Cổng vào đền Cấm Sơn.
Chầu Mười ở Đền Cấm Sơn (Móc Giằng) là hiện thân của tứ vị thánh bà (tứ vị Chầu bà), được hóa thân, phục vụ trực tiếp tứ vị thánh Mẫu. Căn cứ các tài liệu có được thì Đền Cấm Sơn, thôn Hưng Kiều 4, xã An Tường, thành phố Tuyên Quang, thờ Chầu Mười. Trong cuốn Tứ bất tử Viêt Nam, Nhà xuất bản văn hóa dân tộc năm 1991, trang 115 có ghi: Đền Chầu Mười ở Chi Lăng (Lạng Sơn), thờ một nữ thủ lĩnh người dân tộc Tày, đã tham gia khởi nghĩa Lam Sơn. Đền Móc Giằng ở Tuyên Quang cũng thờ một vị nghĩa quân tương tự.
Như vậy, Chầu Mười được thờ ở Đền Đổng Mỏ, Lạng Sơn, là nữ tướng cùng nghĩa quân Lam Sơn, chặn đánh quân tiếp viện Nhà Minh do Liễu Thăng chỉ huy. Chầu Mười được thờ ở Đền Cấm Sơn Tuyên Quang, là nữ tướng tham gia chặn đánh cánh quân tiếp viện từ Vân Nam, Trung Quốc qua cửa ải Lê Hoa, Hà Giang vào Việt Nam. Qua đó ta có thể khẳng định Chầu Mười được thờ ở Đền Đổng Mỏ, Lạng Sơn và Chầu Mười được thờ ở đền Cấm Sơn thành phố Tuyên Quang là hai nhân vật có thật được nhân dân tôn sùng, hóa thân thành Thánh Mẫu.
Dân gian tin rằng Mẫu là đấng tối cao được hóa thân thành tứ vị thánh để cai quản 4 vùng trời đất. Mẫu được thờ ở nhiều nơi, từ những đền cao phủ lớn đến các điện tư gia. Người dân tin rằng vì Mẫu là mẹ của mọi người nên luôn che chở phù hộ độ trì cho con người, giúp họ trong công việc gặp nhiều thuận lợi, có sức mạnh và niềm tin để vượt qua tai ương, vận hạn hay bệnh tật, đem đến cho cuộc sống sự bình yên, sung túc.
Bên trong đền Cấm Sơn.
Đền Cấm Sơn được xây dựng từ thời nhà Lê (Lê Trung Hưng, thế kỷ XVII). Khởi nguyên ngôi đền chỉ là ngôi đền nhỏ, được xây dựng bằng gạch và các vật liệu bằng gỗ, mái lợp tranh, địa điểm sát chân cầu Móc Giằng. Cùng với thời gian, ngôi đền đã bị hư hỏng, không có người phục dựng, tôn tạo; khoảng đầu thế kỷ XX, đền được một số bà con nhân dân trong xã di chuyển và xây dựng lại tại địa điểm mới như hiện nay. Năm 1934 Đền Cấm Sơn Được Trùng tu lớn, nay vẫn còn một thanh xã nóc có các chữ Hán Nôm: “Hoàng Triều bảo Đại cửu niên tuế thứ giáp tuất, nguyệt thập, sơ thập nhật lương trường từ vũ, thượng lương, trùng tu đại cát”.
Đền Cấm Sơn quay mặt theo hướng Đông Nam, đền tọa lạc trên một khu đất bằng phẳng có diện tích khoảng 1675,8 m2 . Kết cấu kiến trúc đơn giản, theo kiểu chữ Đinh (J) (theo âm Hán Việt), gồm toà tiền đường và hậu cung.
Toà tiền đường với kiến trúc 3 gian 2 chái, mái lợp ngói vảy hến, trên bờ nóc có đắp nổi hình lưỡng long chầu nguyệt; chiều dài 18m, chiều rộng 6,9m được dựng trên nền cao cách sân 1,5m. Toà tiền đường đền Cấm Sơn có kết cấu kiến trúc đơn giản, hệ vì được làm bằng sắt kiểu quá giang phía trên có dui gỗ, xung quanh là hệ thống tường chịu lực, đầu hồi bít đốc có cửa sổ hình chữ thọ tròn, lấy ánh sáng tự nhiên tạo cho lòng nhà luôn được thông thoáng.
Gian giữa của toà tiền đường đền Cấm Sơn là nơi đặt ban thờ Công đồng tứ phủ, trên cao có bức đại tự sơn son, thếp vàng có 3 chữ “Linh Cấm Từ” (Đền Cấm linh thiêng), bức đại tự này do cụ Phạm Văn Nhiêu, quê Hà Đông cung tiến năm đinh sửu 1937. Hai bên là đôi câu đối: câu đối bên phải: Cấm linh chung anh bát tiết phông nhiên quân mậu thịnh; câu đối bên trái Linh từ sơn nữ tứ phương chiêm ngưỡng mục ân ba.
Không gian phía trong gian tiền đường, phần hậu cung là nơi thờ Chầu Mười, bên trên có bức hoành phi sơn son thếp vàng, có 4 chữ “Linh Thánh Hách Diệu”, bức hoành phi này được cung tiến năm bính tuất 1946. Hai bên bức đại tự là đôi câu đối; câu đối bên phải: Lâm thị tắc linh thiên cổ chầu; câu đối bên trái: Nhân sơn hữu thánh bát niên phương.
Ban thờ bên phải tòa tiền đường là nơi thờ Công đồng tam phủ, bên trên bức đai tự có 4 chữ: “Hiệp cổ phủ” có niên hiệu quí sửu năm 1913. Ban thờ bên trái tòa tiền đường là nơi thờ cung phật, trên cao là bức hoành phi có 4 chữ: “Thường chú tam bảo”, gian bên trái tòa tiền đường là cung sơn trang.
Đền Cấm Sơn được xây dựng nhằm đền đáp công ơn một vị nữ tướng trong kháng chiến quân xâm lược Nhà Minh và được nhân dân tôn thờ là Cô Chầu Mười hay Cô Đôi, Cô Bé và là hiện thân của Bà chúa Thượng Ngàn đồng thời đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân địa phương, người nông dân lao động. Ngôi đền thể hiện một giá trị nhân văn, nhân bản sâu sắc và mang tính truyền thống tốt đẹp trong văn hóa ứng xử của người Việt nói chung và của cư dân Tuyên Quang nói riêng, đó là đạo lý "Uống nước nhớ nguồn".
Với ý nghĩa về mặt lịch sử, văn hóa, đền Cấm Sơn, thôn Hưng Kiều 4, xã An Tường đã được nhân dân địa phương quan tâm bảo quản gữi gìn, tính đến nay đền đã qua nhiều lần trùng tu, sửa chữa, phục dựng, bảo tồn và tôn tạo. Hiện nay, Ủy ban nhân dân xã An Tường đã thành lập Ban quản lý đền Cấm Sơn để trông coi, hướng dẫn khách thập phương và nhân dân trong vùng đến hành lễ, tham quan vãn cảnh đền.
Để phát huy giá trị cũng như làm tốt công tác quản lý, bảo vệ di tích, thành phố Tuyên Quang đang đề nghị Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bảo tàng tỉnh Tuyên Quang tiến hành nghiên cứu, lập hồ sơ khoa học đề nghị xếp hạng di tích để quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị của di tích được tốt hơn. Tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân, du khách trong và ngoài tỉnh mỗi khi có dịp tới hành hương và tham quan di tích.
Theo http://tuyenquang.gov.vn