Bảo tồn và phát huy giá trị di sản Then các dân tộc Tày, Nùng, Thái Việt Nam

“Bảo tồn và phát huy giá trị di sản Then các dân tộc Tày, Nùng, Thái Việt Nam trong xã hội đương đại” là chủ đề của Hội thảo khoa học quốc tế vừa diễn ra tại Trung tâm Hội nghị tỉnh, do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND tỉnh Tuyên Quang tổ chức. Hội thảo có sự tham gia của các nhà quản lý văn hoá từ trung ương đến các địa phương, những người nắm giữ và thực hành Then ở các tỉnh có di sản Then, các nhà khoa học trong nước, quốc tế đến từ Anh, Pháp, Malaysia, Thái Lan và chuyên gia UNESCO về di sản văn hóa phi vật thể.

Một màn biểu diễn tại Liên hoan nghệ thuật hát Then - đàn Tính
các dân tộc Tày, Nùng, Thái Việt Nam lần thứ V do Tuyên Quang đăng cai tổ chức.


     Từ bao đời nay, các tộc người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam đã sáng tạo ra một loại hình sinh hoạt văn hóa dân gian rất đặc sắc và có sức lan tỏa lớn, đó là Then. Then vừa là một sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng, tâm linh, vừa là một loại hình âm nhạc dân gian mà nội dung của nó phản ánh mọi khía cạnh của cuộc sống, từ niềm vui, nỗi buồn đến những ước vọng, hoài bão, nhằm hướng tới những điều bình an, tốt đẹp cho cuộc sống. Khi tiếp cận với các lễ Then cổ truyền, người ta có thể thấy rõ nhân sinh quan, thế giới quan và bản sắc văn hóa của đồng bào Tày, Nùng, Thái. Những quan niệm về Mường Trời - nơi cư ngụ của các thần linh, Mường Đất - Nơi ngụ của con người, Mường Nước tức Mường dưới lòng đất - Nơi cư ngụ của Long Vương; những quan niệm về phần hồn và phần xác trong mỗi con người thực chất là sự nhận thức, giải thích một cách đơn giản về mối quan hệ giữa con người với thế giới tự nhiên, về những điều mà con người muốn tìm được một chỗ dựa về tinh thần, tạo lập một niềm tin, mong muốn có được sự giúp đỡ của những sức mạnh vô hình để giải quyết những khó khăn trong cuộc sống. Thông qua những câu chuyện, những sự vật, sự việc được nhắc đến trong lời khấn ở các Lễ Then nói về tình yêu, ma chay, cưới hỏi, cầu may mắn, cầu tự, chữa bệnh, cầu phúc, cầu thọ, cầu an, giải hạn… Vì yêu thích âm nhạc Then mà về sau này đã có nhiều người sử dụng một số làn điệu phổ biến rồi đưa những lời ca, nội dung mới vào để mọi người trong cộng đồng đều có thể hát ở mọi lúc, mọi nơi, từ đó đã sinh ra nghệ thuật Hát Then - Đàn Tính, một loại hình văn nghệ quần quần chúng rất phổ biến, được yêu thích. Cũng qua đó mà âm nhạc Then đã vượt ra khỏi các nghi lễ Then do các thầy Then tiến hành. Nó nhanh chóng lan tỏa sâu rộng trong quần chúng, đi vào phản ánh những vấn đề thường nhật, sống động của cuộc sống hiện tại.

     Phát biểu tại hội thảo, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Bình Định, Viện trưởng Viện Âm nhạc Việt Nam khẳng định: “Sinh hoạt Then đã được đồng bào Tày, Nùng, Thái quý trọng, sử dụng và trao truyền qua nhiều thế hệ. Giá trị của Then đã tích hợp từ nhiều yếu tố khác nhau, trong đó có: ngôn ngữ, văn học, thơ ca dân gian, phong tục tập quán, y phục, tín ngưỡng, nghệ thuật trình diễn âm nhạc và múa dân gian… Chính vì thế, di sản văn hóa này rất xứng đáng và rất cần phải được tôn vinh, bảo vệ. Vì vậy, hội thảo này nhằm mục đích tìm ra phương hướng bảo tồn và phát huy một cách có hiệu quả giá trị di sản Then của các dân tộc Tày, Nùng, Thái trong xã hội Việt Nam hiện nay thông qua việc nhận diện lại một cách khoa học về các giá trị của di sản Then cũng như đánh giá hiện trạng tồn tại của di sản. Bên cạnh đó, nhằm kết nối, mở rộng thông tin về các hình thức di sản văn hóa tương đồng với Then hiện có trên thế giới. Đồng thời trao đổi kinh nghiệm về công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trong khu vực và trên thế giới”.

