Tự hào “Made in Tuyên Quang”

Chế biến, đóng bao bì sản phẩm, có tem nhãn, thương hiệu và địa chỉ sản xuất rõ ràng... những nông sản địa phương, từ khi Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được bắt đầu, đã khoác lên mình một chiếc áo mới. Và những người nông dân, tự hào giới thiệu với người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh những sản phẩm “Made in Tuyên Quang”, “Made by... nông dân”.

Chia sẻ ngọt bùi quê hương...

Trường Sinh (Sơn Dương) có hơn 30 ha đất trồng lạc. Lợi thế ven sông, diện tích đất soi bãi tương đối bằng phẳng và màu mỡ, người nông dân cần cù chịu khó đã biến cây lạc trở thành một trong những cây trồng chủ lực của mảnh đất này.

Sau một thời gian dài người nông dân loay hoay tự nhân giống lạc, và tìm kiếm đầu ra cho lạc thương phẩm, Hợp tác xã Nông lâm nghiệp Trường Sinh tập trung nhân lực, tìm lời giải cho bài toán này. Năm 2018, bắt tay xây dựng mô hình cánh đồng lớn, những thành viên trong Hợp tác xã Nông lâm nghiệp Trường Sinh chỉ nghĩ đơn giản, có một diện tích đủ rộng để gieo trồng lạc tập trung. Toàn bộ sản phẩm sẽ được hợp tác xã đứng ra thu mua. Phó Chủ tịch UBND xã Trường Sinh Hoàng Vĩnh Ly cho biết, năm 2019, khi Trường Sinh đăng ký về đích nông thôn mới, sản phẩm thế mạnh mà xã lựa chọn đăng ký Mỗi xã một sản phẩm là lạc tươi.

Giám đốc Hợp tác xã Nông lâm nghiệp Trường Sinh (Sơn Dương) (bên trái ảnh)
và sản phẩm Dầu lạc Trường Thịnh.

Thế nhưng, câu chuyện đã xoay chuyển, khi một số thành viên của Hợp tác xã Nông lâm nghiệp Trường Sinh đi tham quan, học hỏi tại Bắc Giang và nắm bắt được quy trình chế biến dầu lạc từ chính những hạt lạc ngọt bùi mà đất quê hương trồng được. Giám đốc Hợp tác xã Nông lâm nghiệp Trường Sinh Đặng Xuân Giang cười ví von, chuyến đi ấy đúng chất là “đi một ngày đàng...”. Trở về quê, các thành viên bắt tay vào hoạch định lại kế hoạch phát triển cho hợp tác xã, trong đó, thay vì chỉ tập trung vào trồng, thu mua và xuất bán ra thị trường sản phẩm lạc tươi, họ góp thêm tiền, đầu tư mua máy móc dây chuyền để chế biến dầu lạc.

Lạc tươi mua về được bóc tách vỏ, rang chín tới cho thơm, rồi ép, lắng để lấy dầu. Dầu lạc Trường Thịnh có màu vàng mơ, thơm bùi và rất được lòng người tiêu dùng trong và ngoài xã. Tiếng lành đồn xa, người dân từ các xã lân cận của Vĩnh Phúc, Phú Thọ, rồi khu vực thành phố Tuyên Quang cũng đến đặt hàng. Ông Giang bảo, chỉ trong 2 tháng cuối năm, trung bình mỗi tháng, Hợp tác xã xuất bán ra thị trường gần 500 lít dầu lạc, giá bán bình quân 130 nghìn đồng/lít. Có nguồn hỗ trợ từ Chương trình xây dựng nông thôn mới, Hợp tác xã Trường Sinh đăng ký độc quyền nhãn hiệu sản phẩm Dầu lạc Trường Thịnh, sản phẩm có tem truy xuất nguồn gốc, được chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm. Niềm vui bất ngờ, cuối năm 2020, khi tỉnh tổ chức lựa chọn và chấm sao cho các sản phẩm nông sản địa phương, dầu lạc Trường Thịnh được chấm 4 sao.

Thế nhưng, điều tự hào nhất với những người nông dân ở Trường Sinh lại ở chỗ khác. Ông Dương Văn Thế, thôn Phú Thọ 1, thành viên Hợp tác xã Trường Sinh bảo, cái tên thôn Phú Thọ 1, xã Trường Sinh, Sơn Dương được ghi rõ ràng trên bao bì sản phẩm, để mảnh đất này hòa vào với biết bao nhiêu sản phẩm đã được đóng gói, được bảo hộ nhãn hiệu bày bán trên thị trường.

Những sản phẩm như Dầu lạc Trường Thịnh giờ không còn hiếm thị trường. Chương trình OCOP đã tạo ra rất nhiều những sản phẩm được chế biến, đóng gói và định danh địa phương ngay trên bao bì, nhãn mác.

Đến thời điểm này, chàng thanh niên dân tộc Tày Hoàng Văn Núi, Giám đốc Hợp tác xã Nông lâm nghiệp Thượng Nông (Na Hang) đã từng bước hoàn thành giấc mơ của mình và giấc mơ của bao người dân quê anh, khi sản phẩm gạo nếp khẩu pái, khẩu láng đặc sản quê hương được đóng gói bao bì đến tay người tiêu dùng. Núi bảo, Thượng Nông có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là trồng lúa, như đất đai màu mỡ, quanh năm được tắm mát bởi dòng suối Nặm Lòn bắt nguồn từ những cánh rừng nguyên sinh đổ ra. Gạo nếp khẩu pái, khẩu láng quê anh có đặc trưng hạt tròn, mẩy, trong ngần và được mệnh danh là hạt gạo nếp thơm ngon nhất của vùng cao Na Hang. Nhưng lâu nay, chỉ người dân Na Hang biết đến thương hiệu này.

