Mãn nhãn với nghi lễ nhảy lửa của người Pà Thẻn ở Lâm Bình

Với sự huyền bí, linh thiêng và đầy tính nhân văn sâu sắc, nghi lễ nhảy lửa của người Pà Thẻn, thôn Thượng Minh, xã Hồng Quang (Lâm Bình) đã và đang được nhiều du khách tìm hiểu, khám phá. Và đến Lâm Bình vào kỳ nghỉ lễ 30-4 và 1-5 này, bạn đừng quên thưởng thức lễ hội độc đáo, riêng có bắt đầu từ 19h30 ngày 2-5 tại thôn Thượng Minh, xã Hồng Quang nhé.

Nghi lễ nhảy lửa ở thôn Thượng Minh, xã Hồng Quang, Lâm Bình. Ảnh: Quang Hòa


Lễ hội nhảy lửa của người Pà Thẻn có lịch sử lâu đời, được truyền lại qua nhiều thế hệ; thể hiện những yếu tố văn hóa, tín ngưỡng nguyên thủy sơ khai, niềm tin vào thế giới thần linh và những thế lực siêu nhiên.

Thông lệ, hàng năm từ ngày 16-10 âm lịch tới hết 15-1 âm lịch năm sau, các thầy cúng trong bản sẽ mở hội lễ nhảy lửa (cầu lửa) để chiêu mộ học trò, truyền nghề thầy cúng. Lễ hội còn nhằm mục đích tạ ơn các thần linh sau một năm đã phù hộ cho dân bản có một năm mùa màng tốt tươi, người dân trong bản khỏe mạnh, sống đoàn kết, gắn bó.

Nghi lễ được tổ chức ở một khoảng sân chung rộng ở thôn và chia làm hai phần, cúng trước khi mặt trời lặn diễn ra khoảng 3-4 tiếng và nhảy lửa sau khi trời tối diễn ra trong khoảng 1 tiếng.

Phần đầu là phần thầy cúng gọi mời thần và "âm binh" tới tham gia lễ và nhập vào các học trò. Thầy ngồi trên một chiếc ghế dài để cúng thần linh. Gõ hai vật bằng sắt, phát ra những âm thanh gấp gáp liên tục từ năm đến bảy giờ đồng hồ như vậy. Trước mỗi buổi lễ, thầy mo phải cúng thần linh, để cho phép người Pà Thẻn có được sức mạnh phi thường để nhảy vào đống lửa.

Thông thường, việc cúng phải bắt đầu trước lễ nhảy lửa khoảng bốn giờ đồng hồ. Ðống lửa sẽ giúp mang lại sự ấp áp, mừng cho một vụ thu hoạch hoa màu vừa kết thúc và cầu thần linh phù hộ cho an khang thịnh vượng cũng như xua đuổi tà ma, bệnh tật

Phần hai là nghi lễ nhảy lửa diễn ra từ khi mặt trời lặn, lúc này một đống lửa to đã được đốt sẵn cháy thành than đỏ rực ngay gần đó. Những người tham gia nhảy lửa sẽ thay nhau nhảy vào đống than hồng đó, dùng cả tay và chân trần để phá cho tới khi tàn lửa. Khi nhảy họ nhắm mắt và như được thần dẫn đi nên bản thân họ không biết là đang lao vào đống lửa. Vì thế, sau khi nhảy vào lửa chân tay họ không hề bị bỏng, đau đớn hay trầy xước.

. Sau khi đống lửa tàn, thầy cúng chiêu mộ các học trò về lại hàng chiếu phía sau để kết thúc lễ. Họ cảm ơn các vị thần đã tới dự lễ chung vui cùng dân làng, cầu mong các vị thần phù hộ cho dân làng được ấm no, mạnh khỏe, hẹn lần nhảy lửa sau sẽ lại mời các thần xuống tham gia.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đưa lễ hội này vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia từ năm 2012 nhằm bảo tồn và phát huy một lễ hội độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa và thu hút được đông đảo cộng đồng tham gia.

Theo baotuyenquang.com.vn


Bài viết liên quan