Nà Hang khởi động du lịch homestay

Hai thôn Nà Khá, Nà Vai của xã Năng Khả được lãnh đạo huyện Nà Hang chọn làm điểm xây dựng làng văn hóa du lịch cộng đồng.

 

Thầy giáo, sinh viên Trường Đại học Thăng Long (Hà Nội) tham quan nhà sàn của người dân thôn Nà Khá, xã Năng Khả (Nà Hang).


    Nhà ông La Văn San, dân tộc Tày, Bí thư Chi bộ thôn Nà Khá đã xung phong đi đầu trong việc chỉnh trang nhà cửa, xây dựng các công trình vệ sinh khép kín để phục vụ du lịch homestay. Ông San cho biết, từ ngày 22 đến ngày 26 - 8 vừa rồi, Ban Quản lý Khu du lịch sinh thái Nà Hang đã mời thầy giáo của Trường Đại học Thăng Long (Hà Nội) lên dạy cách làm du lịch homestay cho bà con thôn Nà Khá, Nà Vai. Sau khóa học, ông tiên phong làm việc này trước. Trong thôn có nhà ông Ma Văn Kiên, Ma Văn Hiếu và bà Ma Thị Mến cũng đang sửa chữa, chỉnh trang nhà cửa.

    Xã Năng Khả đã được công nhận xã nông thôn mới, cách thị trấn Nà Hang gần 10 km đường nhựa, cư dân chủ yếu là dân tộc Tày, thuận tiện cho việc đón một lượng khách lớn từ thị trấn Nà Hang vào ăn, nghỉ. Du lịch hồ thủy điện Tuyên Quang được các chuyên gia đánh giá nhiều triển vọng, trong khi các khách sạn, nhà nghỉ, nhà hàng ngoài thị trấn chưa đủ để đón một lượng khách đông.

    Để khởi động cho dự án du lịch cộng đồng này, năm 2015 huyện đã chọn một số hộ dân ở thôn Nà Khá, Nà Vai đi học tập cách làm du lịch homestay ở Bản Lác (huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình). Qua chuyến đi học tập kinh nghiệm thực tế, các hộ dân ở thôn Nà Khá, Nà Vai khẳng định mình có thể làm được du lịch cộng đồng nếu có sự trợ giúp bài bản của chính quyền địa phương, ngành du lịch.

    Ông Nguyễn Văn Chủng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Năng Khả cho biết, thôn Nà Khá có 136 hộ, thôn Nà Vai có 93 hộ, trên 60% số hộ còn giữ được nhà sàn. Hai thôn có nguồn nước mỏ Bó Khá từ rừng núi nguyên sinh chảy xuống, đảm bảo cho sinh hoạt, xây bể tắm, bể bơi. Các thôn đều có đội văn nghệ hát Then, đàn Tính.

    Mới đây, thầy giáo, sinh viên thực tập của Trường Đại học Thăng Long lên dạy cho người dân về cách thức đón tiếp khách, làm một số mẫu sản phẩm đan lát mà du khách ưa thích và phương pháp chế biến, sắp đặt các món ăn ẩm thực đặc trưng của địa phương.

    Xã nhận thấy hai thôn có nhiều thế mạnh, trong đó có thế mạnh về ẩm thực như các món chế biến từ thịt lợn đen, gà ta, dê núi, rau rừng giảo cổ lam, xôi ngũ sắc, rượu ngô, hoa chuối rừng, hoa kè, trám, măng chua, cơm lam... Đặc biệt, trên địa bàn có đặc sản ốc núi, du khách được thưởng thức thì khó quên hương vị của nó.

    Chính quyền xã mong muốn huyện tạo điều kiện cho Viễn thông Nà Hang đưa internet về hai thôn, để phủ sóng wifi, giúp du khách an tâm về mặt thông tin. 

    Theo Ban Quản lý khu du lịch sinh thái Nà Hang, Chương trình hợp tác phát triển du lịch “Qua những miền di sản Việt Bắc” được khởi xướng từ năm 2009 giữa 6 tỉnh Việt Bắc “Cao - Bắc - Lạng - Thái - Tuyên - Hà” đã có tác động trực tiếp đến hai thôn Nà Khá và Nà Vai bởi tuyến du lịch Bắc Mê (Hà Giang) - Hồ Thủy điện Tuyên Quang - Hồ Ba Bể (Bắc Kạn) đã được kết nối, lượng khách tăng không ngừng qua các năm. Trên hành trình của tua du lịch khám phá này, du khách có thể dừng chân thăm Nhà máy thủy điện Tuyên Quang, thị trấn Nà Hang và sinh hoạt tại làng văn hóa du lịch cộng đồng Nà Khá, Nà Vai, tìm hiểu sâu về mảnh đất, con người bản địa nơi đây.

    Cùng với sự vào cuộc tâm huyết của các cấp, các ngành, sự chuyển động từ ý thức và hành động của người dân chắc chắn trong thời gian không xa, Nà Khá, Nà Vai sẽ là điểm du lịch cộng đồng lý thú của huyện vùng cao Nà Hang.

Theo TQĐT


Bài viết liên quan