Khi đóng gói sản phẩm, tên đất Thượng Nông được in rõ ràng trên bao bì, Núi tự hào lắm. Anh bảo, những ngày Tết vừa rồi, khi sản phẩm đưa đi tham gia Hội chợ OCOP Tuyên Quang, sự đặc biệt, thơm ngon đậm đà của xôi nếp Thượng Nông đã tìm được điểm tựa, để có cơ hội đi xa hơn, chinh phục nhiều người tiêu dùng hơn.

Và những giấc mơ xuyên biên giới

OCOP đã thắp lên giấc mơ cho biết bao người nông dân và cũng thắp lên ngọn lửa khởi nghiệp cho bao người đam mê với ngành nông nghiệp tỉnh nhà.  

Chị Trần Hồng Phú (bên trái ảnh) giới thiệu tác dụng của trà tía tô cho người tiêu dùng.    

Ở tuổi U60, chị Trần Hồng Phú, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ thương mại tổng hợp Mai Kỳ Thành được tiếp lửa từ chính Chương trình Mỗi xã một sản phẩm và góp sức mình, khi trực tiếp tham gia vào sản xuất các sản phẩm có nguồn gốc hoàn toàn tự nhiên, như sản phẩm Trà tía tô.

Vốn là người làm nông nghiệp sạch, chị Phú thích nghiên cứu, tìm hiểu những điều liên quan đến sản xuất sạch. Ngay cả điều trị những bệnh thông thường, chị cũng hay mày mò tìm đọc và áp dụng những cách điều trị đông y để giảm bớt sự phụ thuộc vào thuốc Tây. Có lần, vô tình đọc được câu chuyện về Thần y Hoa Đà với câu chuyện về lá tía tô chữa được bệnh đau bụng cho rái cá, chị để tâm tìm hiểu tác dụng của lá tía tô. Chị Phú cười, lâu nay mình nghĩ tía tô chỉ giống như một loại rau thơm, chứ không nghĩ nó có hoạt chất kháng khuẩn và kháng vi-rút, là một loại thuốc tự nhiên hỗ trợ điều trị hiệu quả chứng cảm lạnh, cảm cúm, nhiễm trùng đường hô hấp, ho, sốt... Bắt tay vào nghiên cứu, điều chế, sản xuất đúng thời điểm đại dịch Covid-19 bùng phát trở lại và ra mắt người tiêu dùng đúng dịp khai mạc Hội chợ OCOP Tuyên Quang, không chỉ thu hút khách hàng trong và ngoài tỉnh, nhiều khách hàng từ Đức, Anh, Nhật Bản... cũng đánh giá rất cao sản phẩm trà tía tô túi lọc của đơn vị. Sản phẩm trà tía tô túi lọc của đơn vị hiện đang được bày bán tại nhiều cửa hàng, hiệu thuốc ở Tuyên Quang và Hà Nội, Hà Giang, Cao Bằng, Hải Phòng, Thái Nguyên. Hiện, Công ty đang làm việc với một số xã, thị trấn của thành phố Tuyên Quang, Hàm Yên, Yên Sơn để hình thành vùng nguyên liệu, cung cấp nguyên liệu sạch, đảm bảo chất lượng để sản xuất về lâu dài.  

Giám đốc U60 Trần Hồng Phú cười tươi khi được hỏi về dự định tương lai. Chị bảo, mình có nhiều dự định lắm, nhưng mục tiêu là khôi phục những sản phẩm đặc sản quê nhà. Vừa rồi, chị đã sản xuất thành công và bắt đầu chinh phục thị trường một số sản phẩm nến thơm chiết xuất từ bồ kết, sáp ong, hạt mùi; nước rửa tay chiết xuất từ lá trầu không... Câu chuyện của chị Phú hiện giờ chỉ là tung sản phẩm ra thị trường vào thời điểm nào để sản phẩm tâm huyết nhận được hiệu ứng tốt nhất từ người tiêu dùng. Và, không giấu giếm, chị bảo, mục tiêu của mình là chinh phục thị trường ngoài nước, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh hoành hành như hiện nay, để người tiêu dùng khắp thế giới biết đến những sản phẩm tự nhiên, an và lành đến từ Việt Nam.

Khắp các địa phương, giờ những nông sản được chế biến thành sản phẩm chất lượng, như những hộp trà Shan đặc trưng núi rừng, những túi gạo nếp, chuối tây, mít sấy dẻo, sấy giòn; những chai dầu ăn nguyên chất từ nguyên liệu địa phương, những hộp trà đậu đen túi lọc, trà tía tô túi lọc… được dán tem truy xuất nguồn gốc và tự hào đính lên dòng chữ “Sản xuất tại Tuyên Quang” đã làm bừng lên niềm tin, niềm hy vọng cho biết bao người nông dân xứ Tuyên. Như những giám đốc nông dân tự tin chia sẻ, mình có chất lượng sản phẩm nên mình không sợ gì hết, chỉ sợ không đủ sức theo nghề thôi!

Theo baotuyenquang.com.vn


Bài viết liên quan