Người Tày quan niệm xôi năm màu là biểu tượng của ngũ hành: Kim - Mộc - Thủy - Hỏa - Thổ. Xôi năm màu có màu sắc đẹp, giàu tính thẩm mỹ nhưng điều đáng quý là màu sắc của xôi hoàn toàn được tạo nên từ thiên nhiên, cây cỏ. Màu trắng là màu nguyên của hạt gạo nếp nương, trắng ngà dẻo thơm. Sắc xanh của xôi được tạo từ màu xanh của lá gừng, lá riềng. Màu đỏ và màu tím được tạo từ lá của cây cơm đỏ, cơm tím rất sẵn có trong vườn nhà của đồng bào và màu vàng được tạo từ màu của bột nghệ nếp. Những lá cây này mang về được rửa sạch, giã nhỏ chắt lấy nước, rồi ngâm gạo qua một đêm cho thấm màu. Người Tày có chõ đồ xôi ngũ sắc riêng, trong chõ có năm vách ngăn năm màu, sau khi ngâm gạo chỉ việc đổ năm màu vào năm vách tương ứng rồi bắc lên bếp đồ.
Không chỉ công phu ở khâu lựa chọn nguyên liệu, chế biến mà khâu trình bày cũng được bà con rất coi trọng. Khi lấy xôi trong chõ xếp ra đĩa cũng cần tuân theo quy tắc nhất định. Trong đĩa xôi ngũ sắc màu trắng sẽ đặt ở giữa tượng trưng cho sự hội tụ tinh túy của trời đất. Bốn màu sẽ đặt xung quanh tượng trưng cho bốn phương của trời đất, bốn mùa Xuân Hạ Thu Đông trong năm. Đĩa xôi ngũ sắc tượng trưng cho ngũ hành trong trời đất và cũng tượng trưng cho ngũ hành trong thiên hạ. Họ quan niệm đỏ là hỏa, đen là thủy, trắng là kim, vàng là thổ, xanh là mộc.
Mỗi đĩa xôi ngũ sắc mời khách là cả tấm lòng mến khách chân thành chứa đựng biết bao giọt mồ hôi và công sức của chủ nhà, nó còn là những ước mơ về hạnh phúc, khát vọng ngàn đời no đủ, mong ước mưa thuận gió hòa để mùa màng tốt tươi.
Thưởng thức mỗi đĩa xôi của người Tày tỉnh Tuyên Quang quê tôi để cảm nhận cái tình nồng ấm của con người đồng rừng, cảm nhận sự vất vả của người làm ra bông lúa ở một tỉnh miền núi để chúng ta thêm trân trọng hơn sự no đủ cuộc sống hiện thời./.
Phạm Hương