Xây dựng các sản phẩm đa dạng, hấp dẫn phục vụ du lịch

Đến với Tuyên Quang, du khách có nhiều điểm du lịch để lựa chọn. Không chỉ tạo dấu ấn qua những cảnh sắc và nét đẹp văn hóa mà mỗi vùng đất có các sản phẩm phục vụ du lịch đặc trưng. Tuy nhiên, việc phát triển các sản phẩm này còn khá manh mún, đơn điệu, do đó cần có cách làm chuyên nghiệp hơn để du lịch Tuyên Quang thực sự là điểm đến hấp dẫn du khách.

    Đa dạng các tour du lịch

Bưởi xã Lực Hành (Yên Sơn) được chứng nhận nông sản sạch theo tiêu chuẩn VietGap.

    Tuyên Quang là tỉnh có tiềm năng du lịch đa dạng, phong phú và hấp dẫn với nhiều loại hình khác nhau: Du lịch văn hóa, lịch sử; du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng; du lịch tâm linh; du lịch cộng đồng...

    Đến với huyện Hàm Yên, du khách có thể tham quan, khám phá các danh lam thắng cảnh, tham gia các hoạt động tín ngưỡng tâm linh tại: Động Tiên, đền Thác Cái (xã Yên Phú), Hồ Khởn (xã Thái Sơn); đình Thác Cấm, đền Bắc Mục (thị trấn Tân Yên)... Trung bình mỗi năm các điểm du lịch trên địa bàn huyện thu hút trên 190.000 lượt khách du lịch, nâng tổng doanh thu xã hội từ du lịch đạt hơn 35 tỷ đồng. Hàm Yên là địa phương có nhiều đặc sản nổi tiếng như: Càm sành, mật ong Cao Đường, vịt bầu Minh Hương, các loại thuốc quý được lấy từ trong rừng, thổ cẩm, thêu ren... Đây là món quà mà nhiều du khách lựa chọn mỗi lần đến với Hàm Yên.

    Huyện Yên Sơn có nhiều di tích lịch sử cũng như nhiều lễ hội độc đáo như: Lễ hội Đình làng Giếng Tanh, xã Kim Phú; Lễ hội đình Minh Cầm (xã Đội Bình); Lễ hội Đầm Mây, Lễ hội đền Minh Lương (xã Lang Quán)... Đặc biệt, Khu du lịch suối khoáng Mỹ Lâm luôn là điểm du lịch hấp dẫn các du khách. Bên cạnh việc phát triển các tour tuyến, đa dạng hóa loại hình du lịch thì huyện cũng chú trọng phát triển thương hiệu các sản phẩm phục vụ du lịch. Đó là các sản phẩm nông nghiệp sạch như: Miến dong Hợp Thành (xã Lực Hành), miến dong Hảo Hán (xã Nhữ Hán), chè Bát Tiên (xã Mỹ Bằng), bưởi Soi Hà (xã Xuân Vân), gạo chất lượng cao (xã Kim Phú), rượu men lá Tiến Huy (xã Hùng Lợi)… Đa số các sản phẩm nông nghiệp được bày bán tại một số cửa hàng nhỏ lẻ gần điểm du lịch trong huyện...

Đoàn cán bộ Hội Nhà báo Việt Nam tham quan đồi chè xã Mỹ Bằng, huyên Yên Sơn trong chuyến du lịch tại Tuyên Quang.

    Với tiềm năng du lịch phong phú thì việc liên kết phát triển các sản phẩm phục vụ du lịch vừa góp phần nâng cao thu nhập vừa tạo được nét đặc trưng riêng cho địa phương. Theo chị Nguyễn Thị Thu Hà, Trưởng Phòng Nghiệp vụ Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thì các sản phẩm phục vụ du lịch ở tỉnh ta khá phong phú. Các đặc sản đều có xuất xứ từ những vùng đất có lợi thế về du lịch: Cam sành Hàm Yên, bánh gai Chiêm Hóa, rượu ngô Nà Hang, chè Vĩnh Tân, xã Tân Trào (Sơn Dương)… Tuy nhiên, việc phát triển các sản phẩm chủ yếu là tự phát, manh mún, hình thức đơn điệu chưa hấp dẫn du khách.

    Một số sản phẩm nông sản đã được địa phương chế biến đóng gói bao bì, nhãn hiệu nhưng để trở thành sản phẩm phục vụ du lịch một cách chuyên nghiệp thì rất khó khăn. Anh Phạm Đình Thắng, Chủ nhiệm Hợp tác xã Thắng Lợi, xã Lực Hành (Yên Sơn) cho biết, thực tế cơ sở sản xuất miến dong của anh đều phải tự tìm đại lý trong tỉnh để bán buôn. Hiện cơ sở chưa tạo được kết nối để đưa sản phẩm phát triển theo hướng phục vụ du lịch. Anh mong muốn có các tour du lịch trải nghiệm để du khách có thể trực tiếp tham quan và mua sắm ngay tại xưởng sản xuất.