      Theo Giáo sư, Tiến sỹ khoa học Tô NgọcThanh, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, Then là tên gọi tiếng Thái - Tày để chỉ một loại hình văn hóa tín ngưỡng sa-man (shamanism) trong các tộc nói tiếng Thái - Tày như Lào, Lự, Giáy và các nhóm Thái - Tày địa phương như Thái Trắng, như Tày Cao Bằng, Tày Bắc Kạn, Tày sông Chảy, sông Lô, Nùng… Riêng người Thái Đen thì lại gọi là Xên Một hoặc Xên Một Lào. Các dân tộc khác ở nước ta đều có một loại hình tương tự như ở người Việt là Lên đồng - Chầu Văn, ở người Mường là Mỡi và ở người Bahnar là K’Minh K’Mang. Nếu gạt bỏ những yếu tố mê tín đối với việc chữa bệnh mà ngày nay thực tế cũng không còn mấy ai tin thì Then là một không gian văn hóa dân tộc, một tác phẩm văn học nghệ thuật dân gian đa dạng, vừa phản ánh, vừa mô tả, vừa gửi gắm nhắn nhủ những ngọt bùi đắng cay của cuộc sống của ông cha. Có thể tìm thấy trong Then không chỉ các thể thơ dân tộc, mà còn cả những biện pháp thi pháp, tu từ, ẩn dụ của nghệ thuật ngôn từ; tìm thấy những làn điệu của tầng dân ca, dân nhạc cổ xưa nhất, những điệu múa đã song hành với Then không biết bao nhiêu năm tháng. Then là một kho tàng quý báu tàng trữ những giá trị văn học nghệ thuật ngàn đời của ông cha. Then Tày, Nùng, Thái xứng đáng được đề cử để UNESCO công nhận là Di sản văn hóa cần bảo vệ khẩn cấp vì những nghệ nhân nắm vững vốn văn hóa quý báu này đã khuất núi dần.

 

Các em học sinh Trường PTDT Nội trú THPT tỉnh Tuyên Quang biểu diễn một tiết mục hát Then.

      Tại hội thảo, các nhà nghiên cứu âm nhạc quốc tế cũng có những đánh giá khẳng định tầm quan trọng của nghi lễ Then trong sinh hoạt cộng đồng đối với các dân tộc Tày, Nùng, Thái; so sánh một số nét tương đồng của nghi lễ Then với nghi lễ văn hóa một số dân tộc trên thế giới.

      Nói về việc giữ gìn và phát huy làn điệu Then cổ, nhà Nghiên cứu Ma Văn Đức (Tuyên Quang) tâm huyết: Các làn điệu Then cổ như được thổi hồn, nâng tầm nghệ thuật qua tài năng diễn xướng và trình độ gẩy đàn của các nghệ nhân, diễn viên. Người ta gẩy đàn bằng ngón tay trỏ với kỹ năng bấm, vuốt, rung nhấn, píc và bồi âm. Nhịp đàn lúc nhanh, lúc chậm; khi thì khoan thai, sâu lắng, khi thì ngân nga da diết, khi thì dồn dập như cơn gió thổi, mưa rào. Giọng Then cùng âm hưởng của tiếng đàn lay động xao xuyến, đánh thức vẻ đẹp tâm hồn, gọi dậy trong ta về giá trị thẩm mỹ trong cuộc sống hàng ngày của mỗi con người, mỗi cộng đồng. Chẳng thế, đã bao đời nay, người Tày luôn coi làn điệu Then như một báu vật tinh thần. Khi đi xa, có dịp được nghe tiếng đàn hát Then, lòng dạ lại bâng khuâng, nhung nhớ về quê hương, xóm bản nơi suối khe tắm gội. Và, đâu chỉ có người Tày muốn nghe Then, các dân tộc khác cũng rất muốn thưởng thức. Rõ ràng, làn điệu Then là thứ di sản xứng đáng phải được bảo tồn, gìn giữ và phát huy. Bảo tồn Then cổ là bảo tồn tư liệu sách, đạo cụ, trang phục; phát huy vai trò trao truyền của nghệ nhân; đẩy mạnh phong trào văn nghệ quần chúng; duy trì hoạt động các câu lạc bộ hát Then, đàn Tính ở các xã, phường, thôn bản, các trường học; tổ chức tập huấn hạt nhân văn nghệ cơ sở…

      Theo báo cáo trình bày tại hội thảo, cuối năm 2014, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tuyên Quang tiến hành kiểm kê di sản Then tại 15 xã thuộc 5 huyện trong tỉnh. Còn tại Bắc Giang, việc thống kê cũng giúp tìm được 31 nghệ nhân làm Then (huyện Lục Ngạn có 11 nghệ nhân, huyện Sơn Động 9 nghệ nhân, huyện Lạng Giang có 5 nghệ nhân, huyện Yên Thế 4 nghệ nhân và huyện Lục Nam 2 nghệ nhân).

       Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Bình Định, Viện trưởng Viện Âm nhạc Việt Nam khẳng định thời gian tới sẽ tiếp tục tham mưu cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương tuyên truyền, phổ biến sâu rộng đến đồng bào dân tộc Tày, Nùng, Thái để gìn giữ nghệ thuật hát Then; thành lập các câu lạc bộ Hát Then - Đàn Tính trên địa bàn có đồng bào Tày Nùng sinh sống; thu hút những người yêu Then tham gia để làn điệu Then lan tỏa trong đời sống cộng đồng; phối hợp với ngành Giáo dục - Đào tạo đưa nghệ thuật hát Then, đàn tính vào giảng dạy trong các trường học, cấp học, đặc biệt là các vùng có đông đồng bào Tày, Nùng cư trú… Hy vọng với sự quan tâm của các cấp chính quyền, cùng với những giải pháp hiệu quả ở cơ sở, di sản Then các dân tộc Tày, Nùng, Thái tại Tuyên Quang nói riêng và các vùng có di sản Then trong cả nước nói chung sẽ được bảo tồn, phát huy, ngày càng lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng.

Theo tuyenquang.gov.vn

 

 


Bài viết liên quan