Du lịch 6 tỉnh Việt Bắc thúc đẩy kinh tế vùng

Liên kết du lịch đang trở thành một xu hướng tất yếu, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội vùng, mang lợi ích chung cho cả cộng đồng rộng lớn. Với ý nghĩa như vậy, năm 2008, Chương trình khảo sát liên kết mở tuyến du lịch đường thủy giữa 3 tỉnh Tuyên Quang - Hà Giang - Bắc Kạn được tiến hành.

 

 

 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hải Anh chủ trì cuộc họp Ban Tổ chức Chương trình hợp tác phát triển du lịch “Qua những miền di sản Việt Bắc” và Lễ hội Thành Tuyên năm 2016 với lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch 6 tỉnh Việt Bắc.

Đây là tuyến du lịch được đánh giá độc đáo và nhiều triển vọng phát triển bởi nó liên kết được những địa điểm tham quan hấp dẫn như Hồ Ba Bể (Bắc Kạn), Hồ thủy điện Tuyên Quang và cảnh sắc nên thơ của huyện Bắc Mê (Hà Giang). Sau khi được mở tuyến, lượng khách du lịch tham quan bằng đường thủy đến ba tỉnh đều tăng, giờ trở nên rất sôi động.

Trên cơ sở kết quả của sự hợp tác hiệu quả đó, lãnh đạo tỉnh Hà Giang đã đề xuất chương trình hợp tác toàn diện về du lịch giữa 4 tỉnh Cao Bằng - Bắc Kạn - Hà Giang - Tuyên Quang, được lãnh đạo các tỉnh nhiệt tình ủng hộ. Tháng 8-2009, tại Hà Giang, lãnh đạo các tỉnh Cao Bằng - Bắc Kạn - Hà Giang - Tuyên Quang đã ký kết hợp tác phát triển du lịch giữa 4 tỉnh với nguyên tắc “tự nguyện, bình đẳng, hiệu quả và cùng có lợi”. Sự liên kết này là cần thiết và hợp lý bởi nó là xu thế chung trong phát triển du lịch. Mỗi địa phương cần biết khai thác tiềm năng và tăng cường hợp tác, liên kết với bên ngoài nhằm tạo ra những tua, tuyến mới lạ, thu hút du khách. Giữa 4 tỉnh có nhiều điểm tương đồng về văn hóa, lịch sử nên hợp tác để phát triển du lịch nhằm hỗ trợ bổ sung cho nhau để cùng phát triển.

Sự liên kết đó được hiện thực hóa bằng những hoạt động văn hóa, du lịch chung tại tỉnh Hà Giang năm 2009 mang tên Chương trình du lịch “Qua những miền di sản”. Kể từ đó, chương trình được thực hiện luân phiên tại các tỉnh, mỗi năm một lần. Sau khi được tổ chức thành công tại Hà Giang năm 2009, chương trình được luân chuyển tổ chức tại Tuyên Quang năm 2010. Năm 2011, tỉnh Bắc Kạn đăng cai tổ chức chương trình. Nhận thấy ý nghĩa và tầm quan trọng của việc liên kết, đồng thời được sự gợi ý của Tổng cục Du lịch Việt Nam, hai tỉnh Lạng Sơn, Thái Nguyên đề xuất được tham gia vào những hoạt động chung của chương trình. Để phù hợp với sự thay đổi này, Chương trình du lịch “Qua những miền di sản” 6 tỉnh Cao - Bắc - Lạng - Thái - Tuyên - Hà được đổi tên thành Chương trình hợp tác phát triển du lịch “Qua những miền di sản Việt Bắc”.

Tuyến du lịch Bắc Mê (Hà Giang) - Hồ Thủy điện Tuyên Quang - Hồ Ba Bể (Bắc Kạn) đang hút du khách.

