Dân tộc Cao Lan có tên gọi khác là Sán Chay, Sán Chỉ, Mán ,Cao Lan, Hờn Bận, tập trung chủ yếu ở 37 xã thuộc 3 huyện Sơn Dương, Yên Sơn, Hàm Yên, Tuyên Quang, như tại làng Mãn Hoá, xã Đại Phú, huyện Sơn Dương (Tuyên Quang) là nơi có đến 100% dân số là dân tộc Cao Lan sinh sống. Đời sống văn hoá của người Cao Lan rất phong phú, nhiều phong tục tập quán đặc sắc, đặc biệt dịp tết Nguyên đán của người Cao Lan Tuyên Quang vẫn giữ được những nét riêng biệt và độc đáo.
Đồng bào Cao Lan ăn tết Nguyên đán theo từng họ. Có họ bắt đầu ăn từ chiều 30 tháng Chạp đến hết ngày mùng một, riêng họ Lâm bắt đầu ăn tết từ chiều ngày mùng một đến hết ngày mùng hai tháng Giêng.
Tết này người Cao Lan thường làm bánh gai, bánh chưng, bánh dợm ( làm từ những ngày trước tết). Bánh chưng của người Cao Lan khá đặc biệt vì có hình trụ dài, có thể vắt được lên vai nên còn có tên gọi là bánh vắt vai, cùng với những sản phẩm từ gạo nếp, người Cao Lan cũng thích làm những món ăn từ bún, với sợi bún được làm thủ công trắng, mềm và có mùi vị đặc trưng. Nhà nào cũng chuẩn bị một con lợn để mổ ăn tết, mổ lợn xong không cúng tổ tiên ngay mà vẫn để đến ngày 30 mới cúng ( họ Lâm để đến ngày mùng một mới cúng).
Ngày 30 tết các gia đình chuẩn bị ăn tết thì phải quét dọn nhà của sạch sẽ. Đàn ông trong gia đình có nhiệm vụ quan trọng là cắt hoa giấy đỏ để dán lên ban thờ, chuồng gà cây cối xung quanh nhà để mừng tuổi mới cho chúng, ngoài ra theo quan niệm của người Cao Lan, giấy đỏ tượng trưng cho một năm mới tốt lành, niềm vui trong cuộc sống, một mùa màng bội thu, đồng thời còn mang ý nghĩa tâm linh là sự xua đuổi ma quỷ, cây trồng không bị chim, thú, sâu, bọ phá hoại. Chính vì thế, vào ngày cuối năm, khắp làng bản người Cao Lan được điểm những sắc đỏ rực rỡ
Đến chiều làm cơm cúng tổ tiên và gia đình tụ họp ăn tết. Cơm cúng tổ tiên rất đơn giản, chỉ cúng tất cả các món mà gia đình tự làm như: thịt gà, thịt lợn, rượu, bánh ( làm thành 2 mâm cúng để riêng, một mâm cúng ma tổ tiên là đàn ông, một mâm cúng ma phụ nữ là con dâu, em dâu ). Chủ nhà cúng, không phải mời thầy cúng về, mà tự báo cáo với tổ tiên là năm cũ đã hết, chuẩn bị sang năm mới, cầu xin cho gia đình được mạnh khỏe, làm ăn được nhiều của cải... Cúng xong, cả nhà chúc sức khỏe cho nhau và cùng ăn uống các lễ vật vừa cúng, sau đó đi thắp nhang vào tất cả các chỗ đã dán giấy đỏ để báo hiệu đón Tết mới.
.
Đến giao thừa,mầu sắc, âm thanh đều tĩnh lặng trong giây phút tưởng nhớ tổ tiên, cả gia đình đều tắm gội sạch sẽ, quần áo chỉnh tề, vái lậy trước ban thờ, chủ nhà pha một ấm chè rót vào chén để sẵn ở các ban thờ trong nhà và mang cả trầu cau mời tổ tiên.
Sáng mùng một, người Cao Lan kiêng không đến nhà người khác chơi, chỉ ở trong nhà, đến chiều mùng một các gia đình cúng hóa vàng cho tổ tiên sau đó mới có thể đến nhà người khác chơi và chúc Tết.
Ngày mùng hai tết, cả làng không ai cúng tổ tiên nữa ( trừ họ Lâm ) mà tất cả đều ra đình cúng thổ công, lễ vật cúng thổ công do trưởng bản và mo làng phân bổ cho các gia đình. Cúng thổ công là do mo làng chủ trì, cúng xin cho dân làng làm ăn phát tài phát lộc,khỏe mạnh, hạnh phúc. Mo làng cúng xong giở sách ra xem hướng, nếu năm nay hướng nào tốt thì cả làng về lấy súng hoặc nỏ bắn về hướng đó để khai xuân và báo hiệu kết thúc tết.
Người Cao Lan thường kiêng ngày mùng 1 và mùng 2 không vào nhà ai, nhằm tránh mang sự không may mắn đến cho nhà người khác. Họ chờ sáng mùng 2 người lớn đi lễ thổ công về, chiều đi lấy lộc sau đó mới đi chơi, thăm nhà nhau. Cây lộc lấy về cắm ở cổng nhà, cứ để đó đế khô héo khi nào gió cuốn đi thì thôi chứ không tự tay mình bỏ cây lộc đó đi vì sợ mất lộc.
Trong suốt những ngày Tết, trong suốt cả tháng Giêng, những sắc đỏ lấp lánh cùng với làn điệu sình ca ngân nga, tha thiết nhịp nhàng như một điệp khúc xuân của người Cao Lan trên khắp bản làng.
Kiều Anh