Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh: Thiêng liêng trong lòng người

Tuyên Quang được coi là “trái tim” của Việt Bắc, Thủ đô Khu giải phóng - Thủ đô Kháng chiến. Mỗi tên đất, tên làng của Tuyên Quang đều gắn liền với sự hình thành và phát triển của cách mạng Việt Nam. Trong thời gian hoạt động, làm cách mạng ở trong nước, Bác Hồ đã sống và làm việc ở Tuyên Quang 5 năm 11 tháng 25 ngày.

   Với công lao vĩ đại đóng góp cho dân tộc, cho hòa bình của nhân loại tiến bộ, đồng thời thể hiện tình cảm của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang đối với Người, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tuyên Quang đã xin ý kiến Trung ương, quyết định xây dựng Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh tại chân núi Thổ Sơn gắn kết với nhóm tượng đài “Bác Hồ với nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang” trong khuôn viên Quảng trường Nguyễn Tất Thành. Chính tại khu vực Quảng trường này, năm 1961, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang vinh dự được Bác Hồ về thăm và nói chuyện.

   Thấm thoát đã 70 năm kể từ khi Bác Hồ về hoạt động cách mạng trên mảnh đất an toàn khu Tuyên Quang xưa. Giờ Tuyên Quang đã thay đổi nhiều, người dân được sống trong hòa bình, độc lập, ấm no, tự do, hạnh phúc. Thể theo nguyện vọng của nhân dân các dân tộc trong tỉnh, ngày 19-2-2013, UBND tỉnh chính thức làm lễ động thổ xây dựng công trình Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sở Xây dựng được giao làm chủ đầu tư công trình, đơn vị tư vấn lập dự án đầu tư Công ty cổ phần Mỹ thuật và Xây dựng Việt Nam, đơn vị thiết kế Công ty cổ phần Xây dựng và Thương mại Minh Khai (Hà Nội), đơn vị thi công Công ty TNHH Thịnh Hưng (Tuyên Quang), đơn vị giám sát Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng Tuyên Quang. Nguồn vốn xây dựng Đền bằng nguồn ngân sách địa phương và nguồn vốn xã hội hóa.
   Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh được thiết kế hình chữ Đinh với 3 gian, 2 chái và 2 gian hậu cung với 155 m2. Nếu tính cả tầng hầm, phần sân, đường lên xuống, chòi nghỉ thì Đền có quy mô lên tới 615 m2 trong tổng thể khuôn viên là 2.300 m2. Đền được làm chủ yếu bằng gỗ lim, đá xanh tự nhiên, ngói mũi hài nâu đỏ. Nghệ nhân giỏi từ các làng nghề nổi tiếng được nhà thầu chọn lựa kỹ, mời về thi công, bảo đảm chất lượng và mỹ thuật của công trình. Sau hơn 1 năm khẩn trương thi công, ngày 16-8-2014 công trình đã làm Lễ An vị tượng Bác. Theo thiết kế, tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh được đúc bằng chất liệu đồng, cao 1,72 m, nặng 1,4 tấn do Công ty TNHH Dương Bá Mạnh đảm nhiệm thi công. Đây là đơn vị đúc đồng nổi tiếng của tỉnh Nam Định. Tác giả sáng tác, thể hiện và cùng thi công tượng Bác là nhà điêu khắc Nguyễn Phú Cường, Phó Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Hiện nay, tượng Bác và các ban thờ trong Đền đều được bố trí theo phong tục truyền thống của người Việt. Đền có chuông thỉnh, bàn ghi lưu bút cho các đoàn du khách. Gian chính có bức đại tự “Chính Đại Quang Minh” và hai câu đối do Giáo sư, Anh hùng Lao động Vũ Khiêu viết: “Ánh sáng rực Tuyên Quang hồng nhật soi dài muôn dặm đất/Khí thiêng trùm Việt Bắc đẩu tinh định hướng triệu con người”. Hai câu đối của Giáo sư Vũ Khiêu rất hoàn mỹ: Khí thiêng trùm Việt Bắc đối với ánh sáng rực Tuyên Quang, hồng nhật soi dài muôn dặm đất được đối với đẩu tinh định hướng triệu con người. Mặt trời soi đường và sao đẩu tinh chính là Bác Hồ, là cách mạng Việt Nam soi đường, định hướng giá trị sống tiến bộ, văn minh cho hàng triệu con người. Cách mạng Việt Nam cũng ở Tuyên Quang mà ra và từ Việt Bắc mà nên… Ngôi đền với đôi câu đối làm ta nhớ đến câu thơ Tố Hữu trong bài Việt Bắc “Ở đâu u ám quân thù/Nhìn lên Việt Bắc, Cụ Hồ sáng soi/Ở đâu đau đớn giống nòi/ Trông về Việt Bắc mà nuôi chí bền”.
   Gian trong của Đền thờ bài vị thân phụ và thân mẫu của Bác.
   Sau khi Đền được hoàn thành, Sở Xây dựng đã bàn giao toàn bộ công trình cho Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch quản lý. Ban Quản lý Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được thành lập, mở cửa đón tiếp du khách trong và ngoài tỉnh tới thăm, dâng hương. Từ khi công trình đưa vào sử dụng đến nay đã có nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các đoàn khách quốc tế, lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương, lãnh đạo các tỉnh, thành và nhân dân, du khách thập phương đến dâng hương, tham quan. Ai cũng có chung một cảm nhận, đây là một công trình văn hóa tâm linh đầy ý nghĩa, một kiến trúc đẹp, hài hòa trong lòng thành phố. Đúng vào dịp kỷ niệm 125 năm Ngày sinh của Bác năm nay, tỉnh ta làm Lễ khánh thành Quảng trường Nguyễn Tất Thành và Tượng đài “Bác Hồ với nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang”. Như vậy, không gian gắn kết giữa Quảng trường Nguyễn Tất Thành với Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ hoàn chỉnh, tạo thành một chỉnh thể, điểm nhấn trong không gian kiến trúc của thành phố trẻ Tuyên Quang. Đây chắc chắn sẽ là ''địa chỉ đỏ'' về nguồn, điểm dừng chân ý nghĩa của du khách thập phương khi tới thăm mảnh đất, con người Tuyên Quang.  

Theo http://baotuyenquang.com.vn


Bài viết liên quan