Bưởi ngọt Xuân Vân

Dăm năm về trước, ít ai nghĩ xã Xuân Vân (Yên Sơn) - một miền quê bên tả ngạn sông Gâm "đất ít, đá nhiều” lại là vùng được ưu đãi với loài quả có múi ngọt là bưởi.

     Cây bưởi “trời cho”

     Dẫn chúng tôi thăm vùng bưởi, loại cây ăn quả đang là hướng phát triển kinh tế mũi nhọn trong chương trình xóa đói giảm nghèo của xã, Chủ nhiệm HTX Xuân Vân Phạm Trung Văn nói vui, vào vụ thu hoạch, sản lượng bưởi của xã đủ làm con đê ngăn lũ sông Gâm.


Vườn bưởi của gia đình ông Đỗ Khắc Khoát, thôn Soi Hà
mỗi năm cho thu nhập trên 300 triệu đồng. Ảnh: Tuệ Văn


    Hộ ông Đỗ Khắc Khoát, thôn Soi Hà được nhiều người biết đến, không chỉ vì có cây bưởi tổ mà còn là hộ trồng nhiều bưởi nhất xã Xuân Vân. Hiện gia đình ông có 300 gốc bưởi, bình quân mỗi năm cho thu nhập trên 300 triệu đồng. Dẫn chúng tôi thăm cây bưởi giống gốc được nhân cành về các vùng trong và ngoài tỉnh, ông Khoát giới thiệu: “Đây là cây bưởi trời cho, cây mọc tự nhiên trong vườn khi có quả mời mọi người ăn ai cũng thấy ngon thế là tin lành đồn xa mọi người đặt mua giống, tôi đã chiết cành ra bán". Từ cây bưởi này, giờ không chỉ riêng bà con ở 25 thôn trong xã mà cả Yên Bái, các xã quanh xã cùng tìm mua. Đặc tính của bưởi Xuân Vân được nhân giống từ cây giống gốc Soi Hà thường chín sớm thu hoạch vào tháng 9 và tháng 10. Đây là giống bưởi đường mỏng vỏ, múi bưởi dày và đều nhau, khi bóc ra hạt tép đều mọng nước, tuy ngọt nhưng không bị dính tay. Ở thời điểm đầu tháng 10, tại các gia đình trồng bưởi ở Xuân Vân đều có giá từ 33 nghìn đồng đến 35 nghìn đồng/quả.

   Ông Khoát bảo, gia đình không có ruộng, chỉ có 1 ha đất màu đồi, để ổn định trên diện tích này, gia đình ông đã trồng đủ loại cây trồng, từ dong riềng, sắn, mía, vải thiều Lục Ngạn và giờ là bưởi. Trong những cây thử nghiệm duy chỉ có cây bưởi là thu nhập cao ổn định và rễ chăm sóc. Tính bình quân 1 cây bưởi cho 200 quả, mỗi quả bán giá bình quân 30 nghìn đồng, thu được 6 triệu đồng (thu quả 1 cây bưởi = 1 tấn thóc). Có thể khẳng định đây là loài cây không có đối thủ nào cạnh tranh nổi.

   Thu nhập cao trên đơn vị diện tích

     Từ trung tâm xã Xuân Vân, đi hơn 2 km chúng tôi vào thôn Đồng Tày, ở đây bạt ngàn màu xanh của bưởi. Nhìn vậy nhưng vào sát gốc bưởi quả sai trĩu cành có cây tán rộng tới 6 m có từ 5 đến 10 cọc trống đỡ cành để không bị gãy vì đeo nhiều quả. Vườn bưởi của gia đình anh Vũ Văn Chiêm trong thôn, cây ít cũng 150 quả, cây nhiều tới 400 quả. Anh Chiêm kể vườn bưởi gia đình vừa bán quả, vừa bán cành chiết mỗi năm thu vài trăm triệu đồng. Ấy là chưa kể mỗi năm gia đình xuất chuồng 5 tấn lợn thịt, và thu hoạch vườn chanh tứ mùa. Khi chúng tôi hỏi về nguồn cơn nhân rộng cây bưởi trên vùng đất khó, khuôn mặt anh Chiêm đang hào hứng bỗng trầm hẳn lại.


