Măng khô chứa nhiều chất cần thiết cho cơ thể, theo như y học truyền thống măng có vị ngọt hơi đắng, tính hơi hàn có thể hạ khí, thanh nhiệt, giải độc, thông lợi....
Măng khô có nhiều loại như măng nứa, măng mai, măng tre, măng trúc măng rối, măng lưỡi lợn.... có thể được chế biến thành nhiều món ăn đa dạng, độc đáo và đặc biệt hấp dẫn như măng xào, măng nhồi thịt, măng luộc chấm mẻ, canh măng... Ngoài ra, măng còn được dùng để ngâm chua và xào cùng thịt trâu tạo nên hương vị đậm đà, khó quên đặc trưng của đồng bào các dân tộc nơi đây.
Nổi tiếng hơn cả là loại măng lưỡi lợn đặc biệt với thớ thịt dày, đặc, chắc và nhuyễn. Trong dịp tết cổ truyền, măng lưỡi lợn hầm giò heo còn là món ăn không thể thiếu được, có thể ăn cùng với cơm hay bún đều rất vừa miệng. Bên cạnh đó, măng lưỡi lợn còn được hầm với nước luộc gà, măng hầm sườn hay món vịt xáo măng tạo thành món ăn rất ngon và đậm đà. Do khử được mùi tanh nên măng có thể nấu chung được với thịt cá, chim, các loại gia súc, gia cầm...
Tuyên Quang không chỉ nổi tiếng với núi non, cảnh vật hùng vĩ mà còn để lại ấn tượng cho khách du lịch bởi những đặc sản đặc trưng của vùng đất này.
Kim Linh