếc sừng nhỏ tí xíu, đôi mắt đen lay láy. Bánh được làm bằng bột nếp, bột tẻ và bột gấc. Muốn các con dê đều nhau, trước khi nặn phải chia bột thành từng nắm, nặn thân trước, đến chân, sừng và mắt được làm bằng hạt đỗ đen, rồi cho vào chảo mỡ rán vàng lên. Theo quan niệm xa xưa, đến chợ Thụt ăn bánh dê sẽ gặp may mắn, nhất là về tình yêu đôi lứa. Bởi thế, hàng “bánh dê” rất đắt khách, người bán không nói thách, người mua không mặc cả.

Món "bánh dê" được bày bán tại Lễ hội Chợ Thụt

Bên cạnh đó, xã Phù Lưu được coi là “thủ phủ” của cam sành Hàm Yên - Một loại quả được tổ chức kỷ lục Việt Nam chứng nhận và công bố “Top 50 trái cây đặc sản nổi tiếng nhất Việt Nam”; được xếp hạng vào “Top 10 thương hiệu - nhãn hiệu nổi tiếng Việt Nam” do Tạp chí Sở hữu Trí tuệ và Sáng tạo bình chọn và đạt danh hiệu “Thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam”, cam ở đây nước thì ngọt, mùi thì thơm. Những “núi” cam được người dân trải vàng hai bên lối đi vào chợ.

Cam sành được trải vàng hai bên lối đi vào Hội chợ

Lễ hội Chợ Thụt cũng là dịp để các thôn trong xã Phù Lưu khoe với du khách các loại đặc sản của từng vùng nơi đây. Thôn Ma Long có dưa hấu và măng khô, thôn Bưa có thịt treo gác bếp và trứng gà ri, thôn Phù Yên có đậu xanh và bí đỏ, thôn Khâu Lình có gừng núi và chanh tươi…

Nụ cười của người phụ nữ dân tộc Dao tại Chợ Thụt

Bên cạnh những mặt hàng phong phú được bày bán, chợ Thụt còn hấp dẫn du khách bởi sắc màu trên trang phục truyền thống của đồng bào các dân tộc nơi đây, tiêu biểu nhất là dân tộc Dao. Phụ nữ người Dao ở đây có nước da trắng, đôi mắt to, tròn. Những người lớn tuổi đều nhuộm răng đen và rất tự hào về bộ răng như những “hạt na” của mình. Hầu hết phụ nữ ở đây đều ăn trầu vì mặt hàng cau, vỏ, vôi (những nguyên liệu để ăn trầu) được bày bán rất nhiều. Trên đường vào chợ liên tục gặp những nụ cười lộ hàm răng đen nhánh “cười như mùa thu thỏa nắng”. Chính vì thế mà có một nhà thơ khi đến thăm chợ Thụt một lần về đã thốt lên rằng:

“Nụ cười của chị của bà
Trong hội Chợ Thụt quê nhà của tôi
Đến rồi lại chẳng muốn rời
"Mua may, bán rủi" cho đời nở hoa
Mai Chợ Thụt nếu ghé qua
Nhớ mua tự tặng cho ta nụ cười”./.

Phạm Hương

 


Bài viết liên quan