Anh Vũ Văn Chiêm, thôn Đồng Tày thu hoạch bưởi Xuân Vân. Ảnh: Duy Hùng


    Anh Chiêm bảo, có được loại quả hàng hóa đưa khách về Xuân Vân tấp nập như bây giờ chúng tôi cũng phải trả giá đấy. Nhớ lại cách đây 7 năm, gia đình tôi có 3 sào ruộng cấy cưỡng (do thiếu nguồn nước tưới chủ động), nên cấy lúa năng suất đạt thấp. Qua thăm các mô hình trồng cây ăn quả của nhiều nơi, tôi về bàn với vợ vượt đất ruộng lên luống trồng bưởi. Đây là loài cây ít sâu bệnh và đã được khẳng định trên vùng đất này, tuy bán quả thời đó giá không cao, mỗi quả chỉ được 2 nghìn đồng. Nhưng hạch toán mỗi sào bưởi trồng 12 cây, mỗi cây cho 200 quả, trị giá 400 nghìn đồng/cây, hạch toán mỗi sào cũng thu được 4,8 triệu đồng gấp nhiều lần trồng lúa. Từ đó gia đình tôi quyết định chuyển đất ruộng sang trồng bưởi. Tuy nhiên gia đình cũng phải trả giá cho sự mạo hiểm về chuyển đổi cây trồng trên đất ruộng đó là 3 năm liền không đạt gia đình văn hóa. Mãi năm thứ 4, khi 3 sào ruộng bưởi mới bói vụ đầu gia đình bán được hơn 40 triệu đồng mọi người mới thừa nhận gia đình tôi chọn cách làm kinh tế đúng hướng và kể từ đó, năm nào gia đình cũng được bà con lối xóm công nhận gia đình văn hóa.

    Khẳng định vị thế cây trồng phù hợp

    Anh Triệu Văn Tuyển, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Vân cho biết, vị trí của xã tuy xa huyện và thành phố, nhưng là nơi đất lành. Hiện xã có 2.258 hộ với trên 9.000 khẩu phân bố ở 25 thôn trong xã. Do đặc thù của địa hình miền núi, diện tích đất ruộng chỉ có 284 ha, trong đó có 134 ha cấy 2 vụ còn lại là ruộng 1 vụ. Với diện tích trồng lúa trên, gặp được năm mưa thuận gió hòa, xã cũng tự cân đối lương thực, ngược lại thời tiết khó khăn sẽ thiếu lương thực. Để phát triển kinh tế trên vùng đất khó, bà con đưa nhiều loại cây về trồng nhưng đến nay có 3 loại cây đưa vào sản xuất hàng hóa bưởi, hồng không hạt và mía. Trong đó bưởi có 153 ha, mía gần 100 ha và hồng không hạt trên 20 ha. Có lẽ “trời thương” bà con nơi ít ruộng nên đã "tặng" loài cây có vị ngọt ở đất này.

    Về hiệu quả kinh tế các loại cây trồng trên đất bãi và màu đồi trên địa bàn xã, anh Phạm Trung Văn, Chủ nhiệm HTX Xuân Vân lý giải: Cây mía cho thu nhập 60 triệu đồng/ha; loài cây ăn quả (hồng không hạt) thu nhập bình quân đạt 145 triệu đồng/ha; nhưng “ngọt” nhất vẫn là bưởi, mỗi ha lên tới 175 triệu đồng. Hiện nay vùng bưởi tập trung của xã có 153 ha bưởi ngọt, hầu hết ở 25 thôn trong xã đều có hộ trồng bưởi, nhưng diện tích trồng tập trung và có nhiều hộ tham gia đứng đầu là thôn Soi Hà, có 36,6 ha; Soi Đát 14 ha; Vông Vàng 1 có 11,3 ha; An Lạc 2 có 10 ha; Đồng Tày 9,2 ha; còn lại các thôn trồng dưới 8 ha. Trong diện tích trồng bưởi hiện có trên 70 ha đang cho thu hoạch, vụ bưởi này Xuân Vân ước thu về gần 20 tỷ đồng…

Theo baotuyenquang.com.vn


Bài viết liên quan