Với đồng bào các dân tộc miền núi, dê là vật nuôi quen, đã gắn bó với họ bao đời nay. Đặc tính lành, gần với hoang dã giúp cho việc gây dựng và nuôi đàn dê mang lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình mà không tốn nhiều công chăm sóc. Con dê luôn thể hiện sự bền bỉ, quả cảm, chinh phục các đỉnh cao và khả năng sinh sản mãnh liệt. Dê đực đầu đàn có thể quản lý tới mấy chục dê cái trong đàn, vị trí đầu đàn ấy luôn phải bảo vệ bằng các cuộc chiến đấu khốc liệt với những chú dê trẻ cạnh tranh. Trước đây, mỗi lúc nông nhàn, nhà nọ thách nhà kia mang dê ra chọi vui. Cứ thế thành lệ, hội chọi dê hình thành với quy mô lớn hơn, thành hẳn cuộc thi có giải.
Theo lời kể của những người dân địa phương, lễ hội chọi dê thường thu hút rất đông bà con từ khắp các nơi trong và ngoài tỉnh về xem. Trong tiếng reo hò của khán giả, chiêng trống liên hồi, những con dê tung đòn hiểm hóc với đối phương, chiến đấu hết mình, một mất một còn, ấn tượng không kém các hội chọi trâu, chọi bò. Khán giả được chiêm ngưỡng những màn dê húc chính diện, móc sừng vào bụng để hất ngược con dê trước mặt hay khóa sừng để hạ gục đối thủ đầy kịch tính. Để chiến thắng, các chú dê không chỉ dựa vào sức khoẻ mà cũng phải có các đòn, miếng được chủ dê huấn luyện trước.
Lễ hội chọi dê như một lời cầu ước cho năm mới may mắn, chăn nuôi thuận lợi. Đặc biệt nhất, cuộc thi chọi dê có điểm khác so với hội thi chọi trâu. Kết thúc hội chọi dê, những chú dê dù thắng hay thua, vẫn lẽo đẽo theo chân chủ vượt núi về nhà mà không bị xẻ thịt. Còn những chú dê đoạt giải cao sẽ được lựa chọn để phối giống, giữ nguồn gen quý.
Hội chọi dê được tổ chức thường niên, giúp bà con nâng cao đời sống văn hóa tinh thần, vừa khuyến khích tăng gia chăn nuôi, phát triển kinh tế, cải thiện cuộc sống.
Đỗ Linh