Trưng bày mâm cỗ với các món ăn truyền thống tại Lễ hội Lồng tông xã Thượng Lâm (Lâm Bình).
Ông Nguyễn Vũ Phan, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, ẩm thực Tuyên Quang rất phong phú, xuất phát từ sự đa dạng trong sản xuất nông nghiệp. Hầu hết các món ăn đều được làm từ những sản vật nông nghiệp bản địa. Nhiều món ngon đã trở thành đặc sản nổi tiếng như thịt trâu gác bếp, măng rừng ở Lâm Bình; rượu ngô, thịt chua ở Nà Hang; Chiêm Hóa có bánh gai, mắm cá ruộng; Sơn Dương có cơm lam; Hàm Yên có gạo, vịt bầu Minh Hương… Mỗi dân tộc có một số món ăn đặc trưng của mình. Trong quá trình cùng sinh sống, phát triển, các món ăn đặc trưng đó đã trở thành phổ biến, được các dân tộc cùng sử dụng, các món ăn cũng dần dần chuyển hóa giống nhau, người ta không còn phân biệt món ăn nào là của dân tộc nào như lạp xưởng, cơm lam của người Tày; mắm cá, thịt lợn muối chua của người Dao; bánh khảo của người Nùng…
Thịt muối chua là món ăn dân dã, mang đậm màu sắc ẩm thực đồng bào các dân tộc vùng cao nhưng với mỗi dân tộc lại có một cách chế biến khác nhau. Bà Lý Thị Liên, dân tộc Dao Tiền, thôn Đèo Ảng, xã Bình Xa (Hàm Yên) cho biết, thịt muối chua của người Dao Tiền thường được làm từ 4 nguyên liệu chính gồm thịt lợn, riềng, cơm nếp, lá cơm đỏ. Ngon nhất là thịt ba chỉ, được cắt thành từng miếng rồi ướp với muối, riềng, lá cơm đỏ, cơm nếp (có thể là cơm tẻ) để nguội. Cơm nguội chính là yếu tố quyết định sự khác biệt và tạo nên vị chua - hương vị đặc trưng của thịt muối chua của người Dao Tiền. Người ta đem gạo tẻ hay gạo nếp nấu chín thành cơm, sau đó xới ra để nguội và bóp đều vào thịt. Mỗi miếng thịt sau khi xát muối được trộn tiếp với một ít cơm nguội rồi đem xếp ngay ngắn vào vại, chum, trên cùng chét thêm một lớp cơm nguội dày và dùng tay lèn thật chặt. Công đoạn này có thể mất từ 5 ngày đến nửa tháng, tùy thuộc vào thời tiết và từng mùa. Thịt muối chua có thể rang, nấu tùy theo sở thích của từng người.
Cũng như các dân tộc khác, người Tày ăn cơm tẻ hàng ngày, bữa phụ buổi sáng, hai bữa chính là trưa và chiều nhưng ngày xưa người Tày hầu như chỉ ăn xôi nếp ít khi ăn cơm tẻ. Bà Ma Thị Uẩn, 87 tuổi, người dân tộc Tày, xã Tú Thịnh (Sơn Dương) cho biết, sáng sớm hàng ngày, người Tày thường đồ một chõ xôi treo lên móc ở gian bếp để ăn cả ngày. Ăn xôi nếp vừa dẻo, vừa ngon, no lâu không mất thời gian nấu ba bữa. Ngày nay, với nhiều lý do khác nhau nếp sống này đã mất từ lâu, người Tày cũng dùng cơm tẻ hàng ngày như các dân tộc khác, xôi nếp chỉ còn dùng trong các dịp lễ, Tết, cúng, tế…
Trên địa bàn tỉnh, dân tộc Tày chiếm trên 25% dân số, là dân tộc thiểu số đông nhất, do vậy ẩm thực người dân tộc Tày có ảnh hưởng rất lớn tới bữa ăn của người Kinh. Ngày Tết, người Tày cũng gói bánh chưng vuông nhưng họ vẫn gọi bánh đó là của người Kinh, người Tày thường gói loại bánh tròn dài. Người Kinh cũng thích gói bánh chưng Tày, ăn bánh tro, bánh dợm độn của chuối rừng, cơm lam, thịt nướng. Bên cạnh đó, người Kinh còn tiếp thu hệ thống các lễ tết trong năm của người Tày, cùng các lễ vật theo từng Tết như cúng bánh ngải, xôi cẩm vào Tết Thanh minh, ăn thịt vịt vào Rằm tháng Bảy chứ không chỉ cúng đĩa xôi, con gà như người Kinh ở đồng bằng.
Văn hóa ẩm thực phản ánh những đặc điểm, tín ngưỡng và những nét đặc sắc tiêu biểu của mỗi dân tộc, mỗi vùng đất làm cho văn hóa ẩm thực Tuyên Quang có sự phong phú, đa dạng và nhiều màu sắc.
Theo TQĐT