Thác Dẫng, thôn Lập Binh, xã Bình Yên( Sơn Dương), nơi cách đấy 68 năm đã ghi dấu mốc quan trọng trong sự hình thành và phát triển của Văn phòng Chủ tịch phủ - Thủ tướng phủ ( Văn phòng Chính Phủ) ( 1947-1954). Đây là một trong những điểm đến quan trọng của du khách trong hành trình về thăm Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Tân Trào.
Biết trước dã tâm thực dân Pháp là gấp rút chuẩn bị gây chiến hòng cướp nước ta một lần nữa, theo chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trước ngày toàn quốc kháng chiến, Văn phòng Chính phủ đã chủ động chuẩn bị sơ tán, có các phương án sắp xếp, bảo vệ tài liệu của Chủ tịch và Chính phủ, bố trí một số cán bộ, nhân viên đi nhận công tác thích hợp.
Cùng các cơ quan khác, cán bộ, nhân viên Văn phòng chính phủ được lệnh rời khỏi Hà Nội, rút lên An toàn khu Việt Bắc. Sau hàng tháng trời đi bộ vất vả, gian khổ, di chuyển theo lộ trình của Chủ tịch Hồ Chí Minh, qua các tỉnh: Hà Đông, Sơn Tây, Phú Thọ, đầu năm 1947, cán bộ, nhân viên Văn Phòng Chính phủ đã lên tới Tuyên Quang, An toàn khu của Chính phủ kháng chiến.
Văn Phòng đã đến đóng tại một địa điểm gần Thác Dẫng, bên bờ sông Phó Đáy, thuộc thôn Lập Binh, xã Bình Yên, huyện Sơn Dương. Ở đây địa thế hiểm trở, nhân dân có tinh thần cách mạng và truyền thống yêu nước, hết sức trung thành với chính phủ của Chủ tịch Hồ chí Minh, bảo đảm giữ được bí mật đồng thời tiện liên lạc với nơi ở và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng và các cơ quan khác của Trung ương Đảng, Chính phủ. Thời kỳ này Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cử ông Phan Mỹ giữ chức chánh Văn phòng Chính phủ ( Sắc lệnh số 232/SLm ngày 18/7/1947).
Trong kháng chiến, công tác bí mật là một trong những nhiệm vụ được đặt lên hàng đầu nên ngay khi rút khỏi Hà Nội lên An toàn khu Việt Bắc, để đảm bảo bí mật tuyệt đối, Văn phòng Chính phủ được mang bí danh Trung đội 555, sau đó là Ban Thông tin tháng Tám, tiếp theo là bí danh Ban kiêm lâm 13, sau cùng bí danh Ban kiểm tra 12 và bí danh này được dùng từ đầu năm 1949 cho tới ngày về tiếp quản Thủ đô.
Tại Thác Rẫng, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng và Chính phủ đã ra nhiều quyết sách quan trọng của cách mạng Việt Nam, đưa cuộc kháng chiến của dân tộc ta vượt qua những chặng đường gian khổ để đi đến thắng lợi hoàn toàn. Những phiên họp Hội đồng Chính phủ, Đảng Đoàn, các kỳ họp của Trung ương…đã đề ra những kế hoạch cụ thể, những bước đi phù hợp với từng giai đoạn, góp phần đưa cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Tại đây, cũng đã hình thành một bộ máy giúp việc gọn nhẹ, đắc lực và đầy hiệu quả cho Chủ tịch Hồ Chí Minh và Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Văn phòng Chính phủ là cơ quan cuối cùng hoàn thành văn bản để ban hành các sắc lệnh của Chủ tịch nước, nghị định, thông tư của Thủ tướng Chính phủ, ban hành các văn kiện của Hội đồng Quốc phòng. Là nơi tổng hợp thình hình và báo cáo của các bộ, Uỷ ban hành chính các Liên khu, các Tỉnh để báo cáo lên Chủ tịch Nước, Thủ tướng Chính phủ và truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch và Thủ tướng đến các bộ, các địa phương, phục vụ một phần hoạt động đối ngoại của Chủ tịch và Thủ tướng Chính phủ.
Với một vị trí hiểm yếu, thuận lợi, bí mật, phong trào cách mạng vững chắc, một lòng tin tưởng vào cách mạng, nhân dân thôn Lập Binh, xã Bình Yên đã góp phần mình vào sự nghiệp kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc ta, vượt qua thử thách, gian khổ cập bến bờ chiến thắng vinh quang. Văn phòng Chính phủ là cơ quan giúp việc cho Chủ tịch Hồ Chí Minh và Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng lãnh đạo cuộc kháng chiến đi đến thắng lợi hoàn toàn. Những hoạt động dân vận của cán bộ văn phòng thể hiện sự gắn bó máu thịt giữa dân với cán bộ, với Đảng.
Di tích Văn phòng Chính phủ, năm 2000, đã được Bộ Văn hoá Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa Quốc gia. Văn phòng Chính Phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang chỉ đạo ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp chặt chẽ với các ngành liên quan bảo tồn, tôn tạo và phục hồi các điểm di tích quan trọng trong khu di tích Văn phòng Chính phủ.
Di tích Văn phòng Chính phủ có ý nghĩa lớn đối với công tác nghiên cứu khoa học về lịch sử kháng chiến chống giặc ngoại xâm của dân tộc. Những sự kiện diễn ra tại nơi đây đã góp phần lý giải nguyên nhân và ý nghĩa chiến thắng thần kỳ của dân tộc ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Với phong cảnh thiên nhiên và đường giao thông thuận lợi, di tích Văn phong Chính phủ, thôn Lập Binh, xã Bình Yên huyện Sơn Dương, là điểm du lịch hấp dẫn về một vùng căn cứ địa cách mạng trong lộ trìch về Tuyên Quang về thủ đô kháng chiến năm xưa.
Hải Nguyễn