Ngoài là miền đất cổ, thành phố Tuyên Quang còn được biết đến là một miền văn hóa tâm linh. Trên địa bàn thành phố và phụ cận có 28 địa điểm văn hóa tâm linh bao gồm đền, đình, chùa, miếu.
Tam tòa Thánh Mẫu trong Đạo Mẫu Việt Nam
Đã từ lâu, hàng năm vào mùa xuân - mùa lễ hội du khách gần xa lại tấp nập hành hương về thành Tuyên đi lễ để cầu mong cho cuộc sống ấm no, sức khỏe, hạnh phúc, mọi điều may mắn... Đặc biệt lễ rước Mẫu vào tháng Hai âm lịch đã thu hút hàng ngàn lượt khách trong và ngoài địa phương đến tham dự. Hầu hết các ngôi đền ở thành phố Tuyên Quang đều thờ Mẫu. Đây là tín ngưỡng bản địa cổ nhất của Việt Nam ta. Trải qua quá trình tiến hóa, con người nhận ra rằng sự sống có được là nhờ tự nhiên ban tặng cho khí trời, thức ăn, nước uống... từ đấy nảy sinh ý thức biết ơn tự nhiên. Mặt khác, con người cũng hứng chịu không ít sự tàn phá của thiên nhiên... Nỗi hoang mang, lo sợ trước thiên nhiên vì thế cũng ngày một lớn dần, ứng xử với thiên nhiên như thế nào cho phải chỉ có thể là cầu khấn, mong nhận được nhiều hơn, chịu thiệt hại ít hơn... và thế là tín ngưỡng sùng bái tự nhiên ra đời. Khi người Việt cổ bước sang chế độ Mẫu hệ vai trò của người phụ nữ trong gia đình được đề cao, quyền năng của tự nhiện được đồng nhất với quyền năng của người mẹ, phụng thờ tự nhiên chuyển sang phụng thờ người, từ đó tín ngưỡng thờ Mẫu xuất hiện.
Lễ rước Mẫu vào tháng Hai âm lịch
Tiến trình hình thành quốc gia, dân tộc đã sản sinh ra những nhân vật kiệt xuất chống lại thiên tai, chống giặc ngoại xâm, không ít nhân vật trong số đó là phụ nữ. Những nhân vật như thế để lại trong cộng đồng lòng biết ơn và sự tôn kính trở thành thần Mẫu. Tín ngưỡng thờ mẫu phát triển hoàn thiện với những vị thần tự nhiên và những nhân vật lịch sử được thần thánh hóa, quy tụ thành Tam tòa Thánh Mẫu gồm mẫu Thượng Thiên, Mẫu Thượng Ngàn và Mẫu Thoải. Danh hiệu Thần Mẫu, Vương Mẫu, Quốc Mẫu, Thánh Mẫu do nhà vua ban qua sắc phong hoặc do dân gian tôn phong.
Ở thành phố Tuyên Quang và vùng phụ cận có 14 đền thờ Mẫu như đền Ghềnh Quýt, đền Pha Lô, đền Đồng Xuân, đền Cảnh Xanh, đền Mẫu Ỷ La, đền Lương Quán, đền Mỏ Than, đền Thượng, đền Hạ, đền Lâm Sơn, đền Quang Kiều, đền Cấm, đền Ba Khuôn và đền Minh Lương. Ngoài việc thờ Mẫu là chính, tại các đền còn thờ Đức Thánh Trần (Tức Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn) đây là một danh nhân lịch sử đã có công lớn trong ba cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông xâm lược dưới thời Trần (thế kỷ XIII), được dân tôn là một trong "Tứ Bất Tử" gồm Mẫu Liễu, Chử Đồng Tử, Thánh Tản Viên và Đức Thánh Trần. Việc thờ Đức Thánh Trần thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn của người dân miền sơn cước và hiện nay chỉ có đền Kiếp Bạc và đền Cảnh Xanh là thờ riêng Trần Hưng Đạo.
Đền Hạ - phường Tân Quang - TP Tuyên Quang
Ngoài ra ở Tuyên Quang còn có một số mẫu thờ Phật kiểu "tiền Phật hậu Mẫu" như đền Cảnh Xanh, đền Thượng, đền Lương Quán, đền Minh Lương... Nhiều chùa thờ Phật còn thờ cả Mẫu và Thành Hoàng như: Chùa Linh Thông, chùa Phổ Linh... nguyên do là trước đây làng có đình thờ Thành Hoàng, đền thờ Mẫu, trải qua thời gian mưa gió làm kiến trúc gỗ bị hư hại, người dân đem thờ Mẫu, Thành Hoàng thờ chung vào chùa hoặc xây dựng đơn nguyên kiến trúc cùng khu vực chùa để thờ.
Với sự sùng bái và lòng biết ơn tự nhiên và cũng là biểu hiện của truyền thống đoàn kết, người Việt dễ dàng dung hợp, hòa đồng các tín ngưỡng và hầu như không có sự phân thứ bậc trong mức độ tôn sùng, điều này biểu hiện ở chỗ vị trí ban thờ các đền là đồng đẳng.
Thành phố Tuyên Quang và vùng phụ cận có tiềm năng du lịch lớn với nhiều loại hình từ du lịch lịch sử, du lịch tâm linh đến du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, nhưng trong đó du lịch tâm linh là thu hút đông đảo du khách mỗi dịp xuân về. Ngày xuân đi lễ đền, chùa cầu bình an, may mắn đã trở thành nét sinh hoạt văn hóa tâm linh của đông đảo người dân. Khi tiếp cận với không gian tín ngưỡng - thế giới của thần linh sẽ giúp mọi người gác lại những lo toan thường nhật, những cám dỗ vật chất, những toan tính nhọc nhằn để tâm hồn có những phút giây thanh thản, đánh thức lương tri hướng tới chân, thiện, mỹ. Đó mới chính là nhu cầu tâm linh cần thiết của mỗi con người chúng ta.
Phạm Hương