Đàn Tính trong văn hóa Tày

Nói đến Then thì không thể không nhắc tới cây đàn Tính tẩu. Người ta thường nói: “Không có đàn Tính thì hát Then không thể ngân vang, lời ca không thể dịu ngọt, tha thiết…”!

Theo truyền thuyết, đàn Tính do chàng trai chưa vợ tên Xiên Cân (nghìn cân) làm ra. Tài chơi đàn Tính của Xiên Cân không ai sánh nổi, từ đấy Xiên Cân có người yêu. Vì quá hay, nhiều người nghe tiếng đàn của Xiên Cân đều bị quyến rũ quên hết sự đời. Muôn vật nghe tiếng đàn đều ngẩn ngơ, mê muội bèn tấu cáo lên Ngọc Hoàng. Ngọc Hoàng sai thiên lôi xuống tìm hiểu sự tình mới biết nguyên cớ của mọi sự mê muội ở trần thế chỉ vì tiếng đàn 12 dây của Xiên Cân. Ngọc Hoàng phán xử, buộc Xiên Cân phải cắt bỏ 9 dây, còn lại 3 dây. Vì vậy, mà đàn Tính ngày nay có từ 2-3 dây.

Đàn Tính giữ một vai trò quan trọng đối với thực hành nghi lễ Then- Trong ảnh: Một tiết mục văn nghệ trong Liên hoan nghệ thuật hét Then - đàn Tính huyện Na Hang năm 2019. Ảnh: Quốc Việt

Từ truyền thuyết kể trên có thể thấy cây đàn Tính có từ rất lâu gắn liền với sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng và phát triển theo sự tiến bộ của cộng đồng dân tộc Tày. Ngày nay, đàn Tính được làm từ ba loại vật liệu gồm: quả bầu khô (cắt tiện thật khéo gắn lên mặt cắt một mảnh ván mỏng), cần đàn bằng gỗ cây dâu hay thừng mực, vuốt thon để một mặt phẳng và nối qua bầu đàn, trên ngọn cần có thể khắc hình long phượng, chim, thú; dây đàn được làm từ tơ tằm. Thêm ba núm chốt ngang qua khe máng đầu cần để mắc dây đàn và "con ngựa" trên mặt hộp, con ngựa có 3 khía đặt đỡ ba dây... Đàn Tính được làm theo tỉ lệ, kích thước "Song căm tẩu, cẩu căm cản" (hai nắm bầu, chín nắm cần). Tiếng Tày, "tẩu" là bầu đàn, "song căm" là đường kính hộp đàn bằng hai nắm tay, tương đương 18cm, cần đàn "cản đàn" cả phần thân cắm trong hộp đàn dài "cẩu căm" (chín nắm tay) tương đương 81 cm, còn lại là ngọn cần khoảng 20cm để làm máng chốt dây và trang trí. Kích cỡ trên được đúc kết từ lâu đời trong quá trình sáng chế cây đàn tính dân tộc Tày.

Về lý thuyết là vậy nhưng thực tế, việc chế tác đàn Tính đòi hỏi người thợ phải kiên trì, có đôi bàn tay khéo và hiểu biết về đàn Tính, quan trọng nhất phải tìm được bầu đàn tốt. Có một điều đặc biệt là người làm nhạc cụ không chỉ là một người thợ thông thường mà còn phải là nghệ sĩ để họ có thể nghe được âm thanh, thử dây, chỉnh đàn, mới tạo ra được một nhạc cụ hoàn chỉnh.

Đàn Tính giữ một vai trò quan trọng đối với thực hành nghi lễ Then, vừa dẫn dắt, vừa là đệm, nhưng cũng đóng vai trò như một giọng hát thứ hai cùng với giọng của nghệ sĩ diễn xướng. Tiếng đàn hòa nhịp cùng chùm sóc, quả nhạc khiến lời then mượt mà, tha thiết, chan chứa… và mãi mãi ngân vang.

Ngày nay, hầu hết các hoạt động văn hóa của người Tày như: cưới xin, mừng thọ, liên hoan văn nghệ… đều có sự xuất hiện của cây đàn Tính.

Theo TQĐT


Bài viết liên quan