Tuyên Quang: Loại chè cổ thụ quý giá càng mọc trên cao càng ngon

Vừa qua, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã ký quyết định chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý đối với sản phẩm chè Shan tuyết Na Hang.

Loại cây trồng này đã và đang khẳng định được thương hiệu trên thị trường, trở thành một trong những cây trồng xóa đói, giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân nơi đây.

Điểm độc đáo của chè Shan tuyết

Khác với nhiều loại trà khác, trà Shan tuyết được sao chế từ những búp lá non tơ (thường là “một tôm hai lá”) của những cây trà tuyết cổ thụ, thậm chí có cây lên đến hàng trăm năm tuổi. Cây có tên khoa học là: Camellia sinensis var.assamica, thuộc họ Chè: Theaceae (1).

Đặc biệt, loại trà này chỉ thích hợp với những vùng núi cao và chỉ những cây mọc ở độ cao từ 800m trở lên thì mới cho ra trà ngon! Với trà Shan tuyết, cây mọc ở vị trí càng cao, khí hậu càng lạnh thì tinh chất tích lũy càng nhiều và hương vị càng ngon.

Để tổng kết về đặc trưng của trà Shan tuyết, người ta thường gói gọn trong hai cụm từ, đó là “năm cực” và “sáu không”.

– “Năm cực” ở đây là: cực hiếm, cực sạch (vì mọc trên cây cao), cực đẹp, cực ngon và cực khổ (vì công đoạn hái trà Shan tuyết rất cực, phải trèo lên cây cao để hái những búp lá non nhất).

– “Sáu không” ở đây là: không bón phân dưỡng, không dùng thuốc trừ sâu, không dùng thuốc kích thích sinh trưởng, không ép cây lấy năng suất, không chặt đốn và không cần tưới nước (cây lấy nguồn nước từ tự nhiên).

Có thể nói, trà Shan tuyết là loại trà được trời nuôi dưỡng, hấp thụ cái chất sạch của đất trời và là tinh hoa của vùng Tây Bắc.

Nâng tầm chè Shan tuyết 

Hiện, trên địa bàn huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang có 1.146ha diện tích chè Shan tuyết, tập trung ở các xã Sinh Long, Hồng Thái, Khau Tinh, Thượng Nông, Thượng Giáp, Sơn Phú. Toàn bộ diện tích chè Shan được trồng theo Chương trình 327 và Dự án 661 của huyện đều đã cho thu hoạch.

Do đó, ngoài việc khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư trồng chè đặc sản, huyện Na Hang còn tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân đầu tư xưởng chế biến, thu mua chè búp tươi cho người dân. Huyện đã triển khai, sử dụng các nguồn vốn từ các chương trình, dự án để phát triển, khuyến khích nâng cao hiệu quả từ sản xuất, chế biến và nâng cao chất lượng sản phẩm chè.
 


Người dân thôn Phia Chang, xã Sơn Phú (Na Hang, Tuyên Quang) thu hoạch chè Shan tuyết. Ảnh: Quốc Việt


Hiện nay chính sách phát triển cây chè đặc sản trên địa bàn huyện đã được quan tâm nhiều hơn, khuyến khích nhân dân tham gia trồng, chế biến sản phẩm chè theo đúng quy trình kỹ thuật, nâng cao hiệu quả, thu nhập cho hộ gia đình.

Ông Tô Viết Hiệp - Chủ tịch UBND huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang cho biết, việc sản phẩm chè Shan tuyết Na Hang được đón nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý sẽ là tiền đề cho việc phát triển bền vững sản phẩm nông nghiệp chủ lực của địa phương. Để ngày càng nâng cao chất lượng chè Shan tuyết hơn nữa, thời gian tới, UBND huyện Na Hang sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp trong và ngoài huyện tham gia hỗ trợ đầu tư và liên kết sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, tạo dựng được mô hình doanh nghiệp xuất khẩu chè gắn với người trồng chè, lợi nhuận của doanh nghiệp gắn với lợi ích người trồng chè.


Theo danviet.vn


Bài viết liên quan