Nồi cháo ỉm của người Sán Dìu

Vừa rồi tôi có dịp đi dự đám cưới con một người bạn ở xã Thiện Kế (Sơn Dương), thật ngạc nhiên khi trong mâm cỗ thịnh soạn lại có mỗi người một bát cháo loãng. Lân la hỏi chuyện mới biết việc ăn cháo loãng hay gọi là “cháo ỉm” là nét văn hóa ẩm thực lâu đời của dân tộc Sán Dìu. Nếu món “súp” là món khai vị của người Kinh, thì cháo loãng lại là món “khóa đuôi” của người dân nơi đây. Cháo như là món canh hay là thức uống giải rượu của dân tộc Sán Dìu.

Các thiếu nữ dân tộc Sán Dìu sẽ được các bà, mẹ truyền cho bí quyết nấu cháo ỉm ngon.

Các xã Sơn Nam, Ninh Lai, Thiện Kế (Sơn Dương) nằm nép mình dưới chân dãy Tam Đảo hùng vĩ là nơi cư trú tập trung của người Sán Dìu Tuyên Quang. Bà Hoàng Thị Lương, thôn Văn Sòng, xã Thiện Kế cho biết, từ nhỏ đến giờ ngày nào nhà bà cũng nấu cháo và ăn cháo. Người phụ nữ Sán Dìu dậy từ rất sớm lấy thóc trong bồ cho vào cối giã, sàng sẩy xong để nấu cháo luôn mới ngon. Cháo nấu hơi loãng, khi sôi cho nhỏ lửa, vần quanh bếp. Lúc cháo ăn được người ta cho thêm mấy hạt muối, tạo độ đặm vừa khẩu vị.

Theo bà Lương, món cháo có ở nhiều dân tộc, họ có thể ăn cháo lòng, cháo hành, cháo thịt băm, cháo chim bồ câu, cháo đỗ xanh, song không phải là món ăn thường xuyên. Đối với người Sán Dìu, người ta thích nồi cháo ỉm chỉ rắc vài hạt muối và là món ăn yêu thích hàng ngày. Đây là gu ẩm thực độc đáo mà không dân tộc nào có, không lẫn vào đâu được.

Cháo ỉm của dân tộc Sán Dìu hơi loãng, chỉ cần nấu không và cho thêm ít muối ăn.

Tại các xứ đồng của xã Sơn Nam nông dân đang tập trung ra đồng chăm sóc cây trồng vụ xuân. Trong lúc nghỉ giải lao từng tốp người ngồi quây quần dưới bóng cây mát thưởng thức món cháo loãng mang đi theo. Anh Trần Ngọc Quang, thôn Tân Bình cầm chiếc bình tông dốc ngược, tu vài ngụm tủm tỉm cười cho rằng, đây là thứ nước giải khát tuyệt vời nhất của người Sán Dìu. Nước cháo loãng được người đi làm đồng chắt mang theo, còn cháo đặc ở nhà, người già, trẻ nhỏ lúc nào đói có thể vào ăn. Uống nước cháo loãng pha muối chống đói bụng, cồn cào ruột gan, giải cảm, cân bằng điện giải. Lúc trời nắng đổ mồ hôi nhiều, vài ngụm cháo loãng giúp người lao động vơi đi mệt nhọc. Không biết có phải do uống cháo loãng thường xuyên mà người trong gia đình anh Quang ít ai bị đau dạ dày hay bị đường ruột.

Ngày nay xã hội ngày càng hiện đại, nhà nhà dùng bếp ga, bếp điện từ trong nấu ăn, sinh hoạt. Các thức ăn nhanh như bún, miến, mỳ tôm được sử dụng nhiều. Tuy nhiên, người Sán Dìu huyện Sơn Dương vẫn giữ thói quen dùng bếp củi truyền thống để nấu cháo ỉm, nồi cháo âm ỉ nóng cả ngày. Trong bữa ăn chính ngoài món canh, các gia đình thường có thêm tô cháo loãng. Ăn xong cơm, uống nước canh, người Sán Dìu lại húp thêm mấy thìa cháo.

Anh Đỗ Văn Thắng, xã Ninh Lai đi làm tại Khu công nghiệp Bình Xuyên (Vĩnh Phúc) nhưng vẫn nhớ da diết nồi cháo loãng của các bà, mẹ, chị hàng ngày nấu. Khi về khu nhà trọ, anh vẫn có thói quen nấu một nồi cháo loãng để dùng. Bởi cháo ỉm đã ngấm vào “đường gân, thớ thịt” người Sán Dìu. Không có cháo, cũng như các cụ không có ấm chè hàng ngày, nó nhạt mồm nhạt miệng làm sao. Đúng là nồi cháo quê hương, nó có sức mạnh trường tồn với thời gian. Đây có thể nói là nét văn hóa đặc sắc nhất trong văn hóa ẩm thực của đồng bào Sán Dìu nói chung và người Sán Dìu xứ Tuyên nói riêng.

Theo baotuyenquang.com.vn


Bài viết liên quan