Chợ Thụt - nơi lưu giữ hồn quê

Tỉnh ta có nhiều chợ quê thường họp theo phiên, ít nhất mỗi tháng cũng có vài phiên. Riêng chợ Thụt, xã Phù Lưu (Hàm Yên) họp duy nhất một phiên trong năm vào ngày mồng 2 tháng 2 âm lịch. Chợ Thụt cũng hao hao như chợ Viềng (Nam Định), chợ Khau Vai (Hà Giang). Có lẽ chợ Thụt đã kết hợp cả các yếu tố của các chợ này. Đó là đi chợ đầu xuân năm mới để “mua may bán đắt”, nơi “gặp gỡ lại người yêu cũ” và cũng là nơi “tìm tình yêu trăm năm cho mình”.

   Ông Khổng Xuân Lộc, người cao tuổi ở xã Phù Lưu cho biết, chợ Thụt có từ rất xa xưa. Trên đỉnh dãy Chạm Chu có một dòng suối chảy ra nhiều thôn của xã Phù Lưu rồi đổ ra họng Thụt. Họng Thụt nước sâu, nơi lý tưởng của bến thuyền. Ngày đó thuyền bè của các lái buôn thường neo đậu ở bến. Họ đưa muối, đường, thuốc tây… từ dưới xuôi lên bán, rồi mua gom nông thổ sản của bà con trong vùng chở về xuôi nên khu vực này xuất hiện nhiều người dân tộc Hoa làm nghề buôn bán. Họng Thụt nổi tiếng dần từ đó và người ta đã gọi luôn là thôn Thụt. Hàng năm, nhân dân trong vùng tổ chức Lễ hội chợ Thụt mang quy mô cấp xã, người dân trong các xã lân cận cũng tham gia đông đảo.

Vải thổ cẩm của đồng bào Dao được bày bán nhiều ở chợ Thụt.


    Mấy năm gần đây, lượng người đi chơi chợ Thụt ngày càng đông. Chính quyền xã Phù Lưu đã quyết định mở rộng chợ nhằm đáp ứng được yêu cầu nhân dân. Công tác san ủi mặt bằng, làm đường cũng dần hoàn thiện. Chợ có bãi đất rộng để người dân tung còn, mở gian hàng, tổ chức các điểm vui chơi. Xã đã xây dựng trường đấu ngựa hấp dẫn người xem. Ông Trần Minh Thái, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Phù Lưu khẳng định, trong thời gian tới xã sẽ tiếp tục hoàn thiện quy hoạch, xây dựng hạ tầng để chợ Thụt ngày càng đông vui hơn, có tầm ảnh hưởng lớn đến người dân trong vùng. Tất cả các thôn trong xã đều có gian hàng tham gia với các sản phẩm thế mạnh. Qua Lễ hội chợ Thụt, xã có thể quảng bá được mảnh đất, con người nơi đây. Thế mạnh của xã Phù Lưu là vùng chuyên canh cam sành trọng điểm của huyện. Sản lượng cam sành của xã chiếm gần 50% sản lượng cam sành của toàn huyện. Địa phương còn có nguồn thuốc nam khá phong phú. Các sản vật nổi bật như vịt suối, lợn rừng, thịt trâu khô, rau rừng. Ngoài ra, vải thổ cẩm, đồ rèn, rượu ngon, cây giống cũng được người dân bày bán khá nhiều. Chợ cũng hội đủ các loại bánh, từ bánh chưng, bánh dày, bánh nẳng, bánh sừng bò, bánh gai, bánh dợm… nhưng có lẽ đặc biệt nhất vẫn là bánh dê. Bánh dê chỉ duy nhất chợ Thụt mới có. Bánh được người Hoa làm từ bột sắn, nặn hình con dê ngộ nghĩnh rồi cho vào chảo rán vàng. Bánh có thể ăn và mang về làm đồ chơi cho con trẻ. Người ta quan niệm đi chợ Thụt mua bánh dê để quanh năm được may mắn, sung túc.
Bà Trần Hồng Hạnh, du khách thành phố Tuyên Quang nhận xét, bà đi rất nhiều chợ quê nhưng chợ Thụt có một nét rất riêng, vừa độc đáo lại vừa truyền thống. Đến chợ vẫn thấy người dân mặc các trang phục của dân tộc mình như Dao, Tày, Mông, Nùng, Pà Thẻn… Các sản vật thì đa dạng, mang nhiều yếu tố bản địa. Chợ Thụt theo bà thật sự là nơi lưu giữ hồn quê và bản sắc văn hóa dân tộc độc đáo của địa phương, mạch nguồn của những cảm xúc… 

Theo baotuyenquang.com.vn


Bài viết liên quan