Đền nằm trên một khu đất cao, dưới chân là ngọn đồi nhỏ. Cửa đền quay hướng Tây nơi có dòng Lô giang uốn khúc. Cũng như nhiều ngôi đền trên làng quê Việt Nam - nơi sinh tụ, quần cư của cư dân nông nghiệp, đền Cảnh Xanh được dựng theo thuyết phong thủy: "Tiền minh đường hữu hậu chẩm". Phía trước ngôi đền có một cây xanh (cây xi) cổ thụ. Bởi vậy, khi dựng đền, người dân nơi đây đã lấy tên của cây xanh cổ thụ đặt tên cho ngôi đền. Là Bà chúa Thượng Ngàn gắn với núi rừng và ngàn cây, nên người dân kiêng dùng từ "cây" (là tên húy của Ngài) và đọc chệch đi là từ Cảnh.
Trải qua bao thăng trầm biến thiên của lịch sử, cùng với thời gian ngôi đền đã trải qua nhiều giai đoạn trùng tu, sửa chữa. Đến năm 2011, chính quyền cùng nhân dân địa phương đã tiến hành đợt trùng tu lớn tòa tiền đường và tòa hậu cung.
Từ bao đời nay ngôi đền đã gắn bó với lịch sử vùng đất Tuyên Quang. Những người dân nơi đây đã bằng công sức và trí tuệ của mình xây dựng nên những giá trị tinh thần và vật chất cho miền sơn cước xú Tuyên. Đó là nơi sinh hoạt văn hóa tinh thần của người dân thành Tuyên trải qua bao thế hệ, đáp ứng và thỏa mãn nhu cầu tâm linh của của người dân, thể hiện khát vọng truyền đời của ngư dân nông nghiệp lúa nước nhờ siêu lực của Đức Thánh Mẫu mà ban cho cuộc sống bình yên, mưa thuận gió hòa, có được mùa vụ bội thu.
Ngôi đền thể hiện một giá trị nhân bản sâu sắc và mang tính truyền thống tốt đẹp trong văn hóa ứng xử của con người Việt Nam nói chung và cư dân thành Tuyên nói riêng, đó là đạo lý "uống nước nhớ nguồn".
Đỗ Linh