Phát huy tiềm năng
Đầu xuân mới này, các đền, chùa Tuyên Quang là điểm đến của đông đảo du khách thập phương. Tại các đền, chùa những ngày đầu xuân tấp nập từng đoàn xe của các công ty lữ hành từ Hải Dương, Hà Nội, Hải Phòng… đưa khách đến thành Tuyên du xuân vãn cảnh đền, chùa. Anh Nguyễn Văn Hải, đến từ thành phố Hải Dương, tỉnh Hải Dương cho biết, năm nào anh cũng về Tuyên Quang lễ bái các đền chùa đầu xuân, cầu một năm may mắn, làm ăn tấn tới. Sức hấp dẫn của du lịch tâm linh xứ Tuyên là hệ thống đền thờ Mẫu hình thành các tour, tuyến gắn kết với các loại hình du lịch khác như lễ hội, sinh thái, nghỉ dưỡng.
Hoạt động du lịch tâm linh chủ yếu phát triển mạnh ở thành phố với hệ thống đền thờ Mẫu. Trên địa bàn thành phố Tuyên Quang và vùng phụ cận có tới 30 điểm di tích tâm linh, trong đó có tới 14 đền thời Mẫu. Mỗi huyện đều có các điểm di tích tâm linh nhưng việc phát triển du lịch tâm linh ở các di tích này chưa mạnh. Thành phố Tuyên Quang tập trung nhiều điểm du lịch tâm linh nổi tiếng như đền Hạ, đền Kiếp Bạc, đền Ỷ La, đền Thượng, đền Cấm… trở thành khu du lịch tâm linh có sức thu hút du khách. Ở các huyện nổi bật là đền Minh Lương ở Yên Sơn; đền Bắc Mục, đền Thác Cái ở Hàm Yên, đền Bách Thần ở Chiêm Hóa, đền Pác Tạ, đền Pác Vãng ở Na Hang.
Phật tử và du khách thập phương trảy hội Chùa Hang. Ảnh: Hoàng Minh
Nhiều tuyến du lịch tâm linh đã hình thành ở Tuyên Quang như tuyến du lịch tâm linh thờ Mẫu ở thành phố Tuyên Quang bắt đầu từ đền Trình đi đền Hạ đến đền Thượng, đền Cấm, đền Cảnh Xanh, đền Mỏ Than và đi các tuyến ngoài thành phố. Ngoài ra còn các tuyến như tuyến du lịch tâm linh lên Chiêm Hóa - Na Hang, từ thành phố đi đền Minh Lương (Yên Sơn) đến đền Bách Thần (Chiêm Hóa), đền Pác Tạ (Na Hang); tuyến du lịch tâm linh từ các đền ở thành phố đi đền Minh Lương lên đền Bắc Mục, đền Thác Cái, đền Thác Con (Hàm Yên).
Hiện tỉnh có nhiều di tích cổ như chùa Phật Lâm (Yên Sơn) với niên đại được xác định vào đầu thời Trần; một số di tích có niên đại từ thế kỷ XVI, XVII như chùa Hương Nghiêm (TP Tuyên Quang), đền Minh Cầm (Yên Sơn); nhiều di tích được xây dựng vào thế kỷ 18 như chùa An Vinh, đền Thượng, đền Hạ, đình Song Lĩnh (TP Tuyên Quang), đình làng Giếng Tanh (Yên Sơn)… trở thành điểm đến hấp dẫn du khách. Cùng với việc quan tâm trùng tu, cải tạo các di tích, tỉnh phát triển đồng bộ hệ thống cơ sở lưu trú và ẩm thực tạo điều kiện tốt nhất cho du khách đến Tuyên Quang thăm thú, du xuân vãn cảnh. Hiện toàn tỉnh có 288 cơ sở lưu trú với 2.946 phòng, 4.116 giường, trong đó có 37 khách sạn 1-2 sao và 1 khách sạn 4 sao, nổi bật là khách sạn Mường Thanh Grand Tuyên Quang, Lavender, Royal Palace, Mai Sơn. Toàn tỉnh hiện có trên 200 nhà hàng ẩm thực có quy mô lớn đáp ứng nhu cầu của du khách.
Định hướng phát triển
Tiến sỹ Trần Hữu Sơn, Viện Nghiên cứu Văn hóa dân gian ứng dụng, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam khẳng định, Tuyên Quang có nhiều tiềm năng và lợi thế trong phát triển du lịch tâm linh, bởi từ lâu tỉnh đã là điểm đến của nhiều du khách thập phương đến chiêm bái và tham quan cảnh đền chùa. Cùng với đó là các lễ hội đi vào đời sống văn hóa tinh thần của người dân trong tỉnh và cả du khách ngoài tỉnh. Hiện Viện Nghiên cứu Văn hóa dân gian ứng dụng đang phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tuyên Quang xây dựng Đề án Phát triển du lịch tâm linh trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang. Từ đó tham vấn cho tỉnh có định hướng và giải pháp phát triển du lịch tâm linh trong thời gian tới, như định hướng phát triển sản phẩm du lịch; sắp xếp, tổ chức lại các Ban Quản lý di tích; xúc tiến, quảng bá, “thổi hồn” vào di tích; cơ chế chính sách; đầu tư phát triển du lịch; liên kết phát triển du lịch tâm linh…
Viện Nghiên cứu văn hóa dân gian ứng dụng đã tiến hành đánh giá du khách đến Tuyên Quang vào dịp đầu xuân năm mới, lễ hội chủ yếu từ Hà Nội và các tỉnh Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Phú Thọ, Nam Định, Hải Dương… Đa phần là khách đi theo bản hội, khách vãng lai, lữ hành, địa phương, còn lại khách quốc tế rất ít, vào ngày hội chỉ có một vài doanh nghiệp đưa khách quốc tế lên Tuyên Quang. Đây cũng là vấn đề đặt ra cho du lịch tâm linh của tỉnh bởi khi thu hút được khách du lịch quốc tế sẽ giúp nguồn thu về du lịch tăng mạnh. Chính vì vậy, Viện nghiên cứu văn hóa dân gian ứng dụng đang cùng với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng các phương án phát triển, trong đó dự báo mức tăng trưởng của du lịch tâm linh tỉnh được tính toán và nghiên cứu cụ thể. Từ đó phấn đấu đạt các chỉ tiêu như tổng nguồn thu từ khách du lịch như năm 2019 tăng 12 - 15%, năm 2020 tăng 48 - 55%, năm 2025 tăng 35 - 40%.
Xu thế du lịch tâm linh sẽ tiếp tục được phát triển bởi ngoài giá trị tâm linh, sản phẩm du lịch tâm linh còn lưu giữ, bảo tồn văn hóa truyền thống. Yếu tố văn hóa kết hợp tâm linh tạo nên sức hấp dẫn cho du khách tìm hiểu, khám phá. Trong thời gian tới, nhằm phát huy tối đa thế mạnh loại hình du lịch này, tỉnh tiếp tục tăng cường công tác quảng bá, giới thiệu về các địa điểm tâm linh tiêu biểu đến với du khách trong và ngoài nước. Ngoài ra sẽ tiếp tục hỗ trợ, đầu tư, tôn tạo các di tích, đáp ứng nhu cầu tham quan của du khách.
Theo TQĐT