Năm 2013, Cam Sành Hàm Yên đã được Tổ chức kỷ lục Việt Nam chứng nhận Top 50 trái cây đặc sản nổi tiếng nhất Việt Nam; được xếp hạng Top 10 thương hiệu - nhãn hiệu nổi tiếng Việt Nam. Năm 2014, được tôn vinh là một trong những sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu năm 2013. Năm 2015, đạt danh hiệu “Thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam”.
Vịt bầu Minh Hương vừa được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu. Đây là đặc sản riêng có của xã Minh Hương (Hàm Yên) - địa phương được “trời ban” cho dòng suối từ khu rừng đặc dụng Cham Chu chảy qua 25 thôn bản, đã tạo nên thứ đặc sản vịt bầu không nơi nào có được. Việc Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận, giúp thương hiệu vịt bầu Minh Hương trở thành sản phẩm có uy tín trên thị trường, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân trong chăn nuôi, chế biến và kinh doanh loại vịt đặc sản này.
Công ty TNHH Long Giang thu hoạch cá chiên nuôi trên hồ thủy điện. |
Lê Hồng Thái một loài cây đặc sản của xã Hồng Thái (Nà Hang) đã có từ lâu đời. Lê Hồng Thái vốn có vị chua chát, chỉ người ăn quen mới cảm nhận hết được vị đậm đà của nó. Đến năm 2001, dự án trồng cây lê Hồng Thái được Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh triển khai, lấy giống lê từ Lạng Sơn ghép với gốc lê địa phương để tạo ra cây lê lai cho năng suất cao. Việc ghép giống đã được thực hiện một thời gian dài và nay lê Hồng Thái đã có vị ngọt mát, nhưng vẫn giữ được vị riêng của lê bản địa. Hiện đang vào mùa thu hoạch lê, toàn xã có hơn 3.000 gốc lê, trung bình mỗi gốc cho thu hoạch từ 20 - 50 kg quả.
Món thịt trâu khô Nà Hang. Ảnh: H.M |
Huyện vùng cao Nà Hang không chỉ có cảnh quan thiên nhiên hữu tình, nơi không chỉ có Hồ thủy điện Tuyên Quang được ví như “Hạ Long trên cạn” mà còn có những món ẩm thực làm nức lòng mọi người, đó là thịt lợn đen. Người Nà Hang chế biến thịt lợn đen thành những món ăn độc đáo như: Thịt lợn nướng riềng mẻ, thịt lợn nướng ngũ vị hương, thịt lợn xào lăn, thịt lợn chua.
Thịt lợn chua là món ăn dân dã, được chế biến khá đơn giản với những gia vị như lá riềng, lá quế, cơm rượu nếp, muối... Các loại gia vị trên phơi khô, giã nhỏ, cùng với rượu nếp cái ướp chung với thịt lợn đen, sau đó cho vào hũ lớn, cứ mỗi lớp thịt lại rải một lớp gạo rang rồi bọc kín, để trên gác bếp, khoảng 1 - 2 tuần là dùng được. Đây là món ăn không chỉ ngon mà còn mang nét độc đáo đặc sắc riêng trong văn hóa ẩm thực của đồng bào vùng cao Nà Hang. Nà Hang còn luôn hấp dẫn du khách bởi món thịt trâu khô gác bếp. Thịt trâu khô Nà Hang có màu đỏ cùng mùi khói lạ lạ mà lại hấp dẫn lạ thường.
Một trái cây rất ngon, không thể không nhắc đến khi đến xứ Tuyên là hồng không hạt Xuân Vân (Yên Sơn), hiện đang được tỉnh xây dựng, phát triển thương hiệu. Xã Xuân Vân (Yên Sơn) còn nổi tiếng với bưởi Soi Hà. Bưởi Soi Hà được đánh giá rất cao về chất lượng cũng như mẫu mã của sản phẩm. Bưởi được sản xuất theo quy trình nông nghiệp hữu cơ nên rất an toàn cho người tiêu dùng, bưởi Soi Hà đang vào mùa, cung cấp cho các thị trường trong và ngoài tỉnh.
Ngoài những sản vật trên, Tuyên Quang còn được nhắc đến với những sản vật khác cùng nổi tiếng không kém như: Nhãn lồng Vinh Quang (Chiêm Hóa); nhãn lồng, na dai Thái Bình (Yên Sơn); chè VietGap Trung Long, xã Trung Yên (Sơn Dương); chè Luận Kỳ, thôn Làng Bát, xã Tân Thành (Hàm Yên); chè Bát Tiên, xã Mỹ Bằng (Yên Sơn); miến dong Lực Hành (Yên Sơn); mật ong, phấn hoa Phong Thổ (TP Tuyên Quang)…
Nhãn Thái Bình (Yên Sơn, Tuyên Quang). |
Đây là những sản phẩm đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu, được tiêu thụ mạnh tại thị trường Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành phố khác trong nước.
Trừ Cam sành chín vào dịp Tết Nguyên đán, còn các sản phẩm nói trên đều đang rất sẵn sàng phục vụ du khách đến Tuyên Quang dịp Lễ hội Thành Tuyên.
Theo Báo Tuyên Quang điện tử