    Có sản phẩm đã có thương hiệu nhưng việc tạo ra nhiều mẫu mã thì chưa có. Ông Nguyễn Đại Thành, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho biết, trên thực tế cam Hàm Yên chỉ tiêu thụ trong vòng 4 - 5 tháng (thu hoạch từ tháng 10 năm trước đến tháng 2 năm sau). Trong khi đó nhiều địa phương thực hiện theo quy trình hiện đại, cam được chế biến nhiều sản phẩm như nước ép, siro cam, mứt cam, tinh dầu cam, rượu cam, xà phòng cam... Điển hình như tại Nghệ An, Tổ chức Jica (Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản) đã phối hợp để hỗ trợ phát triển, sản xuất nhiều loại sản phẩm từ cam. Hay ở Phú Phú Quốc (Kiên Giang) từ quả sim đã chế biến thành siro sim, rượu sim, mật sim; con mực ở Nha Trang (Khánh Hòa) được chế biến thành mực rim, mực tẩm, mực khô...

    Cũng theo ông Nguyễn Đại Thành, để đa dạng hóa sản phẩm thì cần có sự đầu tư nghiên cứu khoa học và công nghệ, giúp người dân có thể chuyển đổi từ sản phẩm nông nghiệp đơn thuần thành hàng hóa. Đồng thời có thể chế biến thành nhiều thành phẩm khác nhau từ nông sản địa phương để du khách lựa chọn.

    Tạo đà phát triển các sản phẩm phục vụ du lịch

Các sản phẩm nông sản tại gian hàng giới thiệu, quảng bá, trưng bày sản phẩm nông sản Tuyên Quang trong dịp Lễ hội Thành Tuyên năm 2016.

    Phát triển du lịch tiếp tục được Đại hội Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015 - 2020 xác định là một trong ba khâu đột phá của tỉnh. Để cụ thể hóa chủ trương đó, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch Phát triển du lịch giai đoạn 2016 - 2020. Trong đó nêu rõ về vấn đề xây dựng kế hoạch phát triển các sản phẩm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề truyền thống, nông nghiệp chất lượng cao phục vụ phát triển du lịch. Tổ chức thiết kế mẫu quà tặng lưu niệm độc đáo, đặc trưng phục vụ công tác quảng bá du lịch…

    Theo đó, Sở Công Thương xây dựng kế hoạch phát triển sản phẩm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề truyền thống phục vụ du lịch, trong đó chú trọng phát triển các sản phẩm và làng nghề thủ công truyền thống. Trung tâm Xúc tiến Đầu tư tỉnh chủ trì phối hợp xây dựng kế hoạch xúc tiến quảng bá du lịch giai đoạn 2016 - 2020; tổ chức cuộc thi thiết kế các mẫu quà tặng lưu niệm đặc trưng về du lịch Tuyên Quang, lựa chọn mẫu đoạt giải, sản xuất phục vụ công tác quảng bá du lịch của tỉnh; tăng cường kêu gọi đầu tư, quảng bá xúc tiến du lịch. Sở Nông nghiệp và PTNT xây dựng kế hoạch phát triển các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao phục vụ nhu cầu du lịch…

    Vừa qua, trong khuôn khổ các hoạt động Chương trình hợp tác phát triển du lịch “Qua những miền di sản Việt Bắc” và Lễ hội Thành Tuyên năm 2016, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư tỉnh đã tổ chức trưng bày, giới thiệu gian hàng nông sản địa phương. Điểm trưng bày thu hút nhiều du khách tham quan, mua sắm, chỉ trong vài ngày một số gian hàng không còn sản phẩm để bán. Ông Trương Xuân Quý, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư tỉnh cho biết, việc trưng bày sản phẩm nông nghiệp đúng dịp lễ hội được rất nhiều khách du lịch biết đến. Thời gian tới, trung tâm tăng cường giới thiệu sản phẩm tại các điểm hội chợ thương mại trong và ngoài tỉnh; xây dựng quầy giới thiệu sản phẩm, trưng bày tại các khu điểm du lịch đảm bảo chất lượng phục vụ khách du lịch.

    Việc kết nối các doanh nghiệp lữ hành với các cơ sở bán hàng, cơ sở sản xuất sản phẩm nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp để cung ứng sản phẩm cho du khách có ý nghĩa quan trọng. Anh Trần Văn Kết, Giám đốc Công ty TNHH Sông Gâm (Chiêm Hóa) cho biết, anh mong muốn thực hiện việc liên kết hoạt động du lịch lịch sử, văn hóa và du lịch trải nghiệm sẽ tạo được hứng thú cho nhiều du khách. Tại các làng nghề hoặc cơ sở sản xuất du khách sẽ được hòa mình vào các hoạt động sản xuất, chế biến như sao sấy chè, đánh mốc chè, thu hoạch vườn cam, làm bánh gai… Đây chắc chắn là một trong những cách làm du lịch hiệu quả, hợp thị hiếu du khách.

    Với những lợi thế về địa hình, thổ nhưỡng, tỉnh ta sở hữu nhiều sản phẩm nông nghiệp có giá trị. Đưa được những sản phẩm này đến tay khách du lịch cũng như “kéo” du khách đến với các làng nghề chính là một cách để phát triển.

Theo TQĐT


Bài viết liên quan