Thương hiệu Lễ hội Thành Tuyên

Nhắc tới Tuyên Quang người ta thường nhớ ngay đến Lễ hội Thành Tuyên độc đáo và lớn nhất cả nước. Lễ hội được khởi nguồn từ tình yêu con trẻ vào dịp Trung thu hàng năm, thế rồi từ thực tiễn, Lễ hội Thành Tuyên đã được nâng lên quy mô cấp tỉnh, tiến tới xây dựng thương hiệu quốc gia. Lễ hội Thành Tuyên đã thực sự trở thành nét văn hóa đặc sắc, sản phẩm du lịch độc đáo, niềm tự hào của mỗi người dân Tuyên Quang.

Nét văn hóa đặc sắc

Khác với nhiều lễ hội, Lễ hội Thành Tuyên độc đáo, đặc sắc ở chỗ kéo dài trong cả tháng trời, do người dân tự tổ chức. Bà con ở các tổ dân phố khá bận rộn với việc làm mô hình; họp bàn đóng góp kinh phí và cắt cử “nghệ nhân” làm mô hình... Nhà nào nhà nấy đều đầy ắp tinh thần trách nhiệm với công việc chung. 

Mô hình đèn Trung thu tại Lễ hội Thành Tuyên năm 2022. Ảnh: Quang Lê.


Bằng những chất liệu sẵn có như tre, nứa, giấy, decal... dưới đôi tay tài hoa của người dân, các mô hình được khéo léo biến hóa, kỳ công sáng tạo trở nên sống động, hấp dẫn lạ kỳ. Con rồng biết phun mưa, thể hiện những cử chỉ hết sức thân thiện như gật đầu, vẫy đuôi, chớp chớp mắt khiến người xem như bị mê hoặc. Rồi những con chim bay nhảy; cô Tấm chui ra từ quả thị, chiếc cọn nước quay vòng... 

Khi mô hình đã hoàn thiện, vào mỗi tối, người dân ở các tổ dân phố cùng nhau diễn diễu các mô hình. Mô hình nào cũng lung linh, rực rỡ và mang một thông điệp riêng để trẻ em ghi nhớ mãi trong ký ức tuổi thơ. Tham gia diễn diễu các mô hình còn có cả người cao tuổi, nam thanh nữ tú. Họ hóa trang thành những nhân vật hết sức ngộ nghĩnh như chú Tễu, thằng Bờm, chú Cuội, rồi rộn ràng cùng nhau nhảy dân vũ, rất sống động.

Đêm hội Thành Tuyên “biển người” đổ về các tuyến phố. Du khách ở khắp mọi miền trong nước, du khách nước ngoài cũng kết nối tour về đây trải nghiệm. Lễ hội Thành Tuyên thực sự trở thành điểm nhấn đậm nét trong hành trình du lịch khám phá xứ Tuyên.

Sức sống của lễ hội

Là một hoạt động khởi phát của một số hộ dân trên địa bàn phường Tân Quang từ năm 2004, sau 4 năm hoạt động này được nâng lên thành Lễ hội cấp thành phố. Và 6 năm sau trở thành lễ hội có quy mô cấp tỉnh. Đến nay, sau 18 mùa lễ hội sôi động, ấn tượng trong lòng nhân dân và du khách thập phương, Lễ hội Thành Tuyên đã có thương hiệu nổi trội, không ngừng phát triển. Lễ hội đã được Sách kỷ lục Guiness Việt Nam xác lập là “Đêm hội có nhiều mô hình đèn Trung thu độc đáo và lớn nhất Việt Nam”, “Mâm cỗ Trung thu lớn nhất Việt Nam”, “Cặp đèn lồng lớn nhất Việt Nam”...

Du khách "check-in" tại Lễ hội Thành Tuyên. Ảnh: Cảnh Trực.


Từ năm 2015, mỗi năm, tỉnh ta lại lựa chọn tổ chức Lễ hội Thành Tuyên gắn với các sự kiện văn hóa quan trọng của quốc gia như Liên hoan nghệ thuật hát Then, đàn Tính các dân tộc Tày, Nùng, Thái toàn quốc; Chương trình hợp tác phát triển du lịch “Qua những miền di sản Việt Bắc”; Ngày hội Văn hóa dân tộc Dao toàn quốc lần thứ nhất; Liên hoan trình diễn Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia lần thứ nhất. Năm 2022, Lễ hội Thành Tuyên được tổ chức gắn với Lễ đón nhận Bằng ghi danh của UNESCO công nhận “Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam”  là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát, năm nay lễ hội được tổ chức trong niềm háo hức, mong chờ của nhiều người dân và du khách.

Để Lễ hội Thành Tuyên trở thành điểm đến hấp dẫn du khách, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chủ trì xây dựng Đề án đổi mới Lễ hội Thành Tuyên với mục tiêu đến năm 2025 xây dựng Lễ hội Thành Tuyên là sản phẩm du lịch đặc trưng, riêng có, mang thương hiệu quốc gia. UBND tỉnh đã họp cho ý kiến vào dự thảo đề án, tập trung nâng cao chất lượng công tác tổ chức, phát huy sức sáng tạo của người dân trong thực hiện các mô hình độc đáo, hấp dẫn để không bị các nơi khác sao chép; nâng cao chất lượng các dịch vụ để du khách luôn mong muốn được đến trải nghiệm lễ hội...

Theo baotuyenquang.com.vn


Bài viết liên quan