Đây là hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch nhằm tuyên truyền, quảng bá về mảnh đất, con người, giới thiệu tiềm năng du lịch và cơ chế khuyến khích đầu tư, hợp tác phát triển, tăng lượng khách du lịch của 6 tỉnh Cao Bằng - Bắc Kạn - Lạng Sơn - Thái Nguyên - Tuyên Quang - Hà Giang. Hàng năm, lãnh đạo các tỉnh đều họp tổng kết những mặt làm được, bàn những giải pháp để thúc đẩy du lịch vùng Việt Bắc lên một tầm cao mới. Tiếp đó, năm 2012 tỉnh Cao Bằng đăng cai, năm 2013 tỉnh Lạng Sơn đăng cai, năm 2014 tỉnh Thái Nguyên đăng cai, năm 2015 tỉnh Hà Giang đăng cai.

Năm 2016, Chương trình hợp tác phát triển du lịch “Qua những miền di sản Việt Bắc” lần thứ VIII lại được “quay vòng” đến với tỉnh Tuyên Quang. Chương trình sẽ được khai mạc vào tối 9-9 tại Quảng trường Nguyễn Tất Thành (TP Tuyên Quang) gắn với Lễ hội Thành Tuyên năm 2016. Trong đêm khai mạc có chương trình nghệ thuật đặc sắc và trình diễn trang phục các dân tộc do 6 tỉnh phối hợp thực hiện. Việc tỉnh Tuyên Quang tổ chức chương trình gắn với Lễ hội Thành Tuyên càng có ý nghĩa lớn. Bởi Lễ hội Thành Tuyên đã trở thành thương hiệu riêng có của Tuyên Quang, thu hút đông đảo khách du lịch đến với lễ hội. Trong khuôn khổ của lễ hội, 6 tỉnh sẽ tham gia trưng bày mỗi tỉnh 2 gian hàng ẩm thực cùng lễ hội bia. Diễn viên, nghệ nhân, vận động viên của các tỉnh sẽ tham gia Liên hoan Văn hóa văn nghệ dân gian, thi đấu một số môn thể thao dân tộc...

Để chương trình được tổ chức với chất lượng cao nhất, ngay từ sớm tỉnh Tuyên Quang đã mời lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch của 5 tỉnh còn lại họp Ban Tổ chức, thống nhất kế hoạch, chương trình tổ chức. Các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, để chương trình ngày càng hoàn thiện, thiết thực, hiệu quả, có sức lan tỏa trong cộng đồng. Trước kia, vùng chiến khu Việt Bắc người ta hay nhắc tới cụm từ “Cao - Bắc - Lạng - Thái - Tuyên - Hà”, ngày nay phát huy các di sản văn hóa, truyền thống cách mạng, các tỉnh đang nỗ lực xây dựng các tua tuyến du lịch, thúc đẩy kinh tế vùng. Văn hóa các tỉnh có tính tương đồng nhưng mỗi tỉnh lại có thế mạnh, sản phẩm du lịch riêng. Cao Bằng nổi tiếng với Khu di tích Pác Bó, thác Bản Giốc; Lạng Sơn có chùa Tam Thanh, động Nhị Thanh, núi Tô Thị, chợ Kỳ Lừa; Bắc Kạn có Hồ Ba Bể, Thái Nguyên có Khu di tích ATK Định Hóa, Hồ Núi Cốc; Tuyên Quang có Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào, suối khoáng nóng Mỹ Lâm, hồ thủy điện Tuyên Quang; Hà Giang có Công viên địa chất toàn cầu, Cao nguyên đá Đồng Văn...

Việc 6 tỉnh Việt Bắc liên kết thực hiện các giải pháp phát triển du lịch vùng “Qua những miền di sản Việt Bắc” có ý nghĩa rất quan trọng. Thực tế cho thấy khách du lịch nội địa ở đồng bằng Bắc bộ, miền Trung, miền Nam ngày càng bị cuốn hút bởi các tua du lịch liên tỉnh Việt Bắc. Do đó, hợp tác du lịch tạo ra thời cơ và triển vọng của toàn vùng...

Theo TQĐT

 

Bài viết liên quan