TỤC CƯỚI HỎI CỦA NGƯỜI DAO ĐỎ Ở NA HANG-TUYÊN QUANG

Na Hang là một huyện vùng cao thuộc tỉnh Tuyên Quang, nằm ở hướng Đông Bắc, cách thành phố Tuyên Quang hơn 100km. Na Hang được biết đến và luôn tự hào bởi sức cuốn hút của một vùng sinh thái và những nét văn hóa độc đáo của nhiều dân tộc, là nơi cư trú của 16 dân tộc anh em trong đó Tày chiếm 51%, Dao 27%, kinh 13%, Mông 7%... dân số của toàn huyện. Mỗi dân tộc anh em sinh sống trên mảnh đất Na Hang đều có những phong tục tập quán riêng rất độc đáo, sinh động, có tính cuốn hút kỳ lạ, và trong đó phong tục cưới hỏi của người Dao Đỏ tại xã Năng Khả (Na Hang) cũng là một nét văn hóa điển hình, mang tính độc đáo.

   Khi đôi trai gái quen nhau, mến nhau họ đi đến quyết định cùng nhau xây dựng hạnh phúc lứa đôi thì gia đình nhà trai sẽ sang gia đình nhà gái tiến hành thủ tục hỏi và để đi đến đám cưới phải qua hai lần ăn hỏi. Lần đầu gia đình nhà trai sẽ đến dạm ngõ gia đình nhà gái và đặt vấn đề, nếu được sự đồng ý của gia đình nhà gái thì bên gia đình nhà trai sẽ đến thăm gia đình nhà gái lần thứ hai. Lần đến thăm thứ hai này hai gia đình sẽ kê khai những vật phẩm mà bên nhà trai phải mang đến cho nhà gái như gà thiến,rượu,gạo... Những lễ vật này gia đình nhà gái sẽ dùng để chuẩn bị 6 mâm cỗ để mời anh em họ hàng đến dự. Trong lần ăn hỏi thứ hai này hai gia đình sẽ cùng nhau bàn bạc và chọn ngày lành tháng tốt để tổ chức đám cưới, cũng trong ngày này gia đình nhà gái sẽ thách cưới gia đình nhà trai thường sẽ là: lợn hơi, rượu, gạo nếp, gạo tẻ, số vật phẩm này gia đình nhà trai sẽ mang đến cho gia đình nhà gái vào ngày cưới.

 

 

   Lễ đón dâu trong đám cưới người Dao Đỏ được tái hiện qua nhiều nghi thức. Trước tiên là đoàn nhà trai sang gia đình nhà gái xin dâu. Dẫn đầu đoàn là nhạc lễ với âm thanh đặc trưng của người Dao gồm kèn, trống, chiêng, chũm chọe được hòa tấu sôi động, ngọt ngào những làn điệu Páo Dung. Theo phong tục chú rể không được nhìn mặt cô dâu cho đến khi thực hiện xong các nghi lễ tạ tổ tiên. Người Dao cho rằng như vậy sẽ tránh được những rủi ro và cô dâu chú rể mới được hạnh phúc về sau.

 

   Khi đoàn rước dâu trở về chưa được vào nhà ngay, phải xem giờ tốt và thầy cúng làm xong lễ báo tổ tiên mới được vào nhà. Điểm đặc biệt là trước khi cô dâu bước chân vào nhà trai thì phải được rửa chân sạch sẽ. Đến giờ tốt thầy cúng báo với tổ tiên nhà trai, lúc này cô dâu chính thức được bước chân vào nhà chồng và trở thành con cháu trong gia đình. Cô dâu và chú rể quỳ lạy trước bàn thờ tổ tiên nhận chén rượu và trang sức do bố mẹ chồng trao tặng. Đôi vợ chồng trẻ được buộc dải lụa tượng trưng cho sợi tơ hồng nối kết hạnh phúc trăm năm bền chặt. Lúc này bà mối sẽ mở khăn che mặt cô dâu. Sau đám cưới phải đúng tròn 1 tháng cô dâu người Dao Đỏ mới được lại mặt gia đình bên ngoại.

   Cũng như tất cả các dân tộc khác đang sinh sống trên mảnh đất Na Hang, đám cưới của người Dao Đỏ cũng mang đậm nét văn hóa độc đáo, với đầy đủ những nghi lễ truyền thống. Đặc biệt trong ngày này cô dâu được khoác lên người vẻ đẹp quyến rũ với những gam màu xanh, đỏ, đen, trắng của tà áo dài truyền thống, lấp lánh những vòng bạc đeo trên cổ hòa lẫn với khung cảnh thiên nhiên núi rừng thật thơ mộng, tôn lên cái đẹp thuần khiết của phụ nữ trong ngày trọng đại của cuộc đời. Với những nghi thức mộc mạc, ý nghĩa nhân văn sâu sắc, lễ cưới truyền thống của người Dao Đỏ là nét văn hóa độc đáo cần được bảo tồn và gìn giữ trong đời sống đương đại.

Theo http://tuyenquang.gov.vn/


Bài viết